Tiếp tục dùng thuốc Dipterex để diệt bồ câu

Tiếp tục dùng thuốc Dipterex để diệt bồ câu
Chiều 30/11, ông Huỳnh Hữu Lợi – Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM khẳng định vẫn tiếp tục triển khai việc dùng thuốc Dipterex để diệt bồ câu.

Dipterex là loại thuốc rất nguy hiểm, vì đây là thuốc có gốc phốt pho hữu cơ, là mầm mống dễ gây ung thư trên người và Bộ NN&PTNT cấm trong sử dụng thuốc thú y.

Theo ông Lợi thì vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin ở Quảng Nam có bồ câu chết mà qua xét nghiệm có H5N1 dương tính. Vì thế, TPHCM đã tiến hành thử nghiệm và đề xuất biện pháp diệt bồ câu bằng nhiều cách khác nhau như dùng bẫy, dùng thuốc, bắn súng… cả tháng nay để từ đó đưa ra phương án tối ưu.

Bồ câu khá khôn nên bắn một con cả đàn bay mất. Cũng tương tự, Chi cục Thú y dùng nhiều loại thuốc khác nhau để thử nghiệm diệt bồ câu nhưng chỉ ngửi mùi hay nếm vị là chúng không ăn. Riêng thuốc Dipterex thì bồ câu ăn và chết ngay sau 2 – 3 phút.

Cách xử lý là dùng 1 phần thuốc Dipterex pha với 3 phần nước rồi lấy 20% của dung dịch này trộn với đậu xanh, sau đó sấy khô đậu và mang đi thuốc chim. Đã có 3 địa điểm được chọn để thuốc đàn bồ câu là Văn phòng UBND TPHCM, Bưu điện thành phố và trường Nguyễn Thị Diệu (Quận 3).

Khu văn phòng UBNDTP đã diệt thử được 8 con, riêng 2 địa điểm còn lại sẽ tiến hành diệt trong ngày thứ 7 này. Cho đến bây giờ vẫn chưa có số liệu dự tính sẽ dùng lượng thuốc Dipterex bao nhiêu để diệt đàn bồ câu trên địa bàn thành phố.

“Đúng là thuốc Dipterex bị cấm trong thú y nhưng vẫn được sử dụng trong trồng trọt nông nghiệp. Việc giảm đàn bồ câu trong thời điểm hiện nay cũng rất cần nên chúng tôi vẫn quyết định sử dụng thuốc Dipterex diệt chúng” - Ông Lợi nói thêm.

UBND TPHCM vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người với quan điểm chỉ đạo, quán triệt đến mọi ngành  bằng mọi cách không để dịch xảy ra trên địa bàn thành phố. Theo đó, 2 phó Chủ tịch UBND được giao trực tiếp chỉ đạo là ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Nguyễn Thành Tài.

Để kịp thời tiếp nhận thông tin liên quan đến dịch bệnh, tình trạng vận chuyển, giết mổ kinh doanh trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm… TPHCM đã công bố đường dây nóng để giải đáp, xử lý thông tin. Đó là các số điện thoại  8297580, 0989757079 của Sở NN&PTNT, các số 9 551 360 và 9 551 361 của Chi cục Thú y, các số 9 330 807 và 9 309 401 của Sở Y tế…

Hiện nay, hàng ngày lực lượng phòng chống dịch của TPHCM tăng cường kiểm tra tại 4 trạm kiểm dịch ra vào thành phố và xử lý tại thị trường cũng như các khu vực dân cư mà người dân phát hiện.

Theo thống kê trong ngày 30/11 tại 4 trạm kiểm dịch, lực lượng phòng chống dịch cúm gia cầm TPHCM đã kiểm tra, phát hiện 11.418 con gia cầm sống, 418 kg gia cầm tươi và 749 kg gia cầm quá cảnh. Riêng trứng có 782.120 quả được nhập vào thị trường thành phố, 65.000 quả quá cảnh.

Có 16 trường hợp kinh doanh gà vịt bị xử lý với 13 con gà, 28,7 kg thịt gà, 1.388 quả trứng. Lực lượng kiểm tra khu vực nhà dân cũng phát hiện và xử lý 72 hộ dân còn vi phạm với 351 con gà, 149 chim cảnh, chim bồ câu.

MỚI - NÓNG