Tìm lại tên cho người đã mất

Bàn giao kết quả cho Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Bàn giao kết quả cho Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Vào một ngày cuối tháng 5/2020, nhận được đề nghị từ Cục Người có công, Trần Việt Vinh xách ba lô lên đường đến nghĩa trang Vị Xuyên, nơi chôn cất những liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, tiến hành khai quật hài cốt liệt sỹ, bắt đầu hành trình dài tìm lại tên cho người đã mất.

Kỳ công giám định ADN

Trần Việt Vinh là giám định viên của Trung tâm Giám định ADN của Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là cơ sở lớn nhất, công nghệ tiên tiến nhất làm nhiệm vụ giám định hài cốt liệt sỹ ở Việt Nam. Hành trang mang theo trong những chuyến đi khai quật hài cốt liệt sỹ của Vinh và đồng nghiệp bao giờ cũng là thiết bị bảo hộ kín mít từ đầu đến chân – yêu cầu tuyệt đối của những người đi khai quật hài cốt để đảm bảo không làm nhiễm mẫu, chủ yếu là răng hoặc xương của liệt sỹ.

Vinh và các cộng sự dầm dãi một tuần ở nghĩa trang Vị Xuyên, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng bức, nhễ nhại nhưng với Vinh đó là chuyến đi thành công bởi số lượng mẫu thu về. Cậu cùng hai đồng nghiệp là Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Hoàng Tùng, đều là giám định viên của Trung tâm, phối hợp với địa phương khai quật 393 phần mộ liệt sỹ chưa có tên, thu về được 183 mẫu.

Chuyến đi Hóc Môn, TPHCM sau đó không được may mắn như vậy. Cuối tháng 6/2020, Vinh lại cùng Nguyễn Thành Nam bay vào TPHCM rồi di chuyển đến nghĩa trang liệt sỹ Tân Xuân – huyện Hóc Môn để lấy mẫu giám định hài cốt liệt sỹ. Nghĩa trang nằm ở vùng trũng ngập nước, những mẫu hài cốt liệt sỹ lâu năm bị thời gian và môi trường làm phân hủy mạnh. Ròng rã hơn một tuần, Vinh, Nam cùng chính quyền địa phương khai quật 243 hài cốt nhưng chỉ thu về được 14 mẫu.

“Việc thu mẫu chỉ là công đoạn đầu tiên trong hàng loạt công đoạn kéo dài từ 3-6 tháng, thậm chí dài hơn để có thể tìm ra kết quả ADN của hài cốt liệt sỹ”, anh Hoàng Hà, Giám định Trung tâm chia sẻ.

Sau khi mang mẫu từ nghĩa trang về, các kỹ thuật viên của trung tâm tiến hành bước làm sạch mẫu vật. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, Vinh miệt mài kì cọ mẫu vật, công đoạn này thường kéo dài 3 tiếng đồng hồ. “Không có trách nhiệm không bao giờ có thể ngồi 3 tiếng đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ chỉ để đánh một mẫu vật răng đâu”, anh Hà kể.

“Sau khi đánh răng làm sạch bề mặt mẫu vật xong, phải phơi khô rồi cắt nhỏ mẫu, sau đó lấy máy đánh cao răng tiếp tục làm sạch bề mặt bên trong từng chút một, Nguyên công đoạn này cũng kéo dài cả tuần”, Vinh chia sẻ. Mẫu vật sau đó được ngâm hóa chất, được nghiền nhỏ, lấy ADN khuếch đại rồi giải trình tự.

Tuy nhiên, không phải mẫu nào cũng có thể lấy được ADN. Chiến tranh đã cách xa nhiều năm, nhiều mẫu vật bị phân hủy nghiêm trọng. “Mất bao công sức thế kia nhưng thực tế chỉ có khoảng 50% số mẫu là giám định được ADN. Nhiều hôm 18 mẫu mà chỉ 2 mẫu lên ADN, anh em chúng tôi ngồi thừ ra, buồn lắm”, anh Hà kể.

Ngay cả khi mẫu vật có tách xuất được ADN thì phía trước vẫn là nhiều công đoạn. Nhiều mẫu ADN phải giải trình tự lặp lại, giao cho những nhóm khác nhau làm để đối chiếu kết quả. Công nghệ giám định ADN hài cốt là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay nhưng cũng không cho ra kết quả tuyệt đối. Nhiều trường hợp kết quả phân tích mẫu vật hài cốt với thân nhân chỉ lệch nhau một chút là cả một vấn đề đau đầu với anh em. “Liệu đó có phải là hài cốt của đúng gia đình liệt sỹ hay không? Chúng tôi thường phải kết hợp với khai thác thông tin từ người thân, mở rộng thí nghiệm, thậm chí xin lại mẫu vật của người thân để tiếp tục giám định. Vì thế hành trình để có đượt một kết quả phân tích ADN bàn giao cho Cục người có công mất từ 3-6 tháng. Nhưng đó vẫn là những trường hợp may mắn vì công sức anh em được đền đáp”, anh Hà chia sẻ.

Những người trẻ cống hiến

Trung tâm Giám định ADN được thành lập tháng 7/2019, là bước đầu tư tiếp theo để mở rộng quy mô và nâng tầm công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sỹ của Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trung tâm nằm ở Khu Nghiên cứu và Triển khai công nghệ tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, khá heo hút, thậm chí đoạn đường vào Trung tâm chưa được trải nhựa, mỗi khi mưa to lại ngập sình lầy bùn đất.

Anh Hoàng Hà kể, thời gian đầu việc tuyển nhân sự rất khó khăn do đặc thù công việc và đường xa vất vả nhưng rồi qua một năm, gần 20 bạn trẻ, hầu hết ở độ tuổi 9X đã đến, trụ lại ở đây và hết mình với công việc. Trung tâm có những bạn mỗi ngày vượt 15 - 20km đến làm việc từ sáng sớm, tối muộn mới về. “Không phải là người trẻ và trách nhiệm thì không thể chịu đựng được áp lực công việc”, anh Hà nói.

Nguyễn Ngọc Nam, nữ 9x, một thạc sỹ từng tốt nghiệp công nghệ sinh học ở Hàn Quốc, người đảm nhận nhiệm vụ giải trình tự gene kể “Khi còn ở Hàn Quốc, mình thường xuyên phải làm việc đến 11-12h đêm nhưng công việc cũng không áp lực như khi làm ở đây”. Sau khi ra được kết quả giám định ADN, Nam nhiều lần phải đích thân sang Cục Người có công để khai thác thông tin từ người nhà thân nhân. “Những mẫu nào ADN không lên bọn mình cũng buồn nhưng mẫu nào lên sáng quá cũng giật mình vì sợ mẫu bị nhiễm”, Nam giải thích về áp lực công việc của mình.

“Có những trường hợp kỳ công từ đi lấy mẫu đến làm sạch, xử lý mẫu rồi khi phân tích phát hiện bị nhiễm chính ADN của người lấy mẫu. Các bạn giám định viên còn phải vượt qua cả những cú sốc như thế”, anh Hà kể.

Từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2020, Trung tâm tiến hành 2.870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sỹ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân. Kết quả thu được 669 trường hợp cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp. Ngày 27/7 vừa qua, Trung tâm đã bàn giao kết giám định ADN cho Cục Người có công nhằm tiến hành các bước tiếp theo để đối chiếu, bàn giao kết quả cho thân nhân liệt sỹ.

Tuy nhiên với anh Hoàng Hà và các anh em của Trung tâm, con số trên còn quá khiêm tốn. “Nếu chỉ đi nghĩa trang Quảng Trị thôi cũng sẽ thấy còn quá nhiều hài cốt chưa tìm được tên. Cần có nhiều trung tâm như thế này mới có thể đáp ứng một phần mong muốn của những gia đình liệt sỹ”, anh Hoàng Hà chia sẻ và mong muốn, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều những đồng nghiệp trong lĩnh vực tìm đến, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ trung tâm về chuyên môn, để tiếp tục công việc nhiều khó khăn nhưng ý nghĩa này.

Tìm lại tên cho người đã mất ảnh 1 Ông Nguyễn Xuân Tế

Ông Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm ADN: Các mẫu hài cốt đã và đang giảm sút rất nhiều về chất lượng ADN thu được. Do đó để có một kết quả giám định đủ chất lượng cần nhiều thời gian. Các đơn vị giám định như chúng tôi đang gặp phải một thách thức vô cùng lớn từ bước đầu tiên của công việc giám định, đó là thu nhận được ADN đạt yêu cầu cho các công nghệ phân tích hiện có. Mong các gia đình thân nhân liệt sỹ chia sẻ với những khó khăn của trung tâm và bình tĩnh chờ đợi. Trung tâm sẽ làm hết sức để hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ và nhân dân kỳ vọng.

Theo ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Hiện tại có khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, Lào và Campuchia vẫn chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sỹ. Trên 200.000 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ còn thiếu thông tin. Việc trả lại tên cho các liệt sỹ chưa được định danh là công việc được toàn xã hội đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Xuân Tế, em trai liệt sỹ Nguyễn Xuân Đới, liệt sỹ được trả lại tên nhờ công nghệ giám định ADN của Trung tâm Giám định ADN kể: Anh trai tôi, liệt sỹ Nguyễn Xuân Đới hy sinh tháng 2/1955. Năm 2006, tôi vào Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tìm anh. Hai ngày trời mới tìm thấy, bia mộ ghi rõ tên Nguyễn Xuân Đới nhưng không ghi địa chỉ, quê quán.
Những năm gần đây, tôi đã 23 lần đi Hà Nội, 19 lần vào Thanh Hóa, cuối cùng là quyết định cho giám định ADN để xác định hài cốt liệt sỹ. Giám định ADN cũng khó vì anh tôi mất gần 60 năm. Khai quật mộ lần thứ nhất, 3 tháng sau nhận quyết định xương mục không giám định được. Lần thứ 2 cũng xương mục không giám định được. Lần thứ 3 tôi cầu cứu đến Trung tâm ADN. Phải nói Viện Công nghệ sinh học và Trung tâm rất trách nhiệm, đi ô tô từ Hà Nội vào Thanh Hóa, giám định khai quật lần 3. Sau 3 tháng nhận được kết quả, gia đình tôi phấn khởi, anh tôi mất hơn 60 năm được trả lại danh hiệu liệt sỹ. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.