Tín nhiệm của nhân dân

Tín nhiệm của nhân dân
TP - “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”, đó là điều đã được khẳng định trang trọng trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Hôm nay 24/10 , theo lịch trình Quốc hội bắt đầu tiến hành quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, bao gồm: Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Riêng 2 chức danh là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông do chưa đủ 9 tháng công tác nên Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm.

“Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”, đó là điều đã được khẳng định trang trọng trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, quyền lực của mỗi chức danh đều do nhân dân giao phó, đương nhiên quyền lực và trọng trách đó phải được người dân giám sát. Gần 500 đại biểu đại diện cho hơn 95 triệu người dân cả nước sẽ trực tiếp thể hiện sự tín nhiệm của mình với các công bộc của dân bằng hình thức bỏ phiếu kín. Đây cũng là dịp để những người được lấy phiếu tín nhiệm “soi” lại mình, từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện và cống hiến nhiều hơn nữa cho dân cho nước. Đối với những người có mức tín nhiệm thấp có thể tự nguyện từ chức hoặc bị bỏ phiếu tín nhiệm theo quy trình. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là việc làm vừa động viên, vừa mang ý nghĩa cảnh tỉnh, nhắc nhở. 

Trao đổi với báo chí, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) thẳng thắn cho rằng: “Tôi đồng ý với ý kiến, sinh mệnh chính trị của một con người, một chính khách là rất quan trọng. Nhưng tôi cũng nghĩ, hơn hết, đó là sinh mệnh quốc gia mới quyết định sự sống còn của một dân tộc. Nếu vì sinh mệnh chính trị của một người không xứng đáng mà dễ dãi, thỏa hiệp với sự đánh giá hời hợt mới chính là nguy hại”.

Còn tín nhiệm thì còn được giao trọng trách, còn chức. Hết tín nhiệm, tức là hết chức. Thế mới biết, chữ tín hay niềm tin của dân trao gửi quan trọng và quý giá biết nhường nào! Tuy nhiên, để sự đánh giá, giám sát của các ĐBQH phản ánh trúng ý kiến, nguyện vọng của đại đa số cử tri và người dân cả nước, đòi hỏi trách nhiệm rất cao của các đại biểu, biết lắng nghe ý kiến của dân, trên tinh thần khách quan, công tâm.

Để xứng đáng với niềm tin và quyền lực của nhân dân trao gửi, không chỉ có những người được lấy phiếu tín nhiệm mà cả các ĐBQH, những người đại diện cho dân để bỏ phiếu tín nhiệm, cũng đều mang nặng trọng trách trên vai.

Bởi sự tín nhiệm của các ĐBQH chính là sự tín nhiệm của nhân dân.

MỚI - NÓNG