Tìm 'đặc sản' cho Cồn Cỏ

Một góc đảo Cồn Cỏ
Một góc đảo Cồn Cỏ
TP - Trong chuyến hải trình ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) trên tàu tuần tra của Hải đội 202 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển II) để thực hiện chương trình Cảnh sát biển “đồng hành với ngư dân” cách đây chưa lâu, nhiều người cứ băn khoăn với mong muốn có “đặc sản” mang từ đảo Cồn Cỏ về đất liền để biếu, tặng bạn bè, người thân kỷ niệm một chuyến đi. Và khi trở về đất liền, mong muốn ấy của họ được đáp ứng với các loại “đặc sản” như trà thảo dược giảo cổ lam, sâm cau rừng, cá cơm khô… mang “thương hiệu” Cồn Cỏ.

Trong buổi chiều lưu lại trên đảo Cồn Cỏ, tôi theo chân anh Lê Nhật Hải, chuyên viên Phòng Kinh tế - Xã hội huyện đảo Cồn Cỏ lang thang từng ngóc ngách của đảo để rồi được anh tỉ mẩn giới thiệu nhiều loại dược liệu quý hiếm hiện có trên đảo như sâm cau rừng, giảo cổ lam…Thì đây, loại sâm cau rừng mọc ở đảo Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là tiên mao (tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn) đây là loại thảo dược vô cùng quý hiếm.

Sâm cau rừng dùng để điều trị suy nhược cơ thể, đau lưng, viêm khớp, chân tay lạnh. Đặc biệt, thời gian gần đây  nhiều người “săn lùng” sâm cau mang về ngâm rượu sử dụng để chữa chứng liệt dương, yếu sinh lý, tinh trùng yếu, vô sinh ở đàn ông… Sâm cau có thể sắc lấy nước để uống hoặc ngâm rượu sử dụng dần.

Để phân biệt sâm cau với các loại cây, cỏ khác, người đi đào củ sâm cau rừng phải biết đặc điểm nhận dạng của cây như cây sâm cau là loài cây thảo (cao khoảng 20-30 cm); lá mọc thành túm từ  thân rễ và xếp nếp như lá cau, có hình mũi mác hẹp; phần thân chính dạng củ có màu nâu, mọc cắm xuống đất; sâm cau dạng nguyên củ thường chia đốt rõ ràng và vỏ củ sâm có màu nâu đen (thân chỉ có 1 rễ chính (không phân nhánh), các rễ con bám xung quanh thân rễ chính).

Biết được nhu cầu của nhiều người khi ghé thăm đảo Cồn Cỏ muốn mua loại sâm cau rừng về sử dụng để chữa bệnh, nên nhiều người dân huyện đảo Cồn Cỏ đã đi đào loại sâm cau về phơi khô sau đó đóng gói để bán cho khách. Giá hiện tại mỗi kg sâm cau rừng được phơi khô, đóng gói cẩn thận được bán tại đảo Cồn Cỏ là khoảng 400.000 đồng/kg. Giảo cổ lam hay còn gọi là cỏ thần kỳ, ngũ diệp sâm, cây trường thọ... (tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum Cucurbitaceae).

Giảo cổ lam là loại cây thảo có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá chỉ mọc trên núi đá vôi, khí hậu mát lành. Giảo cổ lam có tác dụng giúp bình ổn huyết áp, hạ mỡ máu, chống kết tụ tiểu cầu, làm tan huyết khối, ngăn ngừa xơ vữa mạch, các tai biến về tim, mạch, não, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa sự hình thành và tăng sản của khối u. Với đặc tính như thế nên giảo cổ lam được gọi là “cỏ thần kỳ”, là “ thần dược”. Và đảo Cồn Cỏ hiện đang sở hữu loại cây thuốc quý hiếm này.

Loại cây thuốc quý này, vốn trước đây được cư dân trên đảo Cồn Cỏ hái về làm trà để uống trong cuộc sống thường nhật. Mãi đến khoảng giữa năm 2016 mới được huyện đảo Cồn Cỏ thực hiện việc khảo sát, bảo tồn với việc UBND huyện đảo Cồn Cỏ chủ động tuyên truyền cho người dân về phương pháp khai thác, bảo tồn, sử dụng cây giảo cổ lam một cách hợp lý. Như trong cách khai thác giảo cổ lam, người dân chỉ được dùng liềm, dao cắt phần thân cây, chứ không nhổ và rút gốc rễ bám của cây trên đất và trên các thân cây khác; không khai thác, thu hái tràn lan để cây có chu kỳ phát triển trở lại... Và cư dân huyện đảo cũng bắt đầu cho ra đời sản phẩm trà thảo dược giảo cổ lam được đóng gói đẹp mắt với giá bán 100.000 đồng/gói tại đảo Cồn Cỏ. Trà thảo dược giảo cổ lam được người dân trên đảo bán với số lượng hạn chế với lý do bảo tồn.

Tìm 'đặc sản' cho Cồn Cỏ ảnh 1 Anh Lê Nhật Hải giới thiệu “đặc sản” 
đảo Cồn Cỏ

Quay về cửa hàng tạp hóa nằm cạnh con đường dẫn từ âu tàu lên đảo, anh Lê Nhật Hải khoe với tôi thêm một loại “đặc sản” nữa đó là cá cơm khô đóng gói. Anh Lê Nhật Hải cho biết, cá cơm có thân dài cỡ 3-5 cm, thường xuất hiện nhiều vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 (âm lịch) ở ngư trường quanh đảo Cồn Cỏ.

Thức ăn chính của cá cơm là các phiêu sinh vật, rong rêu. Và tùy theo hình dáng và màu sắc của cá mà phân biệt cá cơm thành nhiều loại như cá cơm sọc tiêu, cơm than, cơm đỏ, cơm lép, sọc phấn (cá cơm sọc tiêu, cơm than thường được dùng để làm nước mắm). Cá cơm chứa nhiều đạm, vitamin và khoáng chất… và là thực phẩm bổ dưỡng để chế biến nhiều món ăn ngon dân dã như kho tiêu, làm khô, kho sả ớt, làm gỏi, nước mắm…

Để có được một mẻ cá cơm khô ngon thì nguyên liệu sử dụng phải tươi (cứ bình quân 1 kg cá cơm khô thì cần 4kg cá tươi). Cá cơm đánh bắt được ở ngư trường quanh đảo Cồn Cỏ sau khi rửa sạch đem ướp muối theo tỷ lệ 5% hoặc ngâm với nước muối loãng. Sau đó, đem cá cơm đi hấp chín rồi cho lên vỉ lưới để phơi. Nếu gặp nắng tốt thì chỉ cần phơi một ngày nắng là đạt yêu cầu. Khi mua cá cơm khô điều đầu tiên cần quan tâm là màu sắc bên ngoài của cá. Màu sắc phải vàng trong, sờ tay vào không có cảm giác bị ướt.

Nếu cá khô đục, có lỗ chỗ những đốm màu nâu hay nhỉ nước là cá đã để lâu ngày. Hoặc cách khác nữa là cầm con cá trên tay ngửi thấy mùi tanh nhẹ mà không nồng sặc, mắt cá trắng là được. Và cá cơm khô mang “thương hiệu” Cồn Cỏ luôn đáp ứng được các yêu cầu đó. Cá cơm khô được người dân đảo Cồn Cỏ đóng gói (1 gói khoảng 1 kg) bán với giá 70.000 đồng. 

Chợt nhớ hôm ngồi với cựu Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị, giờ đảm vai Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ Lê Minh Tuấn. Anh Tuấn bảo, trong “chiến lược dài hơi” để Cồn Cỏ thực sự hấp dẫn đối với du khách với việc tăng cường đầu tư tu bổ, nâng cấp các điểm tham quan, chỉnh trang cảnh quan, hệ thống điện chiếu sáng; xây dựng khách sạn, bãi tắm, các cơ sở dịch vụ, vui chơi giải trí…thì chính những loại “đặc sản” vốn có trên đảo sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với đảo Cồn Cỏ “mắt thần” canh biển một thời.  

“Sắp tới, đảo Cồn Cỏ sẽ có thêm một “đặc sản” nữa đó là nước mắm Cồn Cỏ. Hiện tại, nhiều người dân trên đảo Cồn Cỏ đang chuẩn bị cơ sở vật chất để cho ra lò những mẻ nước mắm đậm đà hương vị biển khơi”

Anh Lê Nhật Hải cho biết 

MỚI - NÓNG