Tiếp nối giai điệu Trường Sơn Đông

Bà con bán cà phê ngay trên đường.
Bà con bán cà phê ngay trên đường.
TP - Hàng trăm cây số đường Trường Sơn Đông vừa hoàn tất đã và đang mang lại sức sống mới cho cả vùng phía Đông các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, mở ra cơ hội làm giàu cho hàng vạn hộ đồng bào.

Huyền thoại một con đường

Trong chiến tranh, đường Trường Sơn (gồm Trường Sơn Tây và Trường Sơn Đông) là tuyến vận tải chiến lược, nơi đấu trí, đấu sức giữa ta và địch trong suốt cuộc chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đến nay, tuyến Trường Sơn Tây mà trục chính là đường Hồ Chí Minh - QL14 đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống người dân Tây Nguyên, từ vùng cao cách trở vươn ra được biển lớn. Còn Trường Sơn Đông, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng xây dựng “con đường chiến lược” , kế thừa tinh thần vệ quốc.

Đại tá Hà Huy Hùng, Trưởng phòng Mặt bằng - Quản lý thi công (thuộc Ban QL Dự án 46, Bộ Quốc phòng) chia sẻ: 40 năm sau giải phóng, vùng Đông Trường Sơn vẫn còn quá nhiều khó khăn cách trở, người dân vẫn nghèo. Làm con đường này là sự trả ơn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc đã chở che, nuôi giấu bộ đội trong kháng chiến. Ngoài ra, còn để dự phòng khi chiến tranh hay thiên tai xảy ra.

Theo đại tá Hùng, việc mở đường Trường Sơn Đông mới không hề đơn giản. Phải mất mấy năm ròng băng rừng, lội suối khảo sát toàn tuyến. Vùng Đông Trường Sơn có nhiều cánh rừng nguyên sinh, thời tiết phức tạp, việc triển khai thi công hết sức gian nan. Có nhiều nơi như vùng đất chết với bom mìn, chất độc hóa học… nay đã hồi sinh khi tuyến đường đi qua.

Giữa năm 2014 trong một chuyến công tác vào Tây Nguyên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi dọc đường Đông Trường Sơn, đoạn mới hoàn thành qua huyện K’bang - Gia Lai, hy vọng con đường sẽ mở ra nhiều hướng đi cho người dân vốn còn nhiều khốn khó. Trò chuyện với đồng bào, Chủ tịch nói: “Cách đây bảy năm, tôi vào đây nhưng con đường không rộng rãi, phẳng phiu như bây giờ. Có đường rồi mọi thứ sẽ thuận lợi hơn, bà con nên cố gắng hết sức để phát triển kinh tế, không phụ lòng những người đã hy sinh xương máu giành độc lập, tự do”.

Xa rồi “hốc pờ tó”!

Nói về tuyến đường mới, ông Võ Văn Phán - Phó chủ tịch UBND huyện K’bang (Gia Lai) phấn khởi: Trước đây, để đi từ trung tâm huyện vào các xã có khi mất cả buổi mới đến, nhiều nơi ô tô không đến được, cán bộ xách dép lội bộ là bình thường. Giờ con đường qua huyện đã hoàn thành, mọi thứ thuận lợi vô cùng, thông thương hàng hóa với bên ngoài, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện kinh tế của người dân, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Giờ đi dọc tuyến Trường Sơn Đông, cuộc sống như thay da đổi thịt với những cánh đồng mía, cà phê… bạt ngàn, những nơi thưa vắng nay trở thành khu dân cư đông đúc. Ông Đinh Xuân Phiết - Phó chủ tịch HĐND xã Sơn Lang (huyện K’Bang) cho biết: “Hồi chưa có đường, bà con trồng cây mì, cà phê bị tiểu thương ép giá, lấy công làm lãi thôi. Giờ nhờ con đường, mức sống vật chất lẫn tinh thần của người dân cao lên rõ rệt, ai cũng mừng”.

Ông Lê Trọng Nam - Chủ tịch UBND xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, Gia Lai) giải thích cái tên lạ của xã: “Nhiều người thường hay dùng từ “hốc pờ tó” để nói sự xa xôi, heo hút nhưng ít ai biết nó bắt nguồn từ đâu. Trước đây Pờ Tó là xã cuối cùng của huyện Ayun Pa, sự cách trở khó mà diễn tả hết. Giờ cái “hốc pờ tó” đó không còn nữa rồi! Đường Trường Sơn Đông hoàn thành khiến việc đi lại rất dễ dàng, buôn bán tấp nập. Trước về Bình Định, Phú Yên hoặc lên phố mất cả ngày, nay chỉ cần nửa buổi”.

Về tiến độ dự án, đại tá Hùng cho biết: “Đến nay đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công trình, nghiệm thu bàn giao hơn 400km và giải ngân trên 5.000 tỷ đồng. Quá trình thi công, chúng tôi ưu tiên những nơi có dân cư sinh sống để thuận tiện lưu thông cho họ trước. Cảnh 1 người ốm cần tới 20 người gánh võng, đi bộ hàng chục cây số ra bệnh viện như tôi thấy ở xã Ngọc Tem (Kon Tum) cách đây vài năm đã không còn nữa”.

Khởi công năm 2008, đường Trường Sơn Đông đi qua 7 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng, điểm đầu ở Nam Giang (Quảng Nam) và điểm cuối là TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) với chiều dài 671 km. Trên tuyến đường có 2 đường đôi – sân bay “dã chiến” ở Gia Lai và Đắk Lắk, cùng 2 đoạn hầm xuyên núi.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG