Tìm lại dấu vết 'con đường muối'

Trekking trên "con đường muối"
Trekking trên "con đường muối"
TP - Ngày càng nhiều bạn trẻ có máu phiêu lưu thích trekking (đi bộ đường dài) vượt núi cao, xuyên rừng già trên những cung đường hiểm trở. Mới đây, một tua trekking đã phục dựng theo dấu chân đi tìm muối, tìm vợ của trai tráng Tây Nguyên nối từ núi Bidoup đến Ninh Thuận, Khánh Hòa thu hút rất đông thanh niên tham gia.

Lịch sử “con đường muối”

Buôn Ðưng K’Si (xã Ðạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Ðồng) cũng như nhiều buôn làng khác ở Tây Nguyên đang tưng bừng mở hội đón xuân, ăn cơm mới. Sau khi già làng làm lễ khấn các vị thần, mọi người uống rượu cần đánh cồng chiêng, múa xoang thâu đêm. “Lễ hội này không theo ngày tháng nhất định mà phụ thuộc vào vòng đời của mùa rẫy, bắt đầu ngay sau khi vụ canh tác năm trước kết thúc (Mẹ Lúa đã được rước về kho) cho đến lúc chuẩn bị vụ mùa mới”, già Cil Ha Diêng cho biết.

Theo lời kể của già làng Bon Tô Sa Nga, trước kia người miền thượng thường tranh thủ khoảng thời gian nông nhàn này để “lòt drà”, nghĩa là băng rừng, vượt núi cả tháng trời với đôi chân trần; gùi trên lưng những sản vật của núi rừng như ngà voi, nhung hươu, mật gấu, thổ cẩm… để xuống miền xuôi đổi lấy hạt muối mặn mòi.

“Thuở đó, ngà voi và muối là những thứ quý giá, thiêng liêng nhất nên người K’Ho có câu “Mẹ boh mẹ bla” (Mẹ muối, mẹ ngà voi). Việc cúng tế trong các lễ hội bao giờ cũng phải có muối. Và vì khan hiếm nên muối trở thành món quà quý giá tặng nhau hoặc để dành cho người bệnh” - già Cil Ha Diêng tiếp lời.

Khi “lòt drà”, đoàn người chủ yếu mang theo những thứ dùng để trao đổi với dân miền biển, còn thức ăn dọc đường thì xin của mẹ thiên nhiên hoặc các buôn làng rải rác trong rừng. Họ hái rau rừng, săn con thú nhỏ, bắt con cá suối cho bữa ăn hàng ngày. Các buôn người thượng đều hiếu khách, sẵn sàng mời người lỡ độ đường ăn uống hoặc cho ngủ nhờ.

Lưng mang gùi; tay cầm giáo mác, cung tên hay xà gạc, người miền thượng cứ thế luồn rừng mà đi. Họ không bao giờ đi một mình vì sợ các loài thú dữ. Ngày đi, đêm ngủ nhờ ở các buôn làng rải rác trong rừng hoặc làm chòi trên cây để tránh sói, cọp... Thường thì lúc khởi hành chỉ có đôi ba người nhưng sau khi ghé thăm các buôn làng, đoàn người mỗi lúc một đông hơn.

Những mối tình “gừng cay, muối mặn”

Tìm lại dấu vết 'con đường muối' ảnh 1 Buôn làng ở vùng sâu Nam Tây Nguyên
Ðiều nghịch lý là những người đã qua 40-50 mùa rẫy (40-50 tuổi-PV) chỉ mất khoảng một tuần là mang được gùi muối nặng từ 10 -15 kg về nhà, trong khi trai tráng thì rong ruổi cả tháng. “Bọn trẻ biết rõ nơi nào có các cô gái đẹp đang lớn nên tìm cách nán lại dự lễ hội ở làng người, qua đó khoe tài đánh chiêng, múa giáo, bắn cung để mong được bắt làm chồng. Ða số các tộc người thiểu số bản địa Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, con gái “bắt chồng”, còn con trai có quyền thách cưới và ở rể bên nhà vợ”, già Ha Diêng cười bảo.

Theo già làng Sa Nga, cư dân miền thượng thường kết hôn với người trong tộc. Thế nhưng từ khi có những chuyến “lòt drà” thế này, người miền núi có cơ hội giao lưu, kết mối lương duyên với các tộc người khác ở miền biển. Già thổ lộ chuyện tình của mình cũng gắn liền với “con đường muối”. Sa Nga vốn là người Raglai, sinh sống tại thôn Bố Lang (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), nơi mà các đoàn người ở miền núi thường đi ngang qua khi xuống biển đổi muối. Anh đã chủ động làm quen, theo họ lên núi chơi và lọt vào tầm ngắm của sơn nữ xinh đẹp Ka Să Kpram. Sau khi được Kpram bắt làm chồng, Sa Nga về sống bên nhà vợ ở xã Ðạ Chais.

Nếu những chàng trai miền biển Sa Nga, Pi Năng Tới, Bon Tô Sa Luyn lên núi sinh sống ở quê vợ thì ngược lại những anh chàng miền thượng như K’Ðăng, K’Tân, Păng Ting Bring… cũng về làm rể tại miền biển Ninh Thuận.  Ðó cũng là thành quả “gặt hái” trong những chuyến “lòt drà”.

Ngày nay đường lớn đã mở, hàng hóa của miền ngược và miền xuôi đã thông thương nhưng một số người vẫn giữ thói quen “lòt drà” để thăm gia đình, họ hàng. “Em trai và dòng họ của mình đều sống ở Bố Lang, tận đầu kia của “con đường muối”, cách đây hơn 30km đường rừng, thế nhưng năm nào mình cũng về thăm. Ban đầu thấy xa xôi lắm nhưng đi riết rồi cũng quen”. “Sao già không đi xe khách cho khỏe?” – tôi hỏi. “Mình tranh thủ đi thăm rừng luôn, nhớ rừng lắm! Ngày trước bước ra khỏi nhà là thấy rừng. Thế nhưng hơn 10 năm nay, nhà nước mở đường nối Ðà Lạt – Nha Trang. Con đường này chạy ngang qua làng, người các nơi chuyển về đây sống rất nhiều. Vì thế mà rừng lùi xa lắm!”, già làng Sa Nga tâm sự.

Mở tua thám hiểm “con đường muối”

Chỉ tay về phía ngọn núi cao chất ngất, bồng bềnh mây trắng ngay cạnh làng, già Sa Nga nói ngọn núi này cao tới 2.287m, có tên là Bidoup, cao nhất Nam Tây Nguyên. Từ đây vẫn còn dấu vết hai con đường xuyên rừng già mà người miền thượng đã mở để xuống biển. Một đường xuôi theo dòng Ðạ Mưng tới TP.Phan Rang (Ninh Thuận) và con đường khác men theo triền núi Hòn Giao đến TP.Nha Trang (Khánh Hòa).

Sinh sống nhiều năm ở vùng đất này và ham thích xê dịch, chàng hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu K’Vâng đã tìm gặp những bậc cao niên của thôn Ðưng K’Si để tìm hiểu về “con đường muối”. “Già Sa Nga đã kể cho mình nghe rất nhiều chuyện thú vị và vẽ sơ đồ chi tiết về tuyến đi này cho mình. Già còn giới thiệu người để đưa mình đi tiền trạm trước khi mở tua”, K’Vâng hào hứng nói.

Ban đầu cũng gian nan lắm. Mình chào bán tua này cả năm trời mới có người mua. Sau đó nhờ sự chia sẻ thông tin nhiệt tình của các bạn trẻ trên mạng xã hội mà “con đường muối” ngày càng đắt khách. Tua này kéo dài 3 ngày 2 đêm, chinh phục tuyến đường 30 km xuyên qua 2 vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà (Lâm Ðồng) và Phước Bình (Ninh Thuận); men theo dòng Ðạ Mưng, xuôi hướng biển. Với các loại địa hình phong phú như rừng rậm, rừng thưa, rừng rêu, rừng thông, đồi cỏ..., du khách tha hồ khám phá bao điều bí ẩn của thiên nhiên.

Các nhà nghiên cứu khoa học cho biết hiện nay trên thế giới duy nhất Bidoup - Núi Bà có thông hai lá dẹt, loài cổ thực vật được ví như “hoá thạch sống” xuất hiện cùng thời với khủng long. Có nhà thực vật học nổi tiếng thế giới ao ước trước khi chết được ôm thân cây này là mãn nguyện nhất đời! Bên cạnh đó còn có những quần thể thông 5 lá quý hiếm, pơ mu cổ thụ ngàn năm tuổi, thông đỏ cổ thụ chữa bệnh ung thư; những rừng mai anh đào và quần thể phong đỏ mùa thay lá đẹp như tranh...

Nơi đây còn là một trong 200 trung tâm chim đặc hữu của thế giới với loài Mi Langbian nổi tiếng; là nơi phân bố của Khướu đầu đen má xám, loài đang nguy cấp trên toàn cầu cùng nhiều loài chim quý hiếm có tên trong Sách Ðỏ Việt Nam và thế giới như Trĩ sao, Gà lôi vằn, Sẻ thông họng vàng, Trèo cây mỏ vàng…

Ðể không lãng phí tiềm năng to lớn đó, hai VQG nói trên đã tiến hành khảo sát để mở các tua nối liền các “mỏ vàng” du lịch sinh thái này.

Bidoup - Núi Bà như một khu rừng cổ, đa dạng về sinh học và còn nguyên vẹn nhất Việt Nam, là một phần của khu dự trữ sinh quyển Langbiang (được UNESCO công nhận) và vừa trở thành Vườn di sản ASEAN.

Tìm lại dấu vết 'con đường muối' ảnh 2 Thông đỏ cổ thụ
MỚI - NÓNG