Tiêu hủy cả đàn lợn nếu một con bị lở mồm long móng

Tiêu hủy cả đàn lợn nếu một con bị lở mồm long móng
Dự kiến, mức hỗ trợ khi tiêu hủy 1 triệu đồng/con trâu, bò; 100.000 đồng/con cừu, dê, lợn (50 kg). Đây là một trong những nội dung của ''Dự thảo quy định phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc'' của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tiêu hủy cả đàn lợn nếu một con bị lở mồm long móng ảnh 1
Thiêu huỷ lợn bị lở mồm long móng ở Đồng Nai. Ảnh: V.H.

Theo dự thảo này, khi chăn nuôi người dân phải đăng ký với chính quyền địa phương; mua bán gia súc phải rõ nguồn gốc và có giấy kiểm định; phải tiêm phòng văcxin phòng bệnh cho gia súc.

Khi phát hiện gia súc có cảm nhiễm với bệnh lở mồng long móng vận chuyển từ các tỉnh có dịch hoặc vận chuyển trái phép thì thu giữ và tiêu hủy.

Thiêu hủy ngay gia súc mắc bệnh ở nơi dịch xảy ra lần đầu tiên; nơi có type virus lở mồm long móng mới xuất hiện và nơi đã 2 năm không phát dịch. Riêng đối với lợn thì phải thiêu hủy cả đàn trong cùng chuồng bằng cách đốt hoặc chôn. 

Bệnh lở mồm long móng gia súc (xảy ra trên các loài móng guốc chẵn như trân, bò, lợn, dê, cừu...) do 7 type vi rút A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3 gây ra. Ở khu vực Đông Nam Á thường thấy 3 type A, O và Asia1.

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 -5 ngày, nhiều nhất là 21 ngày. Khi mắc bệnh, gia súc có triệu chứng sốt cao trên 40 độ, kém ăn hoặc bỏ ăn, miệng chảy nhiều nước bọt. Ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng, đầu vú bị viêm dạng mụn nước. Sau đó các mụn này vỡ ra gây lở loét và dễ làm long móng gia súc.

Sau khi phát bệnh từ 10-15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong gia súc (từ 1 tháng đến 3 năm) và thải ra môi trường làm lây lan bệnh dịch.

Với đặc điểm virus phát tán cực nhanh (trung bình một ngày, một con lợn có khả năng thải tiết 400 triệu đơn vị lây nhiễm, đủ khả năng lây nhiễm cho 10.000 bò).

 Hiện bệnh chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu, chỉ có văcxin phòng. Đây là bệnh truyền nhiễm được tổ chức thú y thế giới (OIE) xếp đầu tiên trong các bệnh nguy hiểm nhất cho chăn nuôi.

Trường hợp dịch xảy ra nhanh trong thời gian 2 tuần; huyện có số lượng lớn hơn 50 con trâu, bò mắc bệnh hoặc là nơi dịch cũ trong 2 năm có dịch xảy ra thì cách ly số gia súc mắc bệnh trong phạm vi gia đình và thực hiện tiêu độc, sát trùng trong khu vực.

Tiêm phòng bắt buộc ở vùng có ổ dịch cũ, nơi có dịch xảy ra trong thời gian 2 năm, vùng khống chế và vùng đệm (nơi giáp ranh với vùng khống chế). Tại nơi phát dịch thú y sẽ tiêm văcxin bao vây cho toàn bộ gia súc xung quanh trong vùng vành đai bán kính 3 km tính từ ổ dịch.

Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua văcxin tiêm phòng ở các vùng khống chế như các xã biên giới, Tây Nguyên, nơi thường xuyên có dịch kéo dài... 

Dự thảo cũng quy định, nghiêm cấm các hoạt động buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc và việc chữa bệnh của thú y tư nhân trong vùng có dịch.

Không chăn thả ở bãi chăn, đồng cỏ trong vùng có dịch; không vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi ra khỏi vùng dịch.

Ngoài ra, chủ của những gia súc mắc bệnh sẽ được hưởng mức hộ trợ tối thiểu 75% giá trị thực của gia súc, được hỗ trợ chi phí mua nhiên liệu, thuốc sát trùng, công tiêu hủy, khử trùng tại vùng khống chế và vùng đệm.

Một điểm khác, dự thảo cũng yêu cầu công bố công khai khi có dịch bệnh xảy ra. Các địa phương phải báo cáo ngay tình hình dịch bệnh và việc báo cáo phải thực hiện mỗi ngày cho đến khi hết dịch.

                                                                                  Theo Việt Hòa
                                                                                    VnExpress

Vẫn có hiện tượng vận chuyển gia súc từ vùng dịch đi tiêu thụ

Trong mấy ngày qua tại Trạm thú y huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai số người chăn nuôi đến thú y đăng ký tiêm phòng văcxin lở mồm long móng cho lợn tăng đột biến vì lo ngại dịch lan rộng. Tuy nhiên lượng văcxin cung ứng không đủ. Hiện đã có trên 23.000 liều được đăng ký nhưng thực tế chỉ mới đáp ứng được 13.600 liều.

Thống Nhất là địa bàn chăn nuôi có quy mô lớn nhất của tỉnh Đồng Nai với tổng đàn khoảng 200.000 con. Tuy nhiên, trên toàn huyện hiện nay mới chỉ tiêm được khoảng 30.000 liều văcxin.

Vừa qua, lực lượng Thú y tỉnh đã bắt được 3 xe thô sơ vận chuyển và tiêu hủy 20 con lợn bị lở mồm long móng”. Cũng trong chiều 11/5, trạm thú y huyện Tân Phú, Đồng Nai đã bắt giữ chiếc xe do tài xế ngụ tại Bảo Lộc, Lâm Đồng chở 37 con lợn không rõ nguồn gốc từ Lâm Đồng về.

Tài xế khai chủ hàng yêu cầu đưa về TP HCM để tiêu thụ. Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở huyện Tân Phú đã ra quyết định xử phạt hành chính và áp giải, giao trả lại 37 con heo trên cho chốt kiểm dịch tại thị trấn Madagui, huyện Đạ Hoai, Lâm Đồng để họ tự xử lý.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, hiện thương lái vẫn tìm cách đưa lợn từ vùng dịch về tiêu thụ bằng cách thuê xe gắn máy, ba gác máy vận chuyển lẻ tẻ. UBND tỉnh Đồng Nai mới đây đã có công văn yêu cầu buộc phải xử lý tiêu hủy đối với gia súc không rõ nguồn gốc.

Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương vừa có công văn đề nghị 17 tỉnh đang bị dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc cần ngưng cấp giấy kiểm dịch xuất tỉnh cho lợn, bò, trâu vào Bình Dương và không cấp giấy kiểm dịch cho các loại gia súc đi vào các tỉnh đang có dịch lở mồm long móng với bất cứ lý do nào.

Hiện mỗi ngày Bình Dương có khoảng 10.000 con lợn xuất chuồng đưa vào lò giết mổ, trong đó số lợn sống đưa về TP HCM từ 3.000-5.000 con/ngày. Hiện Bình Dương chưa xuất hiện dịch lở mồm long móng.

MỚI - NÓNG