Tiếp tục tiêu hủy gia cầm sẽ mất trắng 10.000 tỷ đồng

Tiếp tục tiêu hủy gia cầm sẽ mất trắng 10.000 tỷ đồng
TS Trần Công Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi - cho rằng chỉ tiến hành tiêu hủy gia cầm hàng loạt là chính sách không phù hợp thực tế, có thể dẫn đến thất bại cho phát triển nông nghiệp.

Sau 1 tháng gửi công văn lên Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát kiến nghị các giải pháp tiêu thụ sản phẩm gia cầm cho nông dân, nhưng gia cầm vẫn rơi vào tình trạng khê đọng, TS Trần Công Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi và hàng loạt các nhà khoa học đầu ngành đã chính thức lên tiếng “kêu” cho nông dân.

TS Xuân cho rằng, chỉ tiến hành tiêu hủy gia cầm hàng loạt là chính sách không phù hợp thực tế, có thể dẫn đến thất bại cho phát triển nông nghiệp.

Ông Xuân đưa ra lý do: Ngành chăn nuôi gia cầm cung cấp lượng thực phẩm lớn thứ hai sau chăn nuôi gia súc, cung cấp hơn 1 triệu tấn thịt và 1 tỷ quả trứng/năm cho người tiêu dùng; cải thiện cuộc sống cho hơn 80% nông dân cả nước.

Mỗi tháng cả nước có thêm hơn 40 triệu gia cầm, tương đương 60.000 tấn thịt và 300 triệu quả trứng, trị giá 1.100 tỷ đồng. Với 4 tháng tiêu hủy gia cầm nói trên, cả nước đã “tiêu hủy” hơn 4.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục tiêu hủy như thế chúng ta sẽ mất khoảng 10.000 tỷ đồng chỉ trong một năm, đồng nghĩa với việc ngành chăn nuôi rơi vào vực thẳm.

Theo TS Xuân, việc ra quyết định tiêu hủy gia cầm tràn lan như vừa qua là thoái thác trách nhiệm, làm hao tiền của của dân.

Do đó, TS Xuân kiến nghị: Phải tổ chức ngay các cơ sở giết mổ tập trung, kể cả thô sơ; thu mua gia cầm với giá 15.000 đồng/con để giết mổ và bán trong hệ thống siêu thị; nên sử dụng khoản tiền 10.000 đồng/gia cầm để xây dựng các cơ sở giết mổ và mua gia cầm cho nông dân thay cho đền bù để tiêu hủy gia cầm.

Đề xuất giải pháp tiêu thụ gia cầm cho nông dân, TS Trương Văn Dung -Viện trưởng Thú y - cho rằng, ngoài việc đề cao giám sát gia cầm sạch bệnh, phải thực hiện theo mô hình cụ thể: Thu mua gia cầm sạch bệnh, giết mổ, cấp đông và bán thịt gia cầm tại các siêu thị.

Theo TS Dung, hiện các Tổng Cty: Rau quả, nông sản, chăn nuôi, các nhà máy chế biến thịt có kho lạnh có thể chứa được 3.100 tấn, nên đưa vào khai thác để chứa gà sạch bán cho dân.

TS Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - cho biết, Bộ NN&PTNT vừa trình Thủ tướng dự thảo một số chính sách hỗ trợ giết mổ, chế biến, bảo quản tiêu thụ thịt.

Theo đó, các DN thuộc mọi thành phần kinh tế thu mua, giết mổ, chế biến trong thời gian đến 31/1/2006, được vay vốn lưu động với mức lãi suất bằng 0, thời hạn 1 năm với mức bình quân 10.000 đồng/kg. Riêng  các cơ sở chế biến đồ hộp từ thịt gia cầm sẽ được vay 35 triệu đồng/tấn sản phẩm.

Kiến nghị Chính phủ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm gia cầm bảo quản chế biến; cho phép DN được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển đầu tư cơ sở giết mổ tập trung và mua sắm máy, thiết bị phục vụ chế biến thịt gia cầm.

MỚI - NÓNG