Tình cảnh một cựu quân nhân bị xích chân hơn 17 năm

Tình cảnh một cựu quân nhân bị xích chân hơn 17 năm
42 tuổi đời, gần 18 năm lấy chồng nhưng hưởng hạnh phúc chỉ vỏn vẹn  4 tháng. 

Hơn 17 năm dằng dặc còn lại chị chịu nhiều khổ đau tủi nhục vì phải xích chồng vào một chỗ để đi làm mướn. Bởi chồng chị là anh Trần Văn Khích bị bệnh tâm thần.

Chúng tôi cùng Thiếu tá Nguyễn Bình, cán bộ Huyện đội Trà Ôn khá vất vả mới tìm được nhà chị Trần Thị Thủy ở ấp Đục Dông, xã Thiện Mỹ (Trà Ôn, Vĩnh Long). Đó là một người phụ nữ gầy gò, tiều tụy với đôi bàn tay chai sần, đôi bàn chân to bè sứt mẻ. 42 tuổi đời, gần 18 năm lấy chồng nhưng hưởng hạnh phúc chỉ vỏn vẹn 4 tháng. Hơn 17 năm dằng dặc còn lại chị chịu nhiều khổ đau tủi nhục vì phải xích chồng vào một chỗ để đi làm mướn. Bởi chồng chị là anh Trần Văn Khích bị bệnh tâm thần.

Giữa năm 1987, chị Trần Thị Thủy và anh Trần Văn Khích, bộ đội mới phục viên từ chiến trường K trở về, cưới nhau. Anh mồ côi cha mẹ, gia đình chị cũng nghèo nhưng họ thương yêu nhau trong sự vun vén của bà con xóm giềng. Anh chị sống tự lập trong căn nhà lá đơn sơ. 4 tháng sau, khi họ chuẩn bị có con thì anh ngã bệnh. Chị đôn đáo kiếm tiền chạy chữa cho anh nhưng bệnh không giảm mà ngày một tăng. Có 3 công đất ruộng cha mẹ cho đã phải cầm cố để lấy tiền chữa bệnh.

Khi nhà hết tiền thì anh đã thành người tâm thần hoàn toàn. Mỗi khi lên cơn, anh đập phá tan tành mọi thứ nhìn thấy, cầm cả dao, búa rượt đâm chém vợ và những người xung quanh. Rồi chị sinh nở trong điều kiện vô cùng khốn đốn. Nhiều lần, khi chị đi làm mướn, anh châm lửa đốt nhà, có lần nếu không được bà con xóm giềng cứu chữa kịp thời thì ngọn lửa đã cháy cả hai bố con.

Tình thế  bắt buộc chị phải làm cái nhà nhỏ và nhờ người xích chân anh trong đó. Hơn 17 năm trôi qua, anh Trần Văn Khích sống trong cái nhà bé xíu ấy, ngủ trên nền xi măng, giữa muỗi mòng và gió lạnh bởi mọi thứ mùng mền đều bị anh xé hết. Còn chị lo làm mướn để nuôi chồng, nuôi con gái ăn học và nuôi mình.

Chị kể trong nước mắt: “Không ruộng vườn, ai mướn gì tui làm nấy. Hôm nào không có ai mướn thì bắt ốc bươu vàng bán, ngày kiếm năm, mười nghìn đồng. Có khi tui phải xin ứng tiền trước với cơ sở thu mua ốc bươu vàng rồi bắt ốc trừ dần”. Nhờ trời, con gái anh chị biết thương ba má nên dù nghèo khổ vẫn gắng học chăm và luôn là học sinh giỏi. Hiện cháu đang học lớp 11 ở trường THPT Trà Ôn.

Chị còn luôn bị anh đánh đập những khi đến gần để chăm sóc anh. Trên người chị không biết bao nhiêu là vết sẹo do anh gây ra. Do ở trong căn nhà nhỏ nên những đêm mưa thường bị tạt ướt và muỗi nhiều, chị phải thức để chăm sóc, thay quần áo và đuổi muỗi cho anh. Chúng tôi hỏi:

- Hoàn cảnh như thế này, chị đã nhờ địa phương hoặc đơn vị cũ của anh và các cơ quan chính sách giúp đỡ lần nào chưa?

Chi Thủy trả lời:

- Tôi có biết đường ra ngõ vô gì đâu. Hơn nữa, giấy tờ đã bị ảnh đốt sạch rồi. Hiện nay, chỉ còn lại độc nhất có quyết định phục viên và 1 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 3, do để nhà anh trai nên không bị đốt.

Chị đưa cho chúng tôi xem quyết định phục viên ký ngày 1/7/1987 của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31, Sư đoàn 309, Mặt trận 479. Chức vụ lúc anh phục viên là Trung đội phó, cấp bậc thượng sĩ .

Chúng tôi tìm gặp được một người cùng đơn vị với anh Khích hồi ở chiến trường K là ông Nguyễn Văn Son hiện làm Bí thư chi bộ ấp Vĩnh Khánh 2, xã Vĩnh Xuân, cùng ở huyện Trà Ôn. Ông Son cho biết:

- Tôi và anh Khích chơi rất thân với nhau, chuyện gì chúng tôi cũng tâm sự cho nhau nghe. Có một chuyện không biết đó có phải là nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh thần kinh của anh Khích hay không? Hồi ở chiến trường, trong một lần đi đốn cây về làm lán trại, anh bị cây tre đánh vào trán, đến nay vẫn thấy sẹo. Hôm đi khám sức khỏe để làm thủ tục phục viên, về đến đơn vị anh buồn rầu đưa cho tôi xem sổ khám sức khỏe và nói: “Khi mình đi không có gì, nay về mang bệnh tật nên tao buồn lắm”. Lướt qua sổ khám sức khỏe của anh, tôi thấy có câu: “Có triệu chứng thần kinh”. Rồi thời gian trôi đi, mới năm rồi tôi mới hay anh đã bị điên.

Chứng kiến hoàn cảnh của vợ chồng cựu chiến binh Trần Văn Khích – Trần Thị Thủy, chúng tôi vô cùng xúc động. Hy vọng tới đây các ngành, các cấp sẽ quan tâm tới gia đình này, nhất là anh Khích để có biện pháp giúp đỡ về kinh tế cũng như chữa bệnh, giúp gia đình người cựu chiến binh vượt qua khốn khó.

Vĩnh Long ngày 3/3/2005

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.