Tỉnh giàu vẫn chờ xin ngân sách hỗ trợ nhà ở người có công

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.
TPO - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng không hài lòng vì nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công với cách mạng chủ yếu phải trông vào ngân sách Trung ương. Đặc biệt, có những tỉnh giàu, có nguồn vượt thu rất lớn cũng vẫn chờ xin Trung ương cấp vốn.

Ngày 26/5, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết việc thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở với người có công theo Quyết định số 22 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, đến hết 15/5/2017, tổng số hộ cần được hỗ trợ theo thống kê là xấp xỉ 380.000 hộ, trong đó 177.000 hộ cần xây mới và 202 nghìn hộ sửa chữa, cải tạo.

Bộ trưởng Xây dựng cũng cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, UB  Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến với Chính phủ, đồng ý bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó có phần dành để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trong trường hợp số kinh phí 7.300 tỷ đồng đã được cấp vẫn thiếu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công dù đã huy động nhiều nguồn lực nhưng vốn đầu tư vẫn phải dựa chủ yếu vào ngân sách, vốn huy động trong xã hội không nhiều. Lãnh đạo Chính phủ cho rằng đó là một điểm hạn chế lớn, nhất là những địa phương giàu, có nguồn vượt thu rất lớn mà vẫn chờ Trung ương cấp vốn lo. Ông Dũng phê bình 10 tỉnh thành thuộc diện đó.

Phó Thủ tướng tỏ ý chưa hài lòng về khâu hỗ trợ kỹ thuật để có được những mẫu nhà với kiến trúc phù hợp giúp định lượng cụ thể, nâng cao hiệu quả, chất lượng hỗ trợ cho người dân. Vì thế, hầu hết các công trình người dân vẫn phải tự làm, chưa thấy bàn tay của người làm quản lý về xây dựng kiến trúc tham gia.

“Có 10 đối tượng thuộc nhóm được hỗ trợ nhà ở xã hội, trong đó, người có công là nhóm số một. Hỗ trợ nhà ở cho người có công, theo đó, là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị và cả xã hội. Việc phát triển nhà ở cho những gia đình này không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn về kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu về cải thiện nhà ở cho người dân, quyền có chỗ ở của người dân đã thể hiện trong Hiến pháp 2013” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời yêu cầu đảm bảo tính công khai minh bạch, chống tiêu cực thất thoát trong quá trình thực hiện chính sách.

MỚI - NÓNG