Tính dùng cần cẩu để xử xe đầu kéo 'nằm vạ' trạm cân

Đỗ xe ở trạm cân phản đối kết quả.
Đỗ xe ở trạm cân phản đối kết quả.
TPO - Tối 7/3, ông Đỗ Nguyên Đức, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bình Định trực tiếp có mặt tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên QL 1 thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định, để chỉ đạo xử lý vụ xe đầu kéo dừng xe, "nằm vạ" ở trạm cân để phản đối kết quả.

Ông Đức cho biết, sự việc kéo dài từ 21h ngày 6/3 nhưng qua làm việc, hai bên vẫn tới thống nhất. Tài xế vẫn không cho xe ra khỏi khu vực trạm cân gây cản trở đến hoạt động tại trạm.

“Sáng 8/3, chúng tôi sẽ mời tài xế làm việc lần nữa. Nếu tài xế vẫn không đưa xe ra khỏi trạm, chúng tôi sẽ cưỡng chế, bố trí cẩu để đưa xe ra, giải phóng cho trạm cân, không thể để xe ngang nhiên chặn trạm cân hoạt động, cố tình cản trở hoạt động. Đồng thời xử lý theo quy định pháp luật, ai sai tới đâu xử lý tới đó. Trạm cân mới kiểm định ngày 13/10/2015 do tổng Cục đo lường chất lượng – Bộ GTVT kiểm định, đủ điều kiện hoạt động", ông Đức nói.

Trước đó, khoảng 21h20 ngày 6/3, tổ công tác tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên QL 1 (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định) phát hiện xe đầu kéo BKS: 86H-4139 kéo theo đầu mooc 51R:003.06 tài xế Lê Thành Nghiệp (35 tuổi, ở thị trấn Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có dấu hiệu quá tải nên phát lệnh cho tài xế đưa xe vào kiểm tra.

Kết quả, tổng trọng lượng của xe (đã trừ sai số) là 49,7 tấn, vượt quá tải trọng 6,093 tấn, chở hàng vượt quá tải trọng thiết kế là 20%. Cán bộ trạm cân tiến hành lập biên bản yêu cầu tài xế ký, nộp phạt để tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, do không đồng ý với kết quả trên, tài xế xe đầu kéo đóng cửa, đỗ xe tại chỗ khiến trạm cân bị tê liệt nhiều giờ.

Tính dùng cần cẩu để xử xe đầu kéo 'nằm vạ' trạm cân ảnh 1

Xe đầu kéo"nằm vạ" gây tê liệt trạm cân. Ảnh: Zing

Theo tài xế Nghiệp, xe được phép chở 30,5 tấn, cộng 10% theo quy định nên xe được phép chở 33,5 tấn. Nếu trừ đi công hàng 5 tấn (tính cùng hàng hóa) xe được phép chở 28,5 tấn, trong khi xe chỉ chở 28 tấn thì không vượt tải hơn 6 tấn. 

“Xe bốc hàng chuyển kho từ tỉnh Ninh Bình về Tây Nguyên chở 28 tấn phân bón, số lượng còn nguyên trên xe. Tôi đi qua nhiều trạm, trong đó tại trạm cân lưu động ở Thừa Thiên Huế, xe vượt tải trọng chỉ 70kg nên lực lượng chức năng cho phép xe lưu thông. Khi xe đi qua các trạm thu phí ở các tỉnh có bàn cân điện tử, tôi để ý trọng tải xe chỉ 44,7 - 45 tấn. Thế nhưng, khi đến trạm cân này thì xe cân lên đến 51,77 tấn, xe vượt tải trọng hơn 6 tấn.

Chủ xe nói nếu tôi ký vào biên bản thì tự tôi phải trả số tiền phạt. Cực chẳng đã mới phải ở 2 đêm ngoài đường thế này” – tài xế Nghiệp nói.

MỚI - NÓNG