Tiều phu thời hiện đại

Ama Đinh lấy dây rừng buộc lại căn trại cho thật chắc chắn
Ama Đinh lấy dây rừng buộc lại căn trại cho thật chắc chắn
TP - Trong cánh rừng keo thăm thẳm, ngày này qua tháng khác, họ oằn mình hạ cây, bóc vỏ, vác gỗ... 

Sau gần 3 giờ chạy xe máy từ thành phố Buôn Ma Thuột, ngược những đoạn dốc cao trong ngày mưa lạnh giá, chúng tôi có mặt tại thảo nguyên M’đrắk, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” rừng trồng của tỉnh Đắk Lắk, cũng là nơi quần tụ nhiều “tiều phu” thời hiện đại về đây mưu sinh. 

Mưa trên đầu, mồ hôi vẫn chảy 

Để tiếp cận các “tiều phu”, chúng tôi bỏ lại xe máy, băng qua chiếc cầu khỉ bé xíu vắt ngang con suối rồi tiếp tục cuốc bộ gần 3 cây số đường rừng đến điểm khai thác gỗ keo chênh vênh bên sườn núi cao. Ama Đinh (buôn Đứk, xã Cư M’ta, huyện M’đrắk, Đắk Lắk)- người dẫn đường cho biết: Đây là điểm khai thác gỗ keo gần nhất; có những điểm xa, phải leo cả chục con dốc dựng đứng, đi cả ngày trời mới tới chỗ làm. Nghề khai thác gỗ keo cực nhất là vào mùa mưa, đường sá lầy lội rất khó đi, hiệu quả làm việc không cao nên những lao động làm thuê như anh chọn cách chấm công theo ngày, chứ không nhận khoán ăn sản phẩm như mùa nắng.

Trèo lên đỉnh đồi, chúng tôi nhìn đâu cũng chỉ thấy mỗi màu xanh của rừng keo. Len lỏi trong đám xanh ấy là những bóng người bé nhỏ đang căng mình chặt cây trong tiếng máy cưa nổ, tiếng cây đổ vang vọng cả một vùng trời. Ama Đinh kể: Trước khi vào làm, chủ rừng đã phân công mỗi người một việc. Ai hạ cây thì cầm cưa đi cắt; tỉa nhánh thì cầm rựa đi phát; ai bóc vỏ cây cứ thế mà làm. Để tránh va vào nhau, mỗi người sẽ trấn một phương cho đến hết giờ thì nghỉ. Đây là việc tay chân nặng nhọc, đến nỗi thở cũng tốn sức nên ai cũng phải để dành hơi mà làm chứ ít khi trò chuyện rôm rả.

Khi các “tiều phu” đang mải mê làm việc, trời bỗng lất phất mưa, làm cho mùa đông thêm phần tê tái. Mặc cho mưa rơi trên đầu, các “tiều phu” vẫn quần quật phơi mình mưu sinh. Châm điếu thuốc sưởi ấm cơ thể, anh Y Phinh Niê (buôn M’O, xã Ea Trang) bảo: Mưa càng mát, cứ để vậy làm cho khỏe chứ mặc áo mưa vào vướng víu lắm. Để chống lại cái lạnh, anh cùng đồng nghiệp rảo nhanh đôi bàn tay. Mưa càng rơi, mồ hôi càng nhễ nhại trên tấm thân gầy của “tiều phu”, tất cả quyện cùng nhựa keo tạo nên thứ mùi đặc biệt của dân lao động. Tuy vậy, chỉ cần dừng việc để nghỉ ngơi là cơ thể bắt đầu bị cóng lạnh, đôi bàn tay, khuôn mặt trở nên tái mét. 

Trời điểm trưa, cánh “tiều phu” nhanh chân xuống núi, vào trại chuẩn bị cơm. Trong lúc đồng đội lo cơm nước, Ama Đinh chặt thêm dây rừng gia cố căn trại để đón cơn bão số 5 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền. Điều Ama Đinh sợ nhất là ngủ trong rừng, đêm hôm mưa gió không biết đâu mà lần. Anh nhớ lại tầm này cách đây 3 năm (tức năm 2017), anh cũng khai thác keo và ngủ lại trong rừng. Tối ấy trời mưa to gió lớn, linh cảm bất an, anh rủ đồng nghiệp về nhà ngủ cho an toàn. Quyết định của anh chính xác, bởi sau khi anh rời đi, bão dữ Damrey ập đến càn quét cả khu rừng, đánh tung hàng trăm mái nhà. Sau lần chết hụt ấy, Ama Đinh luôn thấp thỏm mỗi khi ở rừng giữa mùa mưa.

Vì chén cơm manh áo

Bữa trưa đạm bạc trôi qua, các “tiều phu” tiếp tục trở lại công việc thường nhật. Trong đội quân khai thác keo đợt này, anh Y Đuê Byă (thị trấn M’đrắk) là người có thâm niên nghề nhiều nhất. Anh đến với nghề “tiều phu” trong một dịp rất tình cờ. “Buổi trưa ngày mưa năm 2009, có một chiếc máy cày chất đầy gỗ keo bị lầy ngay khu rẫy nhà mình. Thấy vậy, mình ra phụ họ đẩy xe qua khỏi vũng bùn. Người chủ hỏi có muốn làm không, tiền công trả 120 nghìn đồng/ngày bao cơm trưa, mình gật đầu ngay. Ông chủ chỉ tay về phía bên kia cánh rừng và từ đó mình gắn chặt với công việc này tới nay đã hơn chục năm”, anh Y Đuê nhớ lại.

Tiều phu thời hiện đại ảnh 1 “Tiều phu” rất cần sức khỏe và siêng năng

Lấy rừng là nhà, anh Y Đuê khai thác hết cánh rừng này lại tới khu rừng khác, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Những năm trước, anh còn dẫn vợ theo làm; về sau thấy nghề “ăn rừng, ngủ bụi” cơ cực quá nên để vợ xuống Đồng Nai làm công nhân, còn con cái thì giao lại cho bà ngoại trồng nom.

Cùng cảnh ngộ, anh Y Phôn Niê Kđăm (SN 1987, buôn Phao, xã Cư M’ta) đến với nghề “tiêu phu” vì chén cơm manh áo. Nhà Y Phôn ít đất nên từ nhỏ anh đã bươn chải đủ nghề mưu sinh. Công việc làm thuê ở vùng sâu không nhiều nên anh bập vào nghề “tiều phu”, chấp nhận cuộc sống rừng rú nay đây mai đó. Do anh còn trẻ, lại nhanh nhẹn nên được chủ giao công việc hạ cây keo. Đây là công đoạn khó và kén người nhất nên chủ thường chọn những thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, xử lý nhanh mọi tình huống có thể xảy ra. Anh Y Phôn cho hay, trước khi đặt máy lên cưa, anh sẽ ngắm chừng hướng cây đổ, nhưng lắm lúc cây đổ trật hướng, phải vứt máy cưa chạy thật nhanh. Để hạn chế rủi ro, phần cắt cây có thêm người dùng tay kéo sợi dây móc sẵn ở ngọn cây để cây đổ xuống mặt đất.

Giơ đôi bàn tay nhăn nhúm, trầy trụa dính đầy nhựa keo, anh Y Phôn tâm sự: Với những người làm nghề thu hoạch keo thuê thì việc trầy xước, dẫm phải gai, té ngã là chuyện thường. Có những lúc bốc gỗ keo lên xe, gỗ rơi trúng chân, trúng người. Biết nghề này vất vả và rủi ro nhưng vì miếng cơm, manh áo anh vẫn phải làm. Nếu làm việc ở những khu rừng gần nhà thì sáng đi chiều về, còn làm xa cách nhà hàng chục cây số đường rừng thì phải ở lại cả tháng trời. Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng ngày càng có nhiều người theo nghề. 

Chị Nguyễn Thị Liên- một chủ rừng ở huyện M’đrắk (Đắk Lắk) cho biết: Rừng trồng ở huyện đang phát triển nên nghề “tiều phu” cũng ăn nên làm ra. Trước đây chỉ có người địa phương nhận làm, bây giờ có người ở các tỉnh khác tìm về nên nghề cũng có sự cạnh tranh. Công việc khai thác gỗ trồng tập trung nhiều vào các tháng nắng, song ngày mưa “tiều phu” vẫn nhận làm để kịp bàn giao đất cho người dân trồng rừng. Nghề nào cũng vất vả nên phải siêng năng mới có cái ăn. Bản thân chị cũng phải lăn xả, chẻ keo, bóc vỏ, vác cây như cánh đàn ông mới kiếm đủ tiền lo con ăn học.

“Nghề này chẳng cần vốn liếng, chỉ cần có sức khoẻ, chịu khó là làm được tất. Thích nhất là làm xong việc, chủ rừng trả tiền sòng phẳng, có người còn cho thêm. Mỗi ngày đi làm mình được trả từ 230- 250 nghìn đồng, một tháng khoảng 20 ngày là ấm rồi. Mình chẳng mong gì hơn ngoài sức khỏe, có việc để làm, giảm bớt gánh nặng cho gia đình” Anh Y Phôn

MỚI - NÓNG