Tiếp tục giương cao ngọn cờ đổi mới

Ông Vũ Mão Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Vũ Mão Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trước thềm Đại hội XI của Đảng, Tiền Phong ghi lại những ý kiến của ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, người từng tham gia 6 kỳ Đại hội Đảng.

>> Trực tiếp với dân

Ông Vũ Mão Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Vũ Mão. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nhìn thẳng vào sự thật

Tôi được tham gia từ Đại hội V của Đảng, tổ chức vào tháng 3 năm 1982, và ở đại hội đó tôi được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành (BCH) T.Ư Đảng, sau đó được phân công để BCH T.Ư Đoàn bầu làm Bí thư thứ nhất. Đã qua 6 kỳ đại hội tôi tham gia, tôi ấn tượng sâu sắc nhất với Đại hội V và VI. Bởi, Đại hội V là đại hội lần đầu tiên tôi tham gia với tư cách đại biểu và đã vinh dự được bầu làm Ủy viên BCH T.Ư chính thức.

"Chúng ta bước vào Đại hội XI, bên cạnh thành tựu, còn nhiều vấn đề mà nhân dân trăn trở. Chúng ta nhớ lại tinh thần của Đại hội VI là nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ những khuyết điểm tồn tại. Cái gì được thì nói cho đúng, không tô hồng. Cái gì chưa được cũng phải nói cho đúng, không bôi đen"

Đại hội VI là đại hội của đổi mới. Tôi rất nhớ trước khi vào đại hội này, dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS HCM, 26-3-1986, trên báo Tiền Phong có đăng bài thơ Mùa xuân nhớ Bác của tác giả Phạm Thị Xuân Khải. Đương nhiên người đăng bài thơ đó và chịu trách nhiệm chính là Ban lãnh đạo báo Tiền Phong. Còn người có trách nhiệm về tinh thần là tôi, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.

Bài thơ đó đã gây chấn động lớn bởi nội dung “ghê gớm” của nó. Không ít các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương và địa phương băn khoăn và đặt câu hỏi là tại sao trên báo Tiền Phong của Đoàn TNCS HCM lại đăng như vậy.

Về giai đoạn trước đại hội VI người ta thường nói tới cụm từ rất sâu sắc và trìu mến là “Đêm trước đổi mới”. Bài thơ Mùa xuân nhớ Bác đã thẳng thắn đặt ra các vấn đề của thực trạng xã hội khi ấy, nhưng vẫn có một niềm tin mãnh liệt là mùa đông sẽ qua đi, buốt giá sẽ qua đi để một mùa xuân sẽ tới.

Bài thơ gây xôn xao từ cấp lãnh đạo đến những người quan tâm đến vận mệnh đất nước. Lúc đó đã có những ý kiến phản đối gay gắt nhưng đến bây giờ càng nhìn lại thì càng thấy, những vấn đề nêu trong bài thơ đó hoàn toàn đúng và cần thiết. Tình hình đất nước không xấu đi bởi những sự việc ấy mà nó góp phần làm cho lãnh đạo tỉnh táo hơn và khích lệ nhân dân không thờ ơ và cam chịu mà để cùng nhau đồng tâm nhất trí tạo ra thế và lực mới cho đất nước, xã hội ngày càng ổn định và phát triển vững mạnh hơn.

Phải bồi dưỡng và tin dùng cán bộ trẻ

Tại Đại hội V, VI vấn đề nhân sự trẻ đã được quan tâm. Tại đại hội V, VI đã có một số đồng chí trẻ được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng khi mới 37 tuổi. Trong số đó, có một số đồng chí trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta ở các nhiệm kỳ khóa VIII, IX và X. Nhưng bẵng đi một thời gian, tại đại hội VII, VIII, IX chúng ta đã bỏ, không bố trí các ủy viên dự khuyết nữa. Tôi cho đó là một khiếm khuyết.

"Tôi đánh giá cao báo Tiền Phong, đặc biệt là khi xuất hiện bài thơ Mùa xuân nhớ Bác, đã nâng tầm tờ báo lên với tính chiến đấu, tiên phong, xứng đáng với tên gọi của tờ báo. Làm sao trong điều kiện hiện nay, báo có tính chiến đấu cao nhưng cũng phải mang tính thanh niên, trẻ trung và hấp dẫn hơn nữa."

Ngay từ Hội nghị T.Ư lần thứ 12, khóa IX, tôi đã tha thiết đề nghị phải cơ cấu trở lại Ủy viên dự khuyết T.Ư. Tôi đã phát biểu rất nhiều lần ở T.Ư về vấn đề này và thậm chí đã có một bài thơ, dốc bầu tâm sự, nói về ý nghĩa của việc cần có cấu tạo Ủy viên dự khuyết T.Ư. Đến Đại hội X chúng ta mới lại trở lại có uỷ viên dự khuyết. Tuy nhiên, số lượng ủy viên dự khuyết tại nhiệm kỳ khóa X còn ít.

Theo tôi cách bồi dưỡng người trẻ thiết thực nhất là tuyển chọn những người được giới trẻ suy tôn để bầu làm ủy viên dự khuyết.

Vừa qua tại đại hội các cấp, chúng ta nói phải tăng cường cán bộ trẻ nhưng nhận thức vẫn chưa đầy đủ và kết quả còn chưa đạt được như hướng dẫn của Trung ương. Theo tôi nên mở rộng ủy viên dự khuyết xuống các tỉnh ủy. Thực tế trước đây đã có các Ủy viên dự khuyết của các tỉnh ủy, thành ủy.

Để đất nước có động lực phát triển, ngoài công tác cán bộ phải coi trọng thực hiện dân chủ. Tinh thần của Đại hội VI là đổi mới mà bản chất của đổi mới là dân chủ. Trong đó, cơ chế dân chủ trong việc tuyển chọn nhân sự là vô cùng quan trọng. Tôi đề nghị cần có tranh cử ở những vị trí chủ chốt, chứ không phải chỉ là bầu trực tiếp lãnh đạo cấp ủy. Bầu trực tiếp chưa phải là bản chất của dân chủ. Tranh cử thực sự sẽ chọn được người tài.

Tôi tin không khí ở Đại hội XI sẽ rất sôi nổi. Tôi tha thiết mong muốn đại hội của chúng ta được tiến hành với chất lượng cao, nhìn thẳng vào sự thật, tiếp tục giương cao ngọn cờ đổi mới, đề ra được những đường lối, chính sách, chủ trương, giải pháp cụ thể đưa đất nước tiến lên.

Hà Nhân (ghi)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.