Hậu tái định cư tại Dung Quất: 

Tìm việc quẩn quanh

Tìm việc quẩn quanh
TP - Theo thống kê năm 2008 của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong số 55 ngàn người di dời đến nơi ở mới, gần 22 ngàn người có việc nhưng chủ yếu vẫn chỉ buôn bán tạm bợ ở các công trường, lao động phổ thông theo thời vụ của các công ty.   

>> Đi rồi lại muốn về

Sáu năm, hai ngàn việc làm

Tìm việc quẩn quanh ảnh 1

Thanh niên huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tại sàn giao dịch việc làm năm 2008. Ảnh: Trung Việt

Thời gian qua, để đón đầu  tạo việc làm cho dân trong vùng dự án tái định cư, nhất là thanh niên, tỉnh Quảng Ngãi lập ra trường Trung cấp Đào tạo nghề Dung Quất và Trung tâm Đào tạo Thợ hàn Kỹ thuật cao Dung Quất.

Con em thuộc diện di dời của huyện Bình Sơn (nơi có Khu kinh tế Dung Quất) được ưu tiên nhận vào đào tạo, với mức hỗ trợ 50-70 phần trăm học phí; học sinh địa phương khác trong tỉnh thì miễn học phí mức dưới một nửa.

Các trường trên đào tạo theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, theo đơn đặt hàng ngành nghề; hoặc khi học viên ra trường thì đến các đơn vị xin việc. Nhưng, con số được nhận không nhiều, bởi phần lớn các công ty ở Khu kinh tế Dung Quất (KKT Dung Quất) đều đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

Ông Trần Ngọc Châu - Hiệu trưởng Trường Đào tạo Nghề Dung Quất, cho biết, đến nay, sau sáu khóa, trường đào tạo được khoảng 4.000 công nhân có tay nghề chủ yếu kỹ thuật hàn, lắp ráp thân vỏ tàu thuỷ, cơ khí động lực, điện, may công nghiệp ...

Đến nay, khoảng trên dưới 50 phần trăm số đó có việc làm tại Dung Quất, chủ yếu tại nhà máy đóng tàu. Như vậy, tính ra, tổng số người có việc làm khoảng hai ngàn.

Còn theo số liệu của tỉnh, Khu kinh tế Dung Quất giải quyết khoảng gần sáu ngàn việc làm cho con em địa phương. Ngoài 500 công nhân kỹ thuật là người Quảng Ngãi được đào tạo bài bản để vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, số còn lại là lao động phổ thông theo hợp đồng thời vụ.

Với một khu kinh tế có tới 160 dự án đầu tư với số vốn đăng ký và thực hiện trên 10 tỷ USD như Dung Quất, hàng chục vạn thanh niên ở địa phương đang độ tuổi cần việc muốn biến cơ hội đó thành hiện thực không có cách nào khác ngoài việc phải được đào tạo nghề.

Ba trăm lao động xuất khẩu mỗi năm cũng hụt hơi     

Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Sơn đang tiến hành điều tra tại các xã, sau đó tiến hành phân loại độ tuổi, ngành nghề , rồi mới có phương án giúp đỡ việc, tạo nghề cho họ.

Nhằm giảm sức ép về nhu cầu việc làm cho dân tái định cư, chính quyền địa phương tính thêm vào tiền di dời từ 1.000 -2.000 ngàn đồng/m2 để hỗ trợ cho họ chuyển đổi nghề. Bà con khi được hỏi đều trả lời chẳng thấm vào đâu, tất cả đã được tiêu hết khi đến nơi ở mới, bởi tiền đền bù giải tỏa không đủ giúp sống bền vững được.

Một cách giúp dân tìm việc khác, hằng năm, huyện Bình Sơn phối hợp với tỉnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm, ưu tiên cho người trong vùng dự án. Nhưng con số này cũng rất nhỏ nhoi.

Đối với người trên 40, không thể theo học nghề được nữa, Ngân hàng Chính sách tổ chức cho vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ với quy mô vừa và nhỏ.

Một cán bộ xã Bình Thạnh (Bình Sơn) cho biết, rất nhiều hộ vay tiền dùng để làm nhà, gửi tiết kiệm, tiêu xài … Mặt khác, nhu cầu dịch vụ, đầu ra của sản xuất không dễ, nên rất khó khăn cho họ.

Anh Vương Tân, thôn Đông Thuận (Tịnh Hòa), cho hay nhiều người rủ nhau vào nam đi biển thuê cho dân vùng Kiên Giang, Vũng Tàu. Một cán bộ lãnh đạo của huyện Bình Sơn, than thở: “Chúng tôi đang đau đầu kiếm nghề cho thanh niên. Ngoài vấn đề tại địa phương,  nhu cầu công việc ít, cơn lốc thất nghiệp tại các tỉnh phía nam đã dội ngược về. Rất nhiều thanh niên có tay nghề cao ở đủ các ngành tìm về quê. Còn người tại chỗ, thi tuyển thường bị bật ra do không có nghề”.

Theo Phó Chủ tịch huyện Bình Sơn, Huỳnh Duy Việt, năm  nay, tỉnh giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động là 300 người nhưng chắc chắn không đạt. Lý do không phải thiếu người, mà là thị trường lao động nước ngoài đang khó khăn.

Cho đến giờ, con số bao nhiêu người trong độ tuổi lao động  mất việc làm do không có đất sản xuất, do hết việc, trái ngành nghề, không có điều kiện làm việc trong môi trường mới do di dời đến chỗ khác… vẫn đang chờ các cơ quan chức năng thống kê. Điều chắc chắn là hàng chục ngàn người đang cần việc.

Theo định  hướng phát triển của KKT Dung Quất, đến năm 2.015, sẽ giải phóng mặt bằng trên diện tích hơn 9.300 ha, di dời hơn năm ngàn hộ dân đến các khu tái định cư. Điều đó có nghĩa là nhu cầu việc làm của nhân dân sẽ phình to hơn nữa.

Theo BQL KKT Dung Quất, dự báo nhu cầu lao động cho từng giai đoạn phát triển tại đây: Đến năm 2010 là 32 ngàn người;  năm 2012 là 50 ngàn; năm 2015 là 80 ngàn và năm 2020 là 100 ngàn người. Trong đó số lao động phải qua đào tạo tối thiểu 60-70 phần trăm. Tuy nhiên, khả năng đào tạo của các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đáp ứng khoảng một nửa.

Trường dạy nghề Dung Quất đang đào tạo khoảng 2.500 học sinh các ngành nghề, cùng 1.000 học sinh, sinh viên các hệ liên kết. Ngoài ra, Tập đoàn Bảo Mã (Trung Quốc) và Cty TNHH Phú Dân Sinh (TPHCM) đang xúc tiến lập dự án nâng cấp Trung tâm đào tạo thợ hàn kỹ thuật cao Dung Quất lên thành trường cao đẳng nghề. Tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ 10 ha để xây dựng trụ sở này. 

MỚI - NÓNG