Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Tình cảm, niềm tin yêu của nhân dân với Bác

Khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 17/5.
Khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 17/5.
TP - “Công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật, có ý nghĩa chính trị, lịch sử, nhân văn sâu sắc và là biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của nhân dân TPHCM đối với Bác”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/5.

Nơi cán bộ, đảng viên tự răn mình

Ngày 17/5, Thành ủy TPHCM long trọng tổ chức lễ khánh thành báo cáo với nhân dân và Đảng bộ thành phố về chương trình xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và dâng hoa tưởng nhớ Bác.

Tham dự buổi lễ còn có nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có chiều cao 7,2m, trong đó phần thân tượng bằng hợp kim đồng cao 4,5m, bệ tượng 2,7m được đặt tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước trụ sở HĐND và UBND TPHCM hướng ra Bến Nhà Rồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đối với miền Nam, đối với Sài Gòn, Bác Hồ luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt sâu nặng. Trong trái tim Người luôn có một miền Nam thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau; một Sài Gòn chan chứa tình thương yêu - nơi Người đã cất bước ra đi tìm đường cứu nước và luôn cháy bỏng một khát vọng được trở lại Sài Gòn, thăm lại miền Nam. Như Người đã tâm sự: “Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước, ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn, v.v... trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống và từng đến nơi, nhưng nay về nước đã bao năm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn”. Khi miền Nam còn chìm trong ách thống trị của ngoại bang và khói lửa chiến tranh, không một phút nào Bác không nghĩ đến miền Nam. Bác nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”; “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.

Tình cảm, niềm tin yêu của nhân dân với Bác ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Bác, nhân dân Nam bộ, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định đấu tranh cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng ta, vào Bác Hồ.  Bốn mươi năm đã đi qua kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, non sông thu về một mối, Bắc- Nam sum họp một nhà, cũng là ngần ấy năm Thành phố được vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu. Bốn mươi năm xây dựng và phát triển vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, chủ động, sáng tạo thực hiện đường lối đổi mới, thúc đẩy kinh tế phát triển, chăm lo đời sống nhân dân, đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, thực sự trở thành trung tâm phát triển về nhiều mặt đối với khu vực và cả nước, đóng góp ngày càng lớn cho đất nước. 

“Với truyền thống cách mạng vẻ vang, năng động, sáng tạo, đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM sẽ tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình; thực hiện tốt vai trò là đô thị đặc biệt, “vì cả nước, cùng cả nước”, thực sự là đầu tầu của vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của đảng bộ và nhân dân Thành phố, từ năm 2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã thống nhất chủ trương cho Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện với một tinh thần khẩn trương, tâm huyết, chu đáo, khoa học, công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật, như một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của nhân dân Thành phố đối với Bác Hồ trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang vừa qua và mãi mãi mai sau. Đây là một công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân Thành phố, đồng bào Nam bộ và cũng là niềm vui chung của tất cả chúng ta.

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải khẳng định, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TPHCM khẳng định tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào, đồng chí đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu.

“Đây là nơi chúng ta thể hiện lòng tôn kính Bác, là nơi chúng ta dâng hoa, báo cáo kết quả về phấn đấu, rèn luyện, thực hiện nhiệm vụ và giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng đối với mọi người, nhất là thế hệ trẻ. Là sự nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí giữ những vị trí chủ chốt của thành phố phải luôn tự soi rọi, tự sửa, tự răn mình; luôn tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu không ngừng để xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân và trọng trách mà Đảng và nhân dân giao” - ông Hải nhấn mạnh.

Ông Phan Minh Tánh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương bày tỏ: Từ đây TPHCM có một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân... Công trình nhắc nhở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên phải luôn giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thật sự gương mẫu để giáo dục thế hệ trẻ noi theo, kế tục xứng đáng sự nghiệp vĩ đại của Bác để lại.

Hội đồng nghệ thuật đã chọn mẫu phác thảo tượng đài Bác Hồ của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới và giao cơ sở đúc đồng Phương Nam (quận Thủ Đức) đúc tượng. Ông Nới cũng chính là tác giả Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn mà TPHCM tặng Thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.                               

Phạm Lê Thư

MỚI - NÓNG