Tín hiệu lành, dữ đầu năm

Tín hiệu lành, dữ đầu năm
TP - Xăng tăng giá từ trưa 21-2 (mùng 8 Tết). Trước đó, tỷ giá VND/USD đã được  ngân hàng điều chỉnh tăng gần sát với giá thị trường tự do. Giá vàng cũng tăng nhẹ. Những tín hiệu có vẻ lành ít, dữ nhiều của thị trường những ngày đầu năm Canh Dần!

Chưa hết, việc ba ông lớn (Tập đoàn Than&Khoáng sản - TKV, Tập đoàn Điện lực - EVN và Tập đoàn Dầu khí - PVN) vừa ngồi lại với nhau để hoàn tất đề án nhập khẩu than đệ trình Chính phủ, xem ra cũng có vẻ hung nhiều hơn cát.

Những tín hiệu kể trên, nhìn từ góc độ tích cực chưa hẳn đã lành ít dữ nhiều.

Tăng tỷ giá được coi là biện pháp để hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, giải quyết bài toán nhập siêu ngay từ đầu năm nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2010.

Xăng, vàng tăng giá là do giá thế giới tăng…xem ra không đáng ngại! Nhưng không phải không có cái lo. Lo nhất chính là gia tăng sức ép lên lạm phát khi mà doanh nghiệp sẽ phải chi phí cao hơn cho nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất.

Tuy nhiên, tỷ giá tăng đồng thời cũng là sức ép để nhà sản xuất sử dụng tối đa nguyên vật liệu sản xuất trong nước. Người tiêu dùng cũng phải cân nhắc ưu tiên dùng hàng nội địa có giá rẻ hơn.

Còn việc nhập khẩu than đã được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tính toán cho Tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ các nhà máy nhiệt điện chạy than đang xây dựng.

Theo bảng cân đối cung cầu than cho các nhà máy nhiệt điện được TKV xác nhận, đến năm 2012, sẽ thiếu 8,2 triệu tấn than và tới năm 2015, thiếu 12,8 triệu tấn.

Như vậy, để đảm bảo cho các nhà máy điện sẽ đi vào vận hành, việc nhập khẩu than từ năm 2012 là thực sự cần. Chưa kể, nếu tính cả nhu cầu của nền kinh tế và các dự án điện không do TKV, EVN và PVN đầu tư, thì lượng than nhập khẩu sẽ tăng lên mức 28 triệu tấn vào năm 2015.

Thực tế này khiến Việt Nam từ một nước xuất khẩu ròng than nhiều năm qua, sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng than trong vòng vài năm tới. Yêu cầu về tính hiệu quả của kinh tế thị trường khiến chuyện xuất cứ xuất, nhập cứ nhập  trở nên bình thường.

Song có một thực tế là, việc lâu nay khai thác và sử dụng chưa hợp lý nguồn tài nguyên than đá, là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình huống thực tế phải đối mặt này.

Môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng, nguồn tài nguyên cạn kiệt do khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô là chính. Điều đó lại chính là sự cản trở đối với tăng trưởng bền vững của đất nước, không những trong dài hạn mà cả ngắn hạn.

Tín hiệu an lành đầu năm là mong muốn của tất thảy mọi người. Song tín hiệu dữ - những khó khăn kể trên - vẫn là thực tế, có điều nó diễn biến đến mức độ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là điều hành vĩ mô.

Điều hành vĩ mô uyển chuyển, linh hoạt, tuân theo quy luật, lại có thể biến hung thành cát.

MỚI - NÓNG