Tìm về cội nguồn dân tộc

Tìm về cội nguồn dân tộc
TPCN - “Khác hẳn với những năm trước, lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay như được “rải” ra và mọi người đã hành hương về đất Tổ từ những ngày đầu năm. Tuy nhiên, càng đến gần ngày hội thì lượng du khách càng đông.
Tìm về cội nguồn dân tộc ảnh 1

Chỉ tính riêng hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật trước khai hội (mùng 4, mùng 5 - 3 âm lịch) đã có trên 2 vạn người về Đền Hùng” - Thạc sỹ Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Sử học Phú Thọ, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết.

Chúng tôi có mặt tại Đền Hùng sáng 5 - 4 (tức mùng 8/3 âm lịch), ngay từ sáng sớm, những đám rước kiệu rực rỡ sắc màu của nhân dân các xã Hy Cương, Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn dẫn đầu đoàn dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của huyện Lâm Thao theo phong tục “Dân trưởng tạo lệ” đã thu hút rất đông đồng bào cùng hành lễ.

Con Rồng cháu Tiên từ khắp nơi trên đất nước, từ nhiều nước trên thế giới, đang nườm nượp đổ về mong được ướm dấu chân mình lên dấu chân các bậc tiền nhân trên mỗi bậc đá rêu phong.

Trong dòng người tấp nập, người ta dễ dàng nhận thấy màu áo xanh của các đoàn viên thanh niên đến từ các tỉnh, các trường đại học trong cả nước.

Có lẽ đền Giếng là nơi tập trung đông các bạn trẻ hơn cả. Những người lần đầu tiên về với cội nguồn đều muốn soi mình bên giếng Ngọc, cầu 2 công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa phù hộ cho tình duyên thêm đậm đà, bền vững.

Mở đầu cho phần Hội năm nay là màn trình diễn ấn tượng đánh trống đồng, múa sư tử và hát xoan của các diễn viên, nghệ nhân xã Kim Đức (huyện Phù Ninh) tại Công Quán - Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Tiếp đó là lễ khai mạc giải bóng chuyền, bắn nỏ, cờ tướng tại Khu thi đấu đền Hùng và trình diễn múa rối nước của phường Nghĩa Hưng - thành phố Nam Định tại hồ Khuôn Muồi.

Không chỉ bó hẹp tại Đền Hùng, không gian lễ hội được kéo dài đến Việt Trì và vùng phụ cận của hai huyện Phù Ninh và huyện Lâm Thao với hàng loạt các sự kiện như: Khai mạc triển lãm sách với chủ đề “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, cả nước hướng về Đền Hùng”; trưng bày “Những phát hiện khảo cổ học tỉnh Phú Thọ”; tổ chức đón bằng di tích lịch sử quốc gia và quyết định công nhận phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu - thành phố Việt Trì).

Cùng với Hội chợ Hùng Vương 2006 được tổ chức thường niên tại thành phố Việt Trì đã khai mạc đêm 31/3, sáng 3/4, tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao cũng đã trọng thể tổ chức chợ quê truyền thống với những ngón nghề đan lát, những trò chơi dân gian, những gian hàng bán bánh chưng, bánh dày, bánh tò he... biểu trưng cho nét văn hóa dân gian đã trở thành tục lệ lưu truyền trong các lễ hội vùng quê Đất Tổ.

Sáng 6/4 tức mồng 9/3 âm lịch, cuộc thi dân gian kéo lửa thổi cơm thi lại hấp dẫn người xem bằng hình thức khác. Các tốp thợ mặc y phục thôn dã đang cố hết sức kéo các thanh tre còn nguyên cật để lấy lửa thổi cơm. Cò cưa mãi đến vã mồ hôi, cuối cùng khói cũng bốc lên và lửa bùng lên ở bùi nhùi.

Trong tiếng trống hội, tiếng cổ vũ náo nhiệt của người xem, các chàng trai lại châm lửa vào đóm chạy theo các thôn nữ đang gánh các niêu đất để thổi cơm.

Cũng trong buổi sáng, ngã ba sông Bạch Hạc đã diễn ra lễ hội bơi chải truyền thống. Sau hiệu lệnh, những tay chải từ 17 đến 26 tuổi cùng nhau vung chèo xé sóng, bước vào cuộc đua sông nước. 

Hội bơi chải là một trò diễn vui khỏe mang hình thức rèn luyện thân thể và kỹ năng chiến đấu gắn với sự tích thần Thổ Lệnh đưa tiễn Tản Viên khi ngài đến thăm Bạch Hạc và tích tướng quân Trần Nhật Duật luyện thủy quân.

Thi bơi chải là dịp nhân dân ta thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, luyện tay nghề, bản lĩnh của nghề sông nước, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm.

Ông Nguyễn Tiến Khôi cho biết thêm: Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có một số nét mới. Thứ nhất là việc chỉnh sửa phần nhạc trong lễ dâng hương, đây là phần được công chúng rất quan tâm.

Năm 2005, lần đầu tiên chúng ta sử dụng nhạc lễ trong lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, được dư luận nhiệt liệt hoan nghênh, đặc biệt là sử dụng toàn bộ các nhạc cụ dân tộc như chiêng, đàn bầu, đàn tranh, sáo, nhị... đã làm tăng tính linh thiêng, trang trọng.

Trên cơ sở nhạc lễ năm 2005, Bộ VHTT đã chỉ đạo Cục VHTT cơ sở thành lập một hội đồng tiến hành chỉnh sửa phần nhạc lễ này cho thêm phần trầm lắng và linh thiêng.

Điểm mới thứ hai trong giỗ Tổ năm nay là việc khai thác nét văn hóa cổ truyền và xâu chuỗi các lễ hội địa phương quanh khu vực Đền Hùng. Hiện nay, trên mảnh đất cội nguồn có 61 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 160 di tích cấp tỉnh với 92 lễ hội dân gian.

Những năm trước, các hoạt động lễ hội trên thường diễn ra riêng biệt trong từng vùng, năm nay, Sở VHTT đã xây dựng một đề án xâu chuỗi các lễ hội lại với nhau, để du khách được sống trong một bầu không khí đặc biệt, như đang được trở về với chính cuộc sống và những sinh hoạt thời đại các Vua Hùng dựng nước.

Lễ dâng hương lên các Vua Hùng

Tìm về cội nguồn dân tộc ảnh 2

Sáng 7/4 (tức 10/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng – Những người đã “Chi công lao khai phá một thời kỳ” để đất nước ta “Uy lực trải dài trăm thế hệ”. Trong ngày giỗ Tổ “bốn phương: Nam, Bắc, Tây, Đông. Trăm họ: Gái, trai, già, trẻ... đều nhớ về tổ tông, tìm về cội rễ”.

Ông Nguyễn Doãn Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ làm Chủ lễ dâng hương. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Quang Nghị - Bộ trưởng Bộ VHTT; Cù Thị Hậu – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Trung tướng Ma Thanh Toàn – Tư lệnh Quân khu II, Ngô Đức Vượng – Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh... cùng đông đảo đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Đi đầu đoàn hành lễ là hai tiêu binh cầm cờ Tổ quốc và cờ hội, hai tiêu binh mang vòng hoa tiếp đó là đoàn đội lễ vật... Đoàn kiệu bát cống và kiệu văn sơn son thiếp vàng, trên phủ lọng tán ngũ sắc uy linh trong tiếng nhạc lễ tiến lên đền Thượng.

Lễ vật được rước lên đền Thượng, ngoài ngũ quả, hương hoa nhất thiết phải có bánh chưng, bánh dày. 100 thanh niên trai tráng, tượng trưng cho 100 con Hồng, cháu Lạc đầu đội mũ lông chim, cùng với trang phục thời các Vua Hùng dựng nước, rước cờ hội tạo nên màu sắc rực rỡ và huyền bí.

Dòng người hàng nối hàng, dài tưởng chừng như bất tận lòng thành kính hướng về đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Hòa cùng tiếng nhạc hành lễ, âm vang sâu lắng lan tỏa đất trời, trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, mây lành và sương trắng cùng dâng về hội tụ. Mây, sương hòa quyện cùng với khói trầm thơm ngát, giờ phút khí thiêng sông núi chứng giám lòng thành của con cháu với tổ tiên.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh – Chủ lễ dâng hương đã tri ân công đức tổ tiên có công khai sơn, phá thạch, mở lối, đắp nền chiến thắng thiên tai, dã thú, bệnh tật, tạo dựng cơ nghiệp thêu dệt nên giang sơn gấm vóc ngày nay.

Chủ lễ đã: Cầu mong cho xã tắc muôn đời thịnh vượng – Quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn. Trăm con một bọc, trăm cành một gốc, con cháu Lạc Hồng xin nguyện cùng nhau bảo vệ vẹn toàn giang sơn gấm vóc, giữ gìn cơ nghiệp, đời đời hương khói, phụng thờ thái miếu tổ tiên!

“Xin Tổ Vương vạn tuế linh thiêng/Giúp con cháu trăm đường chỉ vẽ”.

Kết thúc lễ Dâng hương tại đền Thượng, đoàn đại biểu đã đặt vòng hoa và thắp hương tại Mộ Tổ...

MỚI - NÓNG