Tiếp bài 'Những cư dân vô thừa nhận': Sống mòn chờ sổ đỏ

Bà Dương Thị Dư (65 tuổi, thôn Quả Vải, xã Tiến Xuân) chờ đổi sổ đỏ sang Hà Nội 9 năm vẫn chưa thực hiện được. Ảnh: Duy Bách
Bà Dương Thị Dư (65 tuổi, thôn Quả Vải, xã Tiến Xuân) chờ đổi sổ đỏ sang Hà Nội 9 năm vẫn chưa thực hiện được. Ảnh: Duy Bách
TP - Hàng trăm người dân 2 xã thuộc huyện Quốc Oai, Thạch Thất hoang mang vì sổ đỏ vẫn đề tên Hòa Bình dù được sáp nhập vào Hà Nội gần 10 năm trước.

Việc nhỏ cũng phải chờ Thủ tướng

Sau khi báo Tiền Phong và nhiều báo khác đưa tin về tình trạng vô thừa nhận tại chung cư Đông Đô (ngõ 100 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội), những ngày này mỗi lần có người lạ vào tòa nhà đều bị bảo vệ chặn xe hỏi kỹ mới cho vào. Tòa nhà nằm vị trí cuối ngõ, 2 mặt là bãi đất hoang và xung quanh là những khu nhà thấp tầng càng làm tăng thêm vẻ heo hút. Hơn 100 hộ dân với 500 nhân khẩu ở tòa nhà sống như người vô hình hơn 1 năm qua ngay giữa trung tâm của Thủ đô. Chung cư Đông Đô là dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ Học viện Quốc phòng, do Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Đô làm chủ đầu tư.

Vừa bước ra khỏi thang máy tầng 5, PV gặp bác Nguyễn Điện (65 tuổi) đang tất tả đi đóng phí dịch vụ. Theo bác Điện, phí dịch vụ được thu 5.000 đồng/m2. Tòa chung cư chỉ có diện tích các căn hộ trên 90m2. Trung bình, mỗi căn hộ phải chịu mức phí dịch vụ từ 400.000 đồng/tháng trở lên. “Tiền chúng tôi vẫn đóng đều nhưng chủ đầu tư thờ ơ giải quyết việc thủ tục giấy tờ cho cư dân. Tôi không biết ở trên chỉ đạo giao cho quận nào nhưng đến thời điểm này, những cái tối thiểu như khai tạm trú, tạm vắng, làm chứng minh thư vẫn chưa được phường Nghĩa Đô đứng ra làm. Những giấy tờ đơn giản thế vẫn chưa quyết xong không biết bao giờ chúng tôi mới cầm được sổ đỏ”, bác Điện nói. 

Ở trong căn hộ rộng 100m2, bác Vũ Thị Điệp (tầng 8 tòa Đông Đô) cũng thấp thỏm chờ sổ đỏ. Chia sẻ với phóng viên, bác Điệp không giấu được nỗi buồn. “Gia đình tôi thuộc diện giải tỏa và đền bù tái định cư. Mấy năm nay tôi chuyển từ chung cư này sang chung cư khác, nhưng quyết định mua và sống gần nơi cũ mình ở. Những tưởng sau bao năm di chuyển sẽ được sống yên ổn, nào ngờ chờ mãi vẫn không nhập khẩu được cho gia đình. Quan trọng nhất là chúng tôi không thể làm sổ đỏ vì không địa phương nào xác nhận”, bác Điệp nói.

Trước vấn đề khó khăn làm sổ đỏ của người dân, ông Nguyễn Minh Cường, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô cho hay, không thể làm được vì phải chờ ý kiến phân chia địa giới hành chính rõ ràng. Và việc phân chia phải đợi quyết định của Thủ tướng. “Trước mắt chúng tôi chỉ giải quyết được việc xin học cho con của cư dân, an ninh trật tự. Thậm chí nếu  chúng tôi có xác nhận hộ khẩu, trên Sở Tài nguyên & Môi trường cũng không làm sổ đỏ cho vì phải chờ phân chia địa giới hành chính do Thủ tướng quyết định”, ông Cường nói.

Chính quyền chạy theo dự án “treo”?

Gần 10 năm khi 2 xã Đông Xuân (Quốc Oai), Tiến Xuân (Thạch Thất) về Hà Nội nhưng giấy tờ đất đai vẫn mang tên Hòa Bình. Bà Dương Thị Dư (65 tuổi, thôn Quả Vải, xã Tiến Xuân) chỉ vào toàn bộ khu đất bà đang ở rộng 680m2 nói: “Năm 2008 khi xã được về Hà Nội, chúng tôi vui mừng được là người Thủ đô, nhưng bao nhiêu năm không có ai xuống nhà dân hướng dẫn điều chỉnh giấy tờ đất đai. Mãi cho đến năm 2015 mới có trưởng thôn xuống vận động phô tô giấy tờ nộp để đổi sang Hà Nội. Không hiểu lý do gì đến tận bây giờ vẫn chưa được đổi lại”.

Theo bà Dư, năm 2007 khi xã còn thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã được quy hoạch vào dự án Khu đô thị mới Tiến Xuân. Lúc bấy giờ, đất thổ cư của người dân được nhiều người dân nội thành Hà Nội về mua gom khiến giá đất lên 20 triệu đồng/m2. Hiện, dự án khu đô thị không thấy đâu, giá đất hiện chỉ còn khoảng 4 - 5 triệu đồng/m2. “Người dân có muốn bán cũng không ai mua do nhiều đất thổ cư nhưng không làm được sổ đỏ. Còn lại toàn bộ sổ đỏ cũ của người dân vẫn giữ nguyên tỉnh Hòa Bình”, bà Dư cho hay.

Chị Quách Thị Lý (Đông Xuân, Quốc Oai) nói: “Tôi mua lại đất của họ hàng nhiều năm nay và nhiều lần làm đơn đề nghị cấp sổ đỏ lên xã không được. Cán bộ xã nói chờ ý kiến thành phố mới cấp mới. Bây giờ tôi muốn chia đất cho con cái xây dựng ra ở riêng cũng không được xã cho phép vì phải chờ”.

Nằm ngay tại thôn Lập Thạch (Đông Xuân, Quốc Oai), Ban Quản lý dự án Tiến Xuân của Cty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) như một ngôi nhà hoang khi không có một bóng người. Toàn bộ dự án khu đô thị có quy mô 1.400 ha bao gồm cả 2 xã Đông Xuân, Tiến Xuân chỉ nằm trên giấy. Trong cuộc trả lời báo chí đầu năm 2016, chủ tịch Sudico tuyên bố, dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục pháp lý và khởi công.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư huyện Thạch Thất cho biết, cũng đang chờ chủ trương của thành phố sau khi quy hoạch lại vùng Thạch Thất để làm sổ mới và đổi sổ cho người dân. Sắp tới, huyện sẽ rà soát lại nếu đất đai của người dân nằm trong quy hoạch sẽ bồi thường cho người dân còn ngoài quy hoạch sẽ làm sổ. Ngoài ra, với dự án Khu đô thị Tiến Xuân của Sudico muốn triển khai lại vẫn phải chờ chủ trương của thành phố.         

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho rằng, đây là lỗi của chính chủ đầu tư, khi làm dự án phải lường trước sự phức tạp của vùng giáp ranh để làm trước cho cư dân. Ngoài ra, cơ quan chức năng là các phường, quận cũng thờ ơ với việc cư trú của cư dân và đùn đẩy nhau khiến cư dân chịu khổ hơn 1 năm và không biết phải chịu đến bao giờ.

Mặc dù phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) được giao quản lý chung cư Đông Đô và giải quyết trước mắt búc xúc về xin học, nhưng người dân vẫn sống trong tâm lý bất an vì không biết bao giờ mới “an cư”.

MỚI - NÓNG