Tiếp bài Chạy theo phong trào, lao đao vì nợ

Tiếp bài Chạy theo phong trào, lao đao vì nợ
TP - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) Nguyễn Văn Doanh khẳng định đã chỉ đạo xã Thụy Hương khắc phục những hạn chế mà báo Tiền Phong nêu.

> Chạy theo 'phong trào' lao đao vì nợ
> Làm ít, Tiền nhiều - đánh liều 'ôm nợ'

Ông Doanh cho biết:

Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2011 đến 2015 huyện phấn đấu 17 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các xã còn lại hoàn thành trong giai đoạn 2015- 2020.

Toàn bộ quy hoạch, đề án đã được phê duyệt và đang tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó có việc tổ chức dồn điền đổi thửa. Theo phương án được duyệt, xây dựng nông thôn mới tại 30 xã của huyện Chương Mỹ cần 6.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi xã cần 200- 250 tỷ đồng. Ngân sách thành phố đã hỗ trợ được 144 tỷ đồng chủ yếu tập trung vào giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng.

Thưa ông, vì sao 2 nhà máy cung cấp nước tưới cho rau tại Thụy Hương và chợ xây xong không phát huy hiệu quả?

 Quá trình thực hiện còn khó khăn vì điểm xuất phát của chúng ta thấp, nguồn lực khai thác lại chỉ có mức độ nhưng mong muốn của chúng ta lại nhanh! 

Thụy Hương có dự án rau 65 ha tại thôn Chúc Đồng 1, Chúc Đồng 2. Tuy nhiên tại đây số người đi làm bên ngoài khá lớn. Một số hộ dân chấp hành không nghiêm, không trồng trọt theo quy hoạch của xã, quy hoạch rau nhưng có hộ lại đi trồng ngô! Có nhà máy nước rồi nhưng tổ chức sản xuất tại xã không tốt dẫn đến không phát huy được hệ thống cung cấp nước tưới. Chúng tôi đang khắc phục bằng cách mời doanh nghiệp về liên kết với nông dân trong tổ chức sản xuất và thu mua nông sản. Phải tạo đồng thuận trong dân về sản xuất thì mới thành công.

Còn về chợ được đầu tư gần 2 tỷ đồng nhưng xây xong lại bỏ đấy là trách nhiệm của xã Thụy Hương, chỉ đạo không quyết liệt. Chợ đã được đầu tư thì cần tổ chức tốt để người dân kinh doanh bên ngoài vào chợ. Tôi thấy xã thực hiện việc này chưa được. Chúng tôi xin ghi nhận góp ý này để chỉ đạo xã.

Khi xảy ra tình trạng nợ đọng tại Thụy Hương, huyện có nắm được không?

Chúng tôi biết chứ. Xã Thụy Hương có tổng vốn được phê duyệt là 105 tỷ đồng, thực tế đầu tư là 137 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng vốn huy động được bao gồm cả vốn ngân sách thành phố và của huyện mới đạt 68 tỷ đồng. Thực ra, Thụy Hương chỉ còn nợ khoảng ba chục tỷ đồng thôi, báo cáo là nợ cao vì xã tính cả dự án chuyển khu chăn nuôi ra xa khu dân cư mà dự án này đã đầu tư đâu. Đúng là trước đây nợ trên 50 tỷ đồng nhưng đã huy động thêm được nguồn lực rồi.

Điều người dân mong mỏi nhất là nâng cao đời sống, thu nhập. Huyện có biện pháp gì để cải thiện tình trạng này?

Tôi cho rằng phải tổ chức lại sản xuất lại các dự án rau, cây ăn quả. Quá trình thực hiện còn khó khăn vì điểm xuất phát của chúng ta thấp, nguồn lực khai thác lại chỉ có mức độ nhưng mong muốn của chúng ta lại nhanh! Chúng tôi kiến nghị làm sao phải có cơ chế khai thác nguồn lực từ huyện đến xã. Quy định về đấu giá đất phải thông thoáng hơn. Chúng ta đề ra các tiêu chí nhưng nâng lên thì phải có kinh phí.

Thực tế tại Thụy Hương cho thấy vốn tập trung nhiều cho xây dựng cơ bản còn đầu tư cho sản xuất còn thấp?

Đúng vậy. Vì đấy là xã làm điểm, thông qua đấy mới rút được kinh nghiệm. Xây dựng trụ sở, hội trường thì nên sử dụng nguồn lực khai thác được, chứ vốn ngân sách thì phải đầu tư cho sản xuất.

Trả xong nợ mới được làm tiếp

Ngày 25/12, trao đổi với Tiền Phong về tình trạng nợ từ xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Nội, ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, quan điểm của thành phố là có đến đâu làm đến đó, địa phương nào còn nợ, trả xong mới được làm tiếp.

Theo ông Việt, nợ ở xã NTM vừa rồi báo Tiền Phong nêu là nợ kế hoạch, chứ không phải nợ đọng. Chẳng hạn là công trình 30 tỷ, tôi cấp 10 tỷ, mà anh thi công đến 15 tỷ đồng, thì 5 tỷ đó là nợ kế hoạch. Khoản này, hàng năm, thành phố đều bố trí để trả.

PV đặt câu hỏi: “Về việc ở xã điểm nông thôn mới Thụy Hương (Chương Mỹ) còn nợ hơn 50 tỷ đồng thì sao” .

Ông Việt nói: “Về con số thì phải xem lại. Về phần kinh phí của thành phố và huyện là bố trí đủ, còn một số công trình của xã, người ta phải huy động nguồn lực, đấu giá đất... Trong kế hoạch xã có thể hoàn thành, nhưng không may là thị trường giá đất nó rơi, nó rớt. Có thời điểm người ta đang làm, thì chưa bán được vì vướng thủ tục, nhưng khi bán đấu giá thì giá lại xuống”.

Trao đổi việc “có hay không chuyện “chạy đua” thành tích làm nông thôn mới”, ông Việt cho rằng: “Về xã NTM, đầu tiên là các huyện đăng ký chứ không phải thành phố giao chỉ tiêu. Còn chuyện chạy đua thành tích giữa các xã, huyện có thể là có, không tránh khỏi. Nhưng về chỉ đạo, thì thành phố không chỉ đạo việc này”.

Minh Tuấn- Ngọc Tiến
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG