Tìm đâu chỗ an toàn cho trẻ?

Tìm đâu chỗ an toàn cho trẻ?
TP - Thiếu sân chơi trong 3 tháng hè, tai nạn thương tâm luôn rình rập trẻ, nhất là trẻ ở nông thôn. Năm nay, chỉ chớm hè, trẻ em ở nhiều địa phương đã bị chết đuối thương tâm.

> Sân chơi cho trẻ: Lựa chọn nào?
> Bị quên lãng!

Tìm đâu chỗ an toàn cho trẻ? ảnh 1

Đồng Nai: Học sinh không học hè, bố mẹ không thể đi làm

Có mặt tại nhà Văn hóa thiếu nhi Đồng Nai từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Phượng ở phường Tân Phong (TP Biên Hòa) đăng ký lớp học bơi cho hai con trai, nhưng thời gian thích hợp nhất là vào 7 giờ sáng các ngày trong tuần đã kín chỗ, chị Phượng đành chọn lớp học vào 2 giờ chiều mỗi ngày.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ công tác tại một cơ quan nhà nước cho chúng tôi xem lịch học hè dày đặc của hai đứa con một trai một gái của mình: Buổi sáng các cháu học đàn, học vẽ, học bơi, bóng rổ, chiều luyện chữ đẹp, học thêm văn hóa. Anh cho biết, cả hai vợ chồng đều là cán bộ công chức nên không ai trông giữ con hằng ngày.

Sau khi chen chân hết các lớp học hè ở Nhà văn hóa thiếu nhi Đồng Nai vẫn không chọn được lớp học nào phù hợp cho con, bởi các giờ hợp lý nhất đã được đăng ký hết, anh Hoàng Trung Thanh cho biết: Cả TP Biên Hòa này chỉ có một trung tâm sinh hoạt hè, như thế này là không phù hợp.

Một cán bộ phụ trách Nhà văn hóa thiếu nhi Đồng Nai cho biết: “Đã nhiều năm nay nơi đây đã trở nên quá tải trước nhu cầu sinh hoạt hè của thanh thiếu nhi, chúng tôi chỉ còn biết trông chờ Nhà văn hóa thanh niên ra đời để san sẻ nhu cầu học hành vui chơi giải trí của các em vào mỗi kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, Nhà văn hóa Thanh niên của Tỉnh Đoàn Đồng Nai dù đã có kế hoạch xây dựng từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chỉ nằm trên giấy”.

Đối với các gia đình có thu nhập trung bình trở lên thì có thể đi tìm nơi cho con học các môn ngoại khóa, rèn cho con kỹ năng sống; các gia đình có thu nhập thấp cũng cố gắng tìm cho con nơi học thêm với một điều giản đơn là có nơi trông con, cho con có nơi trú ngụ an toàn.

Chị Hoàng Thị Linh, công nhân làm việc tại Cty Fasy cho biết, phải hỏi nhiều nơi mới tìm được cô giáo nhận dạy và giữ học sinh suốt ngày. Chị Linh tính toán: “Con gái tôi học lớp 4, trong năm gửi học thêm một buổi ở nhà cô với học phí 650 ngàn đồng/tháng, còn học hè ở nhà cô nguyên cả ngày thì đóng học phí và tiền ăn 1 triệu đồng/tháng. Một khoản chi không nhỏ, nhưng tìm được nơi gửi con để đi làm là may rồi!”.

Người tìm chỗ gửi con khó đã đành, các cô giáo không phải ai cũng nhận giữ học sinh. Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên một trường tiểu học ở TP Biên Hòa nói: “Tôi dạy học cả năm rồi nên hè muốn nghỉ ngơi cho khoẻ, nhưng phụ huynh năn nỉ quá, mà quả thực giáo viên cùng nghỉ dạy hè hết thì cũng khó cho học sinh và phụ huynh”.

Khu vực nông thôn Đồng Nai, các trung tâm dành cho thanh thiếu nhi gần như không có và nếu có thì thiếu các hoạt động, không thu hút được học sinh tham gia. Do vậy cứ vào hè, ở các khu vực nông thôn lại thường xảy ra các tai nạn thương tâm do trẻ đuối nước khi tắm ở các ao hồ, sông suối.

Theo thống kê của Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ và chăm sóc trẻ thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Đồng Nai thì trong năm 2010, toàn tỉnh có 29 trẻ chết đuối, trong đó chỉ riêng dịp hè, có đến 18 em bị chết đuối. Mới vào đầu hè năm nay đã có 4 học sinh chết đuối.

Nhiều trẻ em ở các thành phố phải chơi bóng trên sân bê tông hoặc vỉa hè Ảnh: Xuân Phú
Nhiều trẻ em ở các thành phố phải chơi bóng trên sân bê tông hoặc vỉa hè. Ảnh: Xuân Phú.
 

TPHCM nhiều sân chơi nhưng...

Vào hè, các nhà thiếu nhi quận, huyện ở TPHCM đều tăng công suất hoạt động nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu, bên cạnh đó giá tiền cũng tăng hơn. Nhà thiếu nhi quận 1 mở luôn dịch vụ bán trú năng khiếu hè với giá vé 70.000 đồng/ngày/em. Ngoài ra còn có các chương trình diễn kịch trong thời gian hơn một giờ đồng hồ nhưng giá vé lên tới 50.000 đồng.

Tại CLB Bơi lội Nguyễn Bỉnh Khiêm, học phí dành cho lớp đặc biệt là 500.000 đồng/khóa/12 buổi, mỗi buổi học chỉ kéo dài hơn 1 giờ... Tại nhiều hồ bơi trên địa bàn TP như Yết Kiêu, Kỳ Đồng, học phí cũng dao động 300.000 đồng đến 450.000 đồng/khóa/10 buổi nhưng học viên vẫn đông nghẹt.

Tại Nhà thiếu nhi thành phố, các lớp bán trú hè bao gồm các hoạt động học các môn năng khiếu cùng với ôn tập 2 môn Toán và Tiếng Việt với mức học phí 1 triệu đồng/tháng, tiền ăn mỗi ngày 30.000 đồng.

Ở 24 quận, huyện hầu như đã có các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục thể thao, các điểm vui chơi giải trí nhưng chưa thu hút được đông đảo các em và chưa hoạt động đúng nghĩa. Tại các nhà nhà văn hóa quận, huyện, các khóa học, đồ dùng học tập... rất nghèo nàn, sơ sài.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết: Hiện trên địa bàn TP có trên 1,7 triệu trẻ em có độ tuổi từ 16 trở xuống (chiếm trên 23% dân số).

Việc tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh chính là giúp các em có điều kiện hoàn thiện mình và tránh xa được các nguy cơ tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ như ma túy, bạo lực học đường, nghiện game online...

Tuy nhiên, điểm sinh hoạt cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư chưa được đảm bảo. Vì vậy, đa số trẻ em khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tại cộng đồng thường tận dụng sân trường học (mùa hè), sân UBND phường, vỉa hè và lòng đường… dẫn đến không an toàn và thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi của đông đảo trẻ em. Đặc biệt là vào dịp hè.

Mặc dù là ngày hè nhưng tại nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, THPT vẫn triển khai các hoạt động hè để phục vụ học sinh.

Trưởng Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, Đặng Thanh Tuấn cho biết: Phòng Giáo dục quận đã yêu cầu các trường mở thư viện suốt hè để phục vụ nhu cầu của học sinh. Mỗi trường học là một điểm sinh hoạt văn hóa và vui chơi cho trẻ. Các trường tùy theo khả năng của mình có thể để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.

Khu vui chơi phường Hòa Xuân (Hòa Vang - Đà Nẵng) được đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng xuống cấp, để không Ảnh: Nguyễn Huy
Khu vui chơi phường Hòa Xuân (Hòa Vang - Đà Nẵng) được đầu tư
hàng trăm triệu đồng nhưng xuống cấp, để không. Ảnh: Nguyễn Huy.

Đà Nẵng: Thành thị bỏ phí, nông thôn bí sân chơi

Bước vào đầu mùa hè, cả gia đình anh Nguyễn Trung Quân (37 tuổi, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) không khỏi đau đầu tìm sân chơi nơi sinh hoạt hè cho 2 con đang học lớp 1 và lớp 5. “Xuống thành phố thì xa quá, ở gần thì chẳng có nổi một sân chơi đúng nghĩa. Chúng tôi sợ bọn trẻ không được vui chơi sẽ càng thêm áp lực sau những học kỳ căng thẳng” -anh Quân cho hay.

Tìm về khu vui chơi xã Hòa Liên, gọi là điểm vui chơi được đầu tư, quy hoạch nhưng ở đây chẳng còn gì ngoài bốn bức tường, cỏ mọc hoang dại, lúc nào cũng trong tình trạng bỏ không.

Tại xã Hòa Khương (Hòa Vang) hàng trăm trẻ em trong độ tuổi đi học chung thực trạng “khát” sân chơi dịp hè vì khu vui chơi bị xuống cấp, bỏ hoang. Em Nguyễn Thành Trung (lớp 4, trường Tiểu học Hòa Khương) kể: ở đây chẳng có công viên, hồ bơi như dưới phố. Chỉ có cái khu nhỏ nhỏ người ta cho bọn trẻ chúng em vui chơi nhưng giờ bị hư hết, không chơi được. Chúng em có tiền thì đi chơi game thôi.

Toàn huyện Hòa Vang có 11 xã vùng nông thôn ngoại thành nhưng chỉ được quy hoạch 9 điểm vui chơi. Theo ông Lê Kim Ngọc, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện, nhu cầu sinh hoạt hè của các em thanh thiếu nhi trên địa bàn rất cao. Vấn đề là thiếu khu vui chơi.

Trong khi đó, phần lớn các khu vui chơi được đầu tư xây dựng từ năm 2003 đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Chỉ có một số xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Ninh... hoạt động được. Còn lại đều để không, thiếu các phương tiện vui chơi.

Anh Trần Đình Ngô - Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang cũng nhận định: các em thiếu nhi, giới trẻ trên địa bàn đang chịu nhiều thiệt thòi vì không có sân chơi dịp hè. Có chăng chỉ là những sân chơi nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu. Các sân chơi văn hóa văn nghệ cho thanh thiếu nhi trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào các chương trình hoạt động của Đoàn, Hội và một số đơn vị phối hợp.

Ngay ở trung tâm Đà Nẵng, nhiều khu vui chơi bị bỏ hoang, chưa được đầu tư, nâng cấp thích đáng. Khu vui chơi Hòa Xuân được đầu tư hàng trăm triệu đồng song phải đóng cửa hơn hai năm nay; khu vui chơi Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) hiện chỉ là bãi đất bỏ hoang, người dân tập kết vật liệu xây dựng; tại phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), khu vui chơi giải trí được xây dựng gần chục năm nay cũng trong tình cảnh hoang hóa, bỏ không...

Theo Sở VH-TT&DL, toàn thành phố hiện có trên 40 khu vui chơi cho trẻ em, thanh thiếu niên được xây dựng từ năm 2003 đến nay. Trong đó, hầu hết đều đã xuống cấp trầm trọng, bị hoang phế, đổ nát.

Ông Lê Kim Ngọc cho hay, nguyên nhân là thiếu kinh phí để duy tu, nâng cấp. Các sân chơi này được đầu tư trọn gói, bàn giao cho các xã, địa phương quản lý.

Do trang thiết bị nghèo nàn, thiếu sinh động. Không cây xanh, không được bảo dưỡng, duy tu, không điện nước, không nhà vệ sinh nên mau hư hỏng, khó thu hút các em tham gia.

Cần xã hội hóa khu vui chơi

Các khu vui chơi do ngân sách nhà nước đầu tư, đã xuống cấp và thiếu kinh phí để duy tu, nâng cấp. Một số nhà đầu tư ngỏ ý muốn rót kinh phí đầu tư, tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí đa dạng, chất lượng. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có cơ chế rõ ràng về thuê đất, hình thức hỗ trợ nên khó thu hút...

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.