[TIẾP]: Những người con bất tử

Tiếp cận nhà giàn trong mùa sóng bão. Ảnh: TC
Tiếp cận nhà giàn trong mùa sóng bão. Ảnh: TC
TP - Giữa bão tố cuồng phong, các chiến sĩ Nhà giàn Phúc Nguyên 2A cố bám vào mảnh phao bè, ăn tỏi, uống nước biển cầm hơi, chờ tàu đến cứu. Biết có thể sẽ vĩnh viễn nằm lại biển xanh, nhưng anh em động viên nhau đây là phút giây cần bình tĩnh nhất. Câu nói của y sĩ Nguyễn Hữu Tôn “Nếu hy sinh mình cũng nằm trong lòng đất mẹ”.

Kỳ 5: Chẳng tiếc thân mình

Mình đang hòa vào lòng Tổ quốc

Trên nhà giàn lúc này chỉ còn chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy, đại úy trạm trưởng Vũ Quang Chương và chiến sĩ cơ điện Nguyễn Văn Thơ, quân y sĩ Nguyễn Hữu Tôn. Trước khi rời trạm anh Chương còn cẩn thận đóng tất cả cửa lại. Anh vẫn hi vọng nhà giàn sẽ không đổ. Cuộc chống chọi với bão tố này sẽ có hy sinh, nhưng nhà giàn vẫn phải trụ vững. Trong ánh đèn pin nhỏ, anh mở tủ lấy lá cờ Tổ quốc mới nhất ôm vào ngực mình, rồi đến trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Chúng tôi, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn Phúc Nguyên 2A, một lòng trung thành với Đảng và Tổ quốc. Nếu đêm nay có đồng chí nào hy sinh cũng vì Tổ quốc. Chúng tôi chẳng tiếc thân mình. Xin gửi đất liền lời chào vĩnh biệt”.

Từ đài canh thông tin của Lữ đoàn 171 Hải quân, cả kíp trực đại đội thông tin phòng tham mưu lặng người cố nghe từng lời nói của các chiến sĩ nhà giàn 2A. Trong tiếng máy thông tin lúc đó chỉ có tiếng mưa gió gầm rít. Tiếng Hoàng Văn Thủy vang lên gọi đài canh Sở chỉ huy Hải Phòng “Sông Lam 01, Sông Lam gọi 01”. Thủy gào lên trong tiếng rít của gió bão: “Báo cáo Sở chỉ huy, sóng gió hiện nay mạnh cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, chắc nhà 2A sẽ đổ trong chốc lát...”. Giọng chỉ đạo của vị Trưởng phòng tác chiến Hải quân vẫn rõ ràng, dứt khoát, nhưng không giấu nổi cảm xúc: “Anh em bình tĩnh động viên nhau, sử dụng phao thổi và sẵn sàng rời trạm”. Tiếng của chị Nguyễn Thị Vân báo vụ và trưởng phòng tác chiến gọi dồn dập trên máy: “Quân chủng gọi nhà 2A. 2A nghe tốt trả lời. Quân chủng gọi nhà 2A…2A…2A đâu?...”. Nhưng tất cả chìm trong im lặng. 

Bỗng, đến 2g30 phút cùng ngày, tiếng chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy đột ngột vang lên: “2A gọi Sở chỉ huy… 2A gọi Sở chỉ huy…”. 

Tiếng Hoàng Văn Thủy lại vang lên trong máy: “Báo cáo Sở chỉ huy, nhà 2A mất liên lạc là do nhà nghiêng quá, hệ thống ăngten bị đổ. Hiện nay nhà đã nghiêng dữ dội, chắc chỉ trụ được năm bảy phút nữa. Vũ khí, tài liệu đã được anh em gói cẩn thận. Anh em chuẩn bị rời nhà khẩn cấp”. Tiếng chị Vân từ đài canh thông tin Sở chỉ huy Hải Phòng đáp lại gọn gàng: “Sở chỉ huy nhận đủ”.

[TIẾP]: Những người con bất tử ảnh 1 Cuộn dây thừng cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A bám chặt trong cơn bão Fathes.  Ảnh: TC

Bỗng nhiên giọng Hoàng Văn Thủy nói xúc động: “Sở chỉ huy cho anh em nhà giàn 2A gửi lời chúc tết đến thủ trưởng Quân chủng, Lữ đoàn, gửi lời chúc Tết tới gia đình chị cùng tất cả đồng chí đồng đội”. Rồi giọng Thủy chùng xuống đầy tha thiết: “Chị Vân ơi, em là Hoàng Văn Thủy. Quê em ở Mỹ Sơn, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Bố em là Hoàng Văn Sơn, mẹ em là Lê Thị Thịnh. Nếu em chết, nhờ chị viết thư về báo tin cho nhà em biết nhá. Tạm biệt chị. Tạm...”. Lời nói cuối cùng của Thủy đã bị sóng gió chặt đứt hẳn.

Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Chiến, hiện công tác tại Trung đội thông tin Lữ đoàn 171 kể lại: “Lúc đó, em và 3 chiến sĩ khác canh máy từ lúc gần 9 giờ đêm. Khi biết Nhà giàn Phúc Nguyên sắp đổ, bọn em ngồi quanh máy nghe từng lời từ nhà giàn. Em hét trong máy, “Thủy ơi, bình tĩnh, nhảy đi”, nhưng sóng gió gào thét nó không nghe được”.   

Đại úy Vũ Quang Chương ôm cờ Tổ quốc vào lòng lao xuống biển trong tiếng thét của thượng úy Nguyễn Xuân Mạnh, chỉ huy trưởng Nhà giàn Phúc Nguyên 2B phát qua máy I - com sóng cực ngắn “Thủy ơi nhảy đi, nhảy đi nhà đổ rồi, nhảy đi”. Đúng lúc đó một con sóng kinh hoàng dựng lên như vách núi đập mạnh làm cho nhà đổ hoàn toàn. 4 cán bộ chiến sĩ của tốp 1 gồm đại úy Vũ Quang Chương, chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy, chiến sĩ cơ điện Nguyễn Văn An, chiến sĩ cơ điện Nguyễn Văn Thơ, y sĩ Nguyễn Hữu Tôn bị hắt tung xuống biển.

Giữa đêm đen mịt mùng sóng gió, đại úy Chương hô lớn: “Tất cả anh em bám chặt vào phao bè và ra khỏi vòng xoáy”. Trong khi chiến sĩ Lê Đức Hồng ở tốp 2 bị sóng nhấn chìm xuống lòng biển, thì đại úy Vũ Quang Chương và chiến sĩ Nguyễn Văn An ở tốp 1 cũng bị sóng biển cuốn phăng…

Nước cất cầm hơi

Tại “đại bản doanh” của tiểu đoàn DK1 đóng quân ở phường 11 thành phố Vũng Tàu một chiều trung tuần tháng 7, câu chuyện kể về vụ Nhà giàn Phúc Nguyên 2A đổ từ Chính trị viên, trung tá Nguyễn Thế Dĩnh đẫm nước mắt. Kể đến đoạn y sĩ Nguyễn Hữu Tôn động viên anh em “nếu chết, cũng chết trong lòng đất mẹ”, mắt trung tá Dĩnh đỏ hoe. “Giữa cận kề cái chết, anh em vẫn bình tĩnh động viên nhau cố bám vào phao bè chờ tàu đến cứu, phải sống để trở về, đó là hành động quả cảm, là ý chí của lính DK1 được giáo dục, rèn luyện bản lĩnh kiên cường. Các đồng chí ấy thực sự là tấm gương ngời sáng về đức hy sinh, tinh thần trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió để cán bộ chiến sĩ các nhà giàn hiện nay học tập và noi theo”.   

[TIẾP]: Những người con bất tử ảnh 2 Nhà giàn DK1.  Ảnh: Huỳnh Thanh Phong

Sau khi lao xuống biển giữa đêm đen mịt mùng sóng dữ, 9 cán bộ chiến sĩ Nhà giàn Phúc Nguyên 2A kiên cường chống chọi với bão tố. Họ tìm nhau trong đêm đen và sóng dữ. Lúc đó đèn tín hiệu ở áo phao cá nhân cũng không có tác dụng vì bị sóng đánh vỡ. Ai bám được vật gì nổi trên biển thì cố bám chứ không nghĩ mình sẽ sống. Tất cả nhận biết nhau bằng giọng nói và lần cầm tay nhau.

Chiến sĩ Hoàng Văn Thủy bám vào mảnh gỗ và bắt đầu chống chọi. Thủy là người khỏe và bơi giỏi nhất nhà giàn khi ấy. Lúc đó trung úy Dương Văn Hoan, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng, y sĩ Nguyễn Hữu Tôn, Thuật- chiến sĩ pháo thủ, đang bám vào mảnh phao bè đã vỡ. Thủy gọi: Thằng Thơ đâu. (Lúc này Thơ bám được bao gạo đã bị sóng đánh ra xa). Anh em thay nhau gào thét tên Thơ, vừa chống chọi với sóng. Trên chiếc phao bè móp méo, Dương Văn Hoan hỏi “Anh Chương, thằng An, thằng Hồng có đây không?”. Không ai trả lời.

Chiến sĩ Tôn nói với anh em: “Đất mẹ dưới chân chúng ta, Tổ quốc là đây. Nếu có chết cũng chết trong lòng đất mẹ”.

Cả đêm, rạng sáng ngày 13/12/1998, 4 chiến sĩ là Dương Văn Hoan, Hà Công Dụng, Phí Ngọc Thuật, Hoàng Văn Thủy bám vào chiếc phao bè quần lộn với bão tố. Ai cũng nghĩ nếu hy sinh, vẫn phải kiên cường, phải chống chọi đến hơi thở cuối cùng. Những phút nguy kịch nhất là những phút bình tĩnh nhất. Chiến sĩ Tôn nói với anh em: “Đất mẹ dưới chân chúng ta, Tổ quốc là đây. Nếu có chết cũng chết trong lòng đất mẹ”. Lời nói ấy như tiếp thêm sức mạnh và niềm tự hào cho các chiến sĩ. Ai cũng cố gắng bám chặt vào phao bè với hi vọng sống sót trở về.  

Bỗng Thủy phát hiện có 1 thanh gỗ trôi gần đó. Anh lao ra vớt thanh gỗ bẻ đôi làm mái chèo. Mọi người thay nhau chèo ra khỏi vòng xoáy nhưng thực ra chẳng biết chèo đi đâu. Đúng lúc ấy thì phát hiện thấy Thơ đang bám vào bao gạo, mặt nhợt nhạt. Thủy lao ra dìu Thơ và giúp trèo lên phao cứu sinh, cởi áo cho Thơ mặc. Thủy bình tĩnh lấy súng tín hiệu bắn 3 phát báo hiệu cấp cứu. Viên đạn cuối cùng Thủy đưa cho Trạm phó quân sự Dương Văn Hoan bắn, nhưng cơn sóng mạnh đã cuốn trôi khỏi tay Hoan. Cứ thế 6 anh em trên chiếc phao cứu sinh chống chọi với sóng gió. Trong lúc hoạn nạn ấy, chiến sĩ Hoàng Văn Thủy vớt được một hộp nước cất, loại nước cất dùng để tiêm cho người bệnh, anh em chia nhau mỗi người một ống uống cầm hơi, chờ tàu đến cứu.

Sáng hôm sau, sóng vẫn dữ dội. Tầm quan sát vô cùng hạn chế. Lúc sóng dâng lên cao chỉ nhìn chừng 10 mét, lúc sóng hút sâu tất cả anh em ngập trong sóng sặc sụa. Bằng mọi giá phải sống, phải kiên cường để sống, nghĩ vậy, 6 anh em (trung úy Hoan, chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy, y sĩ Nguyễn Hữu Tôn, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng, Nguyễn Văn Thơ chiến sĩ cơ điện, Phí Ngọc Thuật- chiến sĩ pháo thủ) vừa cố bám vào mảnh phao bè, vừa chống chọi với bão tố chờ tàu đến cứu.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG