Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam:

Tiêu cực ở các trạm thu phí: Do buông lỏng quản lý

Tiêu cực ở các trạm thu phí: Do buông lỏng quản lý
TP - Sau loạt bài "Tít mù vé lại vòng quanh" về những tiêu cực ở các trạm thu phí cầu, đường bộ, Tiền Phong có cuộc phỏng vấn ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) về nguyên do kéo dài và lặp lại các tiêu cực này.
Tiêu cực ở các trạm thu phí: Do buông lỏng quản lý ảnh 1
Ông Mai Văn Đức

Tiêu cực liên tục

Thời gian qua cơ quan chức năng của Cục ĐBVN liên tiếp phát hiện các vụ tiêu cực trong hoạt động thu phí. Ông nhìn nhận việc này thế nào?

Theo tôi, tiêu cực tại các trạm thu phí hiện  nay phải nói là liên tục. Nguyên nhân do ở các đội, đội trưởng, đội phó, các Cty buông lỏng quản lý.

Tôi dẫn chứng hai việc, dù nói ra thì sợ rằng phân biệt, vì trong các đơn vị quản lý như: Khu Quản lý Đường bộ 2 (Khu 2), Khu 4, Khu 5, Khu 7, nếu nhắc đến tiêu cực thì phải nói ở ngoài này (Khu 2 – quản lý đường bộ các tỉnh phía Bắc tiêu cực nhiều nhất). Nhưng nếu nói ở Khu 5, Khu 7 không có tiêu cực thì lại không đúng!

Số vụ việc tiêu cực ở đó ít hơn vì lãnh đạo các đơn vị này rất kiên quyết. Người nào cũng cam kết nếu tiêu cực dù một đồng cũng nhận kỷ luật thôi việc. Cán bộ quản lý cũng sợ kỷ luật – dù chỉ là khiển trách vì, nếu bị khiển trách, họ sẽ không được đề bạt trong thời gian xét đề bạt và chậm được lên lương một năm.

Đối với công nhân thì quan trọng là đánh vào nồi cơm, nếu anh tham một trăm ngàn đồng, có thể phải trả giá bằng cả cuộc đời. Nhưng ở ngoài này, nếu xảy ra kỷ luật, khiển trách, thậm chí cảnh cáo, vẫn được bố trí công tác.

Ông nghĩ sao về việc có vi phạm vừa rồi được phát hiện đạt kỷ lục về số vé tiêu cực, nhưng việc xử lý lại rất nhẹ. Ví như người vi phạm nghiêm trọng nhất cũng chỉ sa thải, còn giám đốc Cty, Khu 2 và Cục ĐBVN dường như không bị liên đới gì?

Cái này chúng tôi thực hiện xử lý nội bộ theo Quyết định 12 của Bộ GTVT quy định về xử lý sai phạm trong hoạt động thu phí!

Nhưng Quyết định 12 là văn bản dưới luật, trong khi đó, các vụ sai phạm có dấu hiệu hình sự rất rõ thì không thể dừng lại ở xử lý nội bộ?

Khi phát hiện, sai phạm là lần đầu, nên cũng khó khăn để đưa anh em vào cơ quan công an.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao lại có chuyện Cục ĐBVN giao kế hoạch rất sát với khả năng thực hiện của các đơn vị đến vậy? Hay các đơn vị giỏi thực hiện kế hoạch của Cục?

Chúng tôi giao kế hoạch là căn cứ vào việc thực hiện của năm trước và giao với kế hoạch khá nặng. Ví như năm 2009 tăng trưởng hoạt động thu phí vào khoảng 8-9 phần trăm nhưng chúng tôi ép doanh nghiệp tăng thu đến 15 phần trăm.

Đúng là có một bộ phận tiêu cực nhưng cũng có một bộ phận lớn là tích cực. Chúng tôi căn cứ giữa lưu lượng xe tăng với vé thu được cũng thấy na ná như nhau!

Có nghĩa là các kế hoạch thu phí được Cục giao rất sát?

Chúng tôi khẳng định thế này, muốn giao kế hoạch năm sau thì phải căn cứ vào số thực hiện của năm trước. Từ đó mới tính ra mức tăng trưởng và cộng thêm 5-7 phần trăm nữa.

Thưa ông, trong điều khoản hợp đồng với các doanh nghiệp đều ghi rõ, nếu đơn vị vi phạm, Cục sẽ thu hồi lại quyền kinh doanh ở các trạm thu phí. Thế nhưng hầu hết các trạm vi phạm đều chưa bị Cục áp dụng điều này?

Các trạm thu phí thuộc các doanh nghiệp cổ phần thì mới ký hợp đồng với Cục. Từ năm 2009, trong hợp đồng đều quy định rõ, nếu xảy ra tiêu cực là thu hồi trạm thu phí.

Nhưng đến nay chúng tôi mới thực hiện được đối với trạm Tân Đệ (thuộc một Cty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ 15 phần trăm, vốn tư nhân 85 phần trăm là Cty 234).

Đối với tiêu cực tại trạm Tiên Cựu (cũng của Cty này) sau khi kiểm tra thì thấy trạm chỉ vi phạm 300-400 ngàn đồng thôi. Anh em người ta lên Cục khóc than quá, nên tôi có ghi: Nghiên cứu xem xét và tạo điều kiện cho đơn vị tiếp tục thu. Nhưng đã lưu ý là, nếu có sai phạm lần nữa thì kiên quyết thu hồi.

Tôi muốn nói rõ về tình và lý. Trước đây Cty 234 thuộc Cục ĐBVN họ mới gặp khó khăn, tốn kém trong việc đấu thầu hai trạm thu phí QL5, sau đó bị thu hồi trạm thu phí Tân Đệ. Và nay nếu thu hồi trạm Tiên Cựu thì họ sẽ ra sao? Nên Cục ĐBVN tạo cơ hội để Cty này tiếp tục thu, sửa chữa.

Đối với sai phạm ở trạm Phù Đổng vừa rồi (cũng do Cty 234 quản lý), sau khi phát hiện tiêu cực, chúng tôi kiên quyết thu. Nhưng trạm này trước đây do Bộ GTVT quyết định giao thu phí thì bây giờ chúng tôi chỉ có thẩm quyền báo cáo Bộ GTVT để Bộ quyết định.

Sau kết quả thanh kiểm tra vừa rồi thì Cục ĐBVN sẽ phải thu hồi bao nhiêu trạm thu phí?

Đến thời điểm này thì mới có trạm Phù Đổng thôi. Nhưng chúng tôi mong là sẽ không phải thu hồi các trạm thu phí trong thời gian tới nữa!

Hiện đại hóa trạm thu phí - không thiếu tiền

Tiêu cực ở các trạm thu phí: Do buông lỏng quản lý ảnh 2
Trạm thu phí trên đường Láng - Hòa Lạc  Ảnh: P. Sưởng

Thưa ông, từ nhiều năm qua Chính phủ đã chấp thuận để Cục ĐBVN trích lại năm phần trăm doanh thu từ hoạt động thu phí để hiện đại hóa các trạm thu phí, song đến nay công việc này triển khai quá chậm. Nguyên nhân do đâu?

Cục ĐBVN đang quản lý 37 trạm thu phí đường bộ. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hoàn thành đề án hiện đại hóa trạm thu phí trong năm 2009.

Tính đến nay có năm trạm thực hiện xong công tác hiện đại hóa. Số trạm đang chuẩn bị thi công là chín trạm.

Số trạm đang trong giai đoạn đấu thầu là năm trạm. Một trạm vừa phê duyệt. Số trạm đang trình hồ sơ dự án là bốn trạm; Số vừa trình dự án đang thẩm định là ba trạm; Số vừa phê duyệt dự án một trạm; Số vừa thẩm định xong thiết kế chờ thẩm định dự toán là một trạm…

Tại sao chúng tôi làm chậm? Đề án này vào tháng 5/2005 Bộ GTVT đã phê duyệt và cho phép triển khai nhưng yêu cầu thí điểm tại bốn trạm ở bốn khu.

Đến năm 2006 mới làm tổng kết rút kinh nghiệm. Tháng 2/2008, Cục ĐBVN mới cho tổng kết và mời các chuyên gia đến dự và đến tháng 7/2008 mới ban hành tiêu chuẩn và bắt đầu thực hiện đồng loạt.

Khoản trích năm phần trăm doanh số thu phí để đầu tư dự án hiện đại hóa trạm thu phí đến nay là bao nhiêu, thưa ông?

Khoản tiền này cho phép chúng tôi không nói cụ thể, nhưng về tổng thể là có dư  để đầu tư hiện đại hóa các trạm thu phí. Khoản thu này được thực hiện và tính từ tháng 3/2004 và gửi vào kho bạc nhà nước.

Vậy kinh phí dự kiến hiện đại hóa các Trạm thu phí là bao nhiêu, thưa ông?

Khoảng 160 tỷ đồng cho tất cả các trạm hiện đại hóa.

Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là góp phần làm giảm tiêu cực và tăng thu tại các trạm thu phí. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?

Ngoài tăng trưởng bình thường thì công tác hiện đại hóa sẽ giúp các trạm thu phí tăng thu từ  4-10 phần trăm. Ngoài ra việc hiện đại hóa  “một dừng” (tức phương tiện qua trạm thu phí chỉ phải dừng một lần thay vì hai lần hiện nay) cũng sẽ giảm đáng kể chi phí cho xã hội, do không mất nhiều thời gian.

Đặc biệt, việc hiện đại hóa sẽ góp phần giảm chi phí cho hoạt động thu phí do có đến 40 phần trăm số nhân viên của trạm sẽ được tinh giản.

Cảm ơn ông.

Cục ĐBVN muốn trả lại hoạt động thu phí cho Bộ Tài chính

“Để hạn chế tiêu cực, tăng doanh thu cho Nhà nước, chúng tôi đã đề nghị nhiều lần với Bộ Tài chính thực hiện khoán thu theo từng năm một. Tức là đơn vị thu phí được giao khoán thu phí nếu có lời thì được hưởng và lỗ thì phải chịu, nhưng đến nay chưa được chấp thuận. Thậm chí chúng tôi muốn trả lại hoạt động thu phí cho Bộ Tài chính” - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục ĐBVN

Phùng Sưởng
(thực hiện)

MỚI - NÓNG