Tiếp vụ Kỳ án gỗ trắc: Gập ghềnh công lý

Ông Trương Huy Liệu với tư cách bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. ảnh: X.D
Ông Trương Huy Liệu với tư cách bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. ảnh: X.D
TP - Vụ án kéo dài 7 năm vì lô gỗ trắc vật chứng bị bán (xem Tiền Phong ra ngày 8/6 và 10/6/2019) đã để lại rất nhiều những khó khăn, bức xúc cho các bị cáo.  

“Từ đó đến nay, tôi không làm gì ra 500 đồng…”

Ông Trương Huy Liệu, sinh năm 1958, trú tại thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (gọi tắt là Công ty Ngọc Hưng), là một trong những bị cáo chính của vụ kỳ án gỗ trắc.  

Hồi tưởng về sự kiện chấn động đời mình, ông kể lại: “Ngày 30/12/2011 khi lô gỗ trắc đang được chuẩn bị xếp lên tàu để xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc) thì đột nhiên Tổng cục Hải quan (TCHQ) phát công văn hỏa tốc chỉ đạo Cục điều tra chống buôn lậu (TCHQ) bắt giữ khám xét.

Trong khi đó theo hồ sơ vụ án thì trước đó, ngày 17/11/2011 tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty Ngọc Hưng mở tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu số 1505/NK/KD/BO33 nhập khẩu 535,8 m3 gỗ trắc các loại từ Lào về Việt Nam.  DN Ngọc Hưng đã nộp thuế GTGT cho lô gỗ theo quy định.

Mặt khác, ngày 6/12/2012 chính Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44 Bộ công an) có công văn số 231/C46 (P10) gửi Tổng cục Hải quan, khẳng định: “Công ty Ngọc Hưng có hành vi khai báo không đúng về số lượng, chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu theo quy định trách nhiệm của người khai báo tại điều 23 Luật Hải quan nhưng những sai phạm này không trái với quy định Nhà nước về công tác quản lý xuất, nhập khẩu những sản phẩm này. Do vậy, chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu quy định tại điều 153 Bộ luật Hình sự nước CHXHCNVN”!

Dù là vụ án buôn lậu gỗ trắc, nhưng ngày 23/8/2018, bản án sơ thẩm của TAND TP Đà Nẵng đã tuyên ông Trương Huy Liệu và vợ là bà Trần Thị Dung (giám đốc Cty Ngọc Hưng) đều phạm tội buôn lậu hơn 21 m3 khối gỗ…giáng hương trị giá 470 triệu đồng chở cùng lô gỗ trắc nói trên với lý do là không khai khi làm thủ tục XNK với hải quan! Trong khi từ trước đó, dù đang trong quá trình điều tra, nhưng tháng 12/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra (C44 Bộ Công an) đã quyết định bán đấu giá lô gỗ trắc vật chứng với trị giá hơn 63 tỷ đồng.

Ông Liệu bị phạt tù 1 năm 16 ngày (đúng bằng thời hạn tạm giam) và được trả tự do ngay tại tòa, vợ ông - bà Trần Thị Dung bị tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo.

Với tâm trạng ức chế lâu ngày, ông Liệu bức xúc: “Từ khi vụ án xảy ra cho đến sau này, vợ chồng tôi bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Là doanh nhân, muốn làm ăn, quan hệ thì phải đi lại như là hít thở. Nay lại bắt chúng tôi sống cảnh “cá chậu chim lồng” thì hỏi làm thế nào để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống! Chưa kể còn phải hầu tòa, nhờ luật sư và bao nhiêu chuyện trên đời mà mình phải đảm đương”.

Còn vợ ông, bà Trần Thị Dung, bật tiếng than: “Từ ngày khởi tố vụ án cho đến hôm nay, tôi không làm được gì ra 500 đồng để có thể thêm tiền mua một bó rau muống!”.

Ông Hoàng Thỉ, một người dân Đông Hà, quê gốc xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), là người quen biết với một số người trong vụ án này đã kêu lên đau xót: ”Thương cho vợ chồng ông Liệu, bà Dung, tội cho Quang quá, cháu ơi”.

Phúc thẩm bị hoãn!   

Vụ án này, nếu phiên sơ thẩm phải qua 4 lần mới chính thức tuyên án thì phiên phúc thẩm xem ra cũng có vẻ khó suôn sẻ.

Khi các bị cáo và những người liên quan đang tư thế sẵn sàng cho phiên phúc thẩm vào ngày 17/4/2019 như tòa đã định thì chợt nhận được thông báo từ Tòa Cấp cao Đà Nẵng: Hoãn xử! Theo công văn ngày 28/3/2019 của thẩm phán Phạm Việt Cường đã ký, thì lý do đưa ra cũng rất vắn tắt và chung chung: “Nhưng ngày 17/4/2019, Tòa án Nhân dân Cấp cao Đà Nẵng bận công tác khác nên phiên tòa xét xử vụ án này được hoãn lại để xét xử vào ngày khác.

Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa xét xử vụ án sẽ được Tòa án thông báo sau”. Hơn hai tháng trôi qua, vẫn chưa thấy có thông tin gì mới. Hỏi ông Lê Xuân Thành (sinh năm 1962, trú tại TP Đông Hà, Quảng Trị, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Khu thương mại quốc tế Lao Bảo - cũng là một bị cáo trong vụ án này, bị xử 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, cũng đã kháng cáo), rằng có hiểu lý do tại sao, ông Thành trả lời ngắn gọn trong tiếng thở dài: “Tôi cũng không rõ”.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng đã theo dõi kỳ án này suốt nhiều năm nay. Trong phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội ở thủ đô Hà Nội trong phiên họp cuối tháng 5/2019 mới đây được VTV truyền hình trực tiếp, ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng đã thêm một lần khẩn thiết lên tiếng vì quyền và lợi ích hợp pháp của các cử tri, của người dân lương thiện được dư luận đồng tình ủng hộ.

Vị trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã nói: “Cực chẳng đã, hôm nay tại diễn đàn này, tôi lại phải báo cáo với Quốc hội rằng: vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Trị và TP Đà Nẵng đã bước qua năm thứ 9 với 4 lần xét xử sơ thẩm mà chưa đến hồi kết. Sự chậm trễ nếu không nói là thiếu trách nhiệm, tắc trách của các cơ quan tố tụng đã đẩy vụ án kéo dài một cách vô cảm, làm xói mòn niềm tin vào công lý, vào sự nghiêm minh của pháp luật; một kỳ án chứa đựng nhiều vi phạm pháp luật của các cơ quan tố tụng mà đỉnh cao là sự vi phạm nghiêm trọng khi bán vật chứng trong quá trình điều tra.

Vụ án có dấu hiệu tham nhũng hàng trăm tỷ đồng mà Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhiều lần lên tiếng nhưng vẫn chìm trong im lặng. Khi nào, đến bao giờ vụ án mới được kết thúc, khi nào công lý mới được bảo vệ, tinh thần thượng tôn pháp luật mới được thực thi. Gần 9 năm cho một vụ án không quá phức tạp.

Sự phức tạp có chăng là ở nơi các cơ quan tố tụng đang thách thức sự kiên nhẫn của ĐBQH và công luận, thách thức sự chịu đựng của bao thân phận người dân trong vòng lao lý nhất thiết không thể để kéo dài thêm nữa. ĐBQH, công luận và cử tri yêu cầu sự trả lời, đầy đủ, có trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan tư pháp của Trung ương liên quan đến vụ án này”.

MỚI - NÓNG