Tìm cựu Tỉnh trưởng fulro gặp nhà mồ lộ thiên

Tìm cựu Tỉnh trưởng fulro gặp nhà mồ lộ thiên
TP - Gần 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in nội dung cuộc điện thoại của một cán bộ công tác tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng): “Vào xã Tà Năng ngay nhé! Gia đình Tỉnh trưởng fulro vừa trở về sau 19 năm sống lẩn khuất giữa rừng sâu”. Tôi chộp lấy máy ảnh rồi phóng xe máy một mạch hơn 70km về xã. Con đường vào xã lồi lõm, trơn trượt, phải đi bộ.

Hôm sau, lũ đột ngột dâng cao nuốt mất con đường độc đạo, biến Tà Năng thành ốc đảo. Dự định chỉ đi công tác 2 ngày nhưng tôi đã bị mắc kẹt ở đó suốt tuần, không có quần áo để thay, còn thực phẩm hầu như chỉ có mì gói.

Năm 1975, sợ bị chính quyền mới trả thù như lời đe dọa của một số phần tử xấu, viên cảnh sát ngụy Tounéh Đen (sinh năm 1936) trốn vào rừng theo fulro để thành lập nước Đề Ga tự trị của người Tây Nguyên hòng chống lại cộng sản. 3 năm sau, Đen được phong hàm đại úy và chức Tỉnh phó rồi sau đó là Tỉnh trưởng Phan Rang.

Chỉ với vài tên lính, mấy khẩu súng cũ, Đen tiến hành cướp phá dân lành, tập kích chống phá cách mạng, nhưng đã bị truy quét dữ dội, phải tháo chạy vào rừng sâu, sống chui lủi trong những dãy núi ở Lâm Đồng, Đồng Nai, Sông Bé, Bình Thuận...

Năm 1982, Tounéh Đen lấy chị Kiều Thị Hương (quê quán Phan Rang) làm vợ. 6 đứa con của họ lần lượt chào đời nhưng 2 đứa đã chết vì đói rét và bệnh tật. Gia đình Tounéh Đen sống chui lủi mười mấy năm trong hốc cây, hang đá và lang thang kiếm ăn trong rừng sâu, hoàn toàn cách biệt với cộng đồng và cũng không biết rằng lực lượng fulro đã bị thanh toán từ lâu.

Năm 1993, một vài dấu vết của nhóm người rừng này tình cờ bị người dân phát giác. Huyện Đức Trọng đã bắn tin kêu gọi họ trở về với buôn làng. Tháng 7/1994, sau mấy tháng băng rừng, vượt suối, họ mới về đến buôn Klăngbong.

Trong những ngày ở Tà Năng, chúng tôi đã phát hiện hủ tục rùng rợn của một số dòng họ thuộc tộc người Chu Ru, là lập mộ nổi thay vì chôn người chết xuống đất. Những nhà mồ làm bằng cây rừng, lợp mái tranh được dựng trong những cụm rừng thưa ngay cạnh rẫy, chỉ cách nhà người sống từ vài chục đến vài trăm mét.

Theo các già làng, người sống muốn được gần gũi với người đã khuất, không nỡ để người xấu số nằm khuất trong đất. Thấy một nhà mồ diện tích khoảng 10m² rêu mốc, bị hở phần mái, tôi quyết định leo lên cây để nhòm xuống. Không tin vào mắt mình, bên trong hơn chục chiếc quan tài chồng chất lên nhau; nhiều cái hòm ván bị mục, lộ sọ người trắng hếu; mùi xác chết đang thối rữa tanh nồng.

Bài báo của chúng tôi đã gây xôn xao dư luận. Chính quyền và cán bộ y tế về vận động các già làng thuyết phục người dân loại bỏ triệt để hủ tục rùng rợn này để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và loại bỏ nguy cơ làm lây lan dịch bệnh tại địa phương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG