Tìm thuốc cho 'bệnh' mạnh ai nấy khai thác cảng biển

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công.
TPO - "Ban Quản lý khai thác cảng biển đảm bảo sự cân đối giữa cung và cầu và các điều kiện thuận lợi khác để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả," Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công khẳng định.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: để ngăn chặn tình trạng thiếu cơ quan điều phối chung trong việc phát triển cảng biển/nhóm cảng biến dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, gây lãng phí và tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, Dự thảo Bộ Luật Hàng hải sửa đổi trình Quốc hội thông qua lần này, đã đề nghị cho phép thành lập mô hình Ban Quản lý khai thác cảng.

+ Thảo luận tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, công tác quản lý điều tiết chung tại một số cảng biển hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến chưa khai thác hết tiềm năng. Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

- Trong thời quan qua hệ thống cảng biển của nước ta đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và nhu cầu xuất khẩu hàng hóa tới các nước trên thế giới. Tuy nhiên, công tác tổ chức, quản lý, khai thác cảng biển chưa khai thác được hết các lợi thế mà cảng biển, kinh tế biển đem lại.

Bên cạnh đó, cũng vì thiếu cơ quan điều phối chung trong việc phát triển từng khu vực cảng/nhóm cảng dẫn tới tại một khu vực cảng biển có rất nhiều nhà đầu tư khai thác dẫn đến hệ lụy là hiệu quả đầu tư thấp, gây lãng phí cho xã hội mà điển hình là khu vực Cái Mép Thị Vải. 

Cũng do thiếu cơ quan quản lý điều tiết chung (Ban quản lý, khai thác cảng) nên  dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư, khai thác cảng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, tìm mọi cách thu hút hàng hoá đến bến cảng của mình đã tạo ra một sự cạnh tranh thị trường thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tình hình khai thác cảng chung.

+ Dự thảo Bộ Luật Hàng hải sửa đổi lần này đề xuất quy định gì để ngăn chặn tình trạng “mạnh ai nấy làm” trong khai thác cảng biển?

- Qua nghiên cứu, khảo sát trực tiếp mô hình quản lý khai thác cảng biển đang được áp dụng có hiệu quả tại nhiều nước hàng hải phát triển tại các châu lục (châu Á, châu Âu, Mỹ), Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đồng thời đề nghị cho phép đưa những quy định cơ bản về Ban Quản lý khai thác cảng vào dự thảo Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).

Khi thành lập Ban quản lý khai thác cảng, sẽ có được một tổ chức chịu trách nhiệm điều phối chung về sự đồng bộ trong lập quy hoạch toàn bộ khu vực cảng; có đủ năng lực và quyền hạn để triển khai quy hoạch, đầu tư chiều sâu hoặc mở rộng đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiếp thị hoạt động.

Điều này giúp bảo đảm xây dựng và phát triển cảng và các khu đất cảng theo đúng quy hoạch, định hướng chiến lược và nhu cầu sử dụng cảng; khắc phục tình trạng bất cập giữa cung và cầu, từ đó phát huy tối đa hiệu quả trong hoạt động đầu tư, khai thác cảng biển khu vực.

Điều phối chung của Ban quản lý khai thác cảng cũng giúp tối ưu hóa hiệu quả việc kết nối cảng biển với khu vực hậu cần sau cảng, khu công nghiệp phụ trợ; thu hút các nhà đầu tư vào khu vực hậu cần sau cảng và cung cấp nguồn hàng cho cảng biển; từng bước hình thành và phát triển được chuỗi cung ứng hàng hoá với cảng biển là hạt nhân, góp phần giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu

+ Mô hình Ban Quản lý khai thác cảng nếu được áp dụng có mâu thuẫn gì với chủ trương về cổ phần hóa, phát triển kinh tế tư nhân mà chúng ta đang thực hiện?

Tôi xin khẳng định là không có bất cứ mâu thuẫn nào. Việc áp dụng mô hình Ban Quản lý khai thác cảng biển sẽ khắc phục được hầu hết những nhược điểm của hệ thống cảng biển của nước ta hiện nay, đặc biệt mô hình này rất ưu việt, đáp ứng được chủ trương của Nhà nước.

- Ban Quản lý khai thác cảng biển đảm bảo sự cân đối giữa cung và cầu và các điều kiện thuận lợi khác để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả. Ở chiều ngược lại các nhà đầu tư phải chia sẻ lợi nhuận cho Nhà nước (ngoài các khoản thuế phải nộp theo quy định) giúp Nhà nước thu hồi được nguồn kinh phí đã đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải dùng chung như luồng hàng hải, hệ thống báo hiệu, đê biển, giao thông kết nối... Ví dụ như tại Lạch Huyện, Nhà nước đang triển khai các dự án với tổng mức đầu tư gần 30.000 tỷ đồng để tạo thành một quỹ đường bờ (vùng đất và nước để xây dựng cầu, bến cảng) có giá trị thương mại rất cao.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.