Tiết kiệm điện: Đêm về, phố thành… làng

Tiết kiệm điện: Đêm về, phố thành… làng
TP - Nếu tiết kiệm tối đa, Hà Nội sẽ giảm chi phí cho chiếu sáng công cộng cỡ 1,3 tỷ đồng/tháng. Đổi lại, Hà Nội đang trở nên tù mù về đêm, kèm theo đó, Thủ đô còn bị thiệt hại trên nhiều phương diện.

Đường Nguyễn Trãi- con đường huyết mạch nối Hà Nội với thị xã Hà Đông (Hà Tây) từ 2 tuần nay luôn trong tình trạng vô cùng nguy hiểm vào mờ sáng và cuối giờ chiều.

Lý do, trời tối từ khoảng 18 giờ 30 nhưng đến 19 giờ, điện chiếu sáng trên con đường mới bật sáng. Tuy nhiên, số đèn trên đường cũng bị tắt 1/3.

Điện chiếu sáng đã bị tắt từ 4 giờ 30 sáng, lúc trời còn tối đen trong khi phương tiện qua lại, người tập thể dục đi lại nhiều gây nguy cơ tai nạn rất lớn. 

Giải pháp cắt giảm đèn chiếu sáng công cộng:

1-Giờ đóng điện: 19 giờ, giờ cắt điện: 4 giờ 30 ( trước đó đóng điện từ 18 giờ 30 đến 18 giờ 45, giờ cắt điện là 5 giờ).

2- Khi đóng điện (19 giờ) chỉ bật 2/3 số đèn (ba đèn tắt một) , đến 23 giờ cắt tiếp 1/3 số đèn (ba đèn tắt hai). Cộng lại sẽ giảm 50% đèn chiếu sáng.

3- Tắt toàn bộ đèn chiếu sáng công trình kiến trúc như: UBND TP Hà Nội, Bưu điện thành phố...Đèn trang trí chỉ bật đêm thứ Bảy (trước đó bật đêm thứ Bảy và Chủ nhật). Đèn vườn hoa, đèn chùm trên đường chỉ bật 1/3 số đèn.

Hàng trăm con phố của Hà Nội từ 3 tuần qua đã trở nên tối tăm khi mà đèn chiếu sáng được bật muộn, tắt sớm và thiếu sáng. Ngay cả các phố trung tâm như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... cũng vậy.

Nhiều trung tâm vui chơi giải trí như: Quảng trường Ba Đình, xung quanh hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Hoàn Kiếm, Bưu điện thành phố, Nhà hát Lớn... cũng chỉ nhận được thứ ánh sáng nhờ nhờ. Nguyên nhân: không chỉ bởi đèn chiếu sáng được bật muộn, tắt sớm một giờ mỗi ngày so với trước mà còn bởi 1/3 rồi 2/3 số bóng đèn bị tắt trong đêm.

Ông Phạm Tiến Bình - Phó Tổng Giám đốc Cty Chiếu sáng  và thiết bị đô thị - cho biết: Việc tiết kiệm điện chiếu sáng được thực hiện từ ngày 3/5/2006. Ngay khi thực hiện việc này, Hà Nội phải đối mặt với bóng tối.

Tiết kiệm được “bát”- lại bỏ mất “mâm”

Hai mục tiêu của việc tiết kiệm điện được ông Bình đưa ra là: Thứ nhất, giảm được chi phí 1,3 - 1,5 tỷ đồng/tháng; Thứ hai, giảm được áp lực thiếu điện vào giờ cao điểm.

Hà Nội hè này không thiếu điện

Trao đổi với Tiền phong, ông Vũ Quang Hùng-Phó GĐ Cty Điện lực Hà Nội cho biết: Vào hè năm nay, nhờ nỗ lực sửa chữa, nâng cấp, đầu tư của ngành điện nên cả Hà Nội hiện không còn trạm biến áp hay đường dây nào bị quá tải; điện cho Thủ đô sẽ được cung cấp ổn định theo nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Trước mắt, trong 2 tháng 6 và 7/2006, sẽ không cắt điện sinh hoạt (ngoài bảo dưỡng định kỳ); những tháng sau đó, hôm nào nóng trên 35o C cũng sẽ không cắt điện sinh hoạt.

Trường hợp đặc biệt nguy kịch thì luân phiên cắt điện sinh hoạt ban ngày chứ không cắt ban đêm, nên người dân sẽ không lo ảnh hưởng sức khỏe.

Sở dĩ sẽ làm được như vậy còn vì sản lượng điện năm nay của Hà Nội sẽ tăng hơn 10% so với năm trước.  

Nguyên Bảng

Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế thì việc tiết kiệm điện chiếu sáng tại Hà Nội đang mất nhiều hơn được. Cụ thể, về khoản tiết kiệm 1,3 tỷ đồng/tháng đối với Hà Nội, Thủ đô của cả nước có mức thu ngân sách  gần 30.000 tỷ đồng/năm không phải là điều quá bận tâm.

Thêm nữa, việc tiết kiệm điện chiếu sáng đã góp phần làm suy giảm nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch vốn là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Thủ đô. Thiệt hại kinh tế của Hà Nội hẳn là lớn hơn rất nhiều số tiền mà Hà Nội tiết kiệm nhờ cắt điện chiếu sáng.

Còn hiệu quả giảm áp lực điện xem ra không thuyết phục bởi lẽ, vào ban đêm việc sử dụng điện chiếu sáng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh. Thêm nữa, dưới góc độ kinh tế, chiếu sáng cũng là loại hình sản xuất, kinh doanh gián tiếp mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ và cần được ưu tiên.

Xét ở góc độ đảm bảo an ninh trật tự, việc thiếu đèn chiếu sáng hoặc đèn chiếu sáng mập mờ rất dễ gây tai nạn giao thông. Và nếu chỉ vì thiếu điện chiếu sáng dẫn đến những cái chết thương tâm thì quả là cái giá quá đắt. Hà Nội có đến 60% đèn  chiếu sáng  tại các ngõ, ngách.

Vì lẽ đó, việc “tiết kiệm” chiếu sáng đã gây nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt của cư dân. Hơn thế, thiếu điện chiếu sáng công cộng còn đồng nghĩa với sự gia tăng các tệ nạn xã hội như: trộm, cướp, tiêm chích ma tuý, mại dâm.

Tình hình an ninh trật tự sẽ phức tạp hơn, chi phí để đảm bảo an ninh chắc chắn sẽ không nhỏ. Đặc biệt, trong lúc Hà Nội dày công làm đẹp mình  trong con mắt du khách gần xa thì việc tiết kiệm điện chiếu sáng lại tạo ấn tượng không hay về Thủ đô văn minh thanh lịch.

MỚI - NÓNG