Tình người nơi viễn xứ

Hoàng Phượng trong một lớp dạy tiếng Việt tại Đài Loan.
Hoàng Phượng trong một lớp dạy tiếng Việt tại Đài Loan.
TP - Họ là các cô dâu Việt tại Đài Loan. Mỗi người mỗi cảnh nhưng đã tìm đến nhau để cuộc làm dâu nơi xứ người bớt cô quạnh, giúp nhau để cuộc sống tốt lên, hình ảnh người Việt nói riêng và các cô dâu nhập cư nói chung cũng đẹp hơn trong con mắt của cộng đồng địa phương.

Trần Thị Hoàng Phượng  là Chủ tịch Hiệp hội Kế thừa Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Người nhập cư tại Đài Loan. Phượng người gốc Huế học Đại học Luật TPHCM, làm việc cho một công ty Đài Loan tại Sài Gòn rồi kết hôn với một người Đài Loan. Ban đầu, hai vợ chồng định sẽ ở Việt Nam nhưng rồi do hoàn cảnh, năm 2004 cả gia đình về Đài Loan sinh sống. Phượng cho biết trước khi đến Đài Loan, chị không nghĩ gì nhiều về cuộc sống tại quê chồng, đối với chị thì chỉ đơn giản là “chồng ở đâu, nhà ở đó”, chị dự định toàn tâm toàn ý làm tốt công việc của người nội trợ. Nhưng thực tế đã không như chị nghĩ. Phượng đã chứng kiến sự kỳ thị của một số người bản địa với những người nhập cư và thế hệ thứ hai. “Tôi xem báo thấy có chị em nhập cư đã phải dắt con tự vẫn do không thông hiểu nhau mà cảm thấy đau lòng”- Phượng kể.

Làm dâu xa xứ

Đoàn Nhã Phương cũng gặp hoàn cảnh tương tự như Phượng. Tốt nghiệp đại học khoa tiếng Trung tại Việt Nam, sang Đài Loan làm luận án cao học rồi lấy một người đàn ông Đài Loan. Phương kể: “Ban đầu em tưởng mình biết tiếng Trung thì việc về làm dâu sẽ không gặp khó khăn gì. Nhưng khi sống chung với gia đình chồng, em mới ngỡ ngàng vì khó khăn hơn rất nhiều so với hình dung của mình. Khác biệt về cách sống, về văn hóa và cả lối suy nghĩ đã khiến em khủng hoảng một thời gian dài. Em đã từng tính sẽ bỏ về Việt Nam để làm lại từ đầu”. 

So với Phượng và Phương, Đinh Thị Dung còn khó khăn hơn nhiều. Sang làm dâu xứ người mà  không hề biết chút tiếng Trung nào. Ngôn ngữ bất đồng, cách sinh hoạt có nhiều khác biệt, cuộc sống của Dung trở nên bi kịch. Nói chuyện với gia đình chồng toàn bằng tay, có khi nói A nhưng người nhà chồng lại hiểu B, rồi những va vấp với gia đình chồng đã khiến cho Dung cảm thấy cuộc sống dần đi vào bế tắc. Sống với gia đình chồng mấy năm trời mà Dung vẫn chưa hòa đồng được với mọi người. “Tôi luôn có cảm giác xa lạ, rồi mình làm gì hình như cũng bị mọi người nhìn vào, đánh giá mình bằng ngôn ngữ của họ. Mệt mỏi lắm!”.

Phượng thừa nhận thời gian ban đầu tới Đài Loan, chị cũng đã gặp khủng hoảng khi thấy những câu chuyện, hình ảnh về cuộc sống của chị em đồng hương. “Họ bị kỳ thị, bị khinh rẻ. Một xã hội Đài Loan vốn rất văn minh sao lại có chuyện đó xảy ra? Tại ai? Những cô gái Việt vốn chăm chỉ đảm đang là thế, rất nhiều cô có học hành tử tế mà sao khi làm dâu ở xứ này lại bị như thế này?”- Phượng đã tự vấn như thế và chị bắt đầu tìm hiểu.

Chị đăng ký vào làm tình nguyện viên phiên dịch cho phòng khám dành cho người nhập cư tại một bệnh viện. “Y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà đều cần đến tôi, và từ đó tôi đã quen biết rất nhiều người để có cơ hội tìm hiểu cuộc sống của họ”, Phượng nói. Để cải thiện vấn đề trao đổi giữa chị em với người Đài Loan, Phượng đã mở lớp dạy tiếng Trung cho người nhập cư tại Đại học cộng đồng Zhongshan, thành phố Đài Bắc. Lớp học đã thu hút hàng trăm người, thậm chí có những người Đài Loan có con dâu là người Việt còn đề nghị Phượng mở lớp dạy tiếng Việt để họ gần gũi hơn với con dâu. Đó là lý do năm 2003, Phượng mở lớp dạy tiếng Việt tại Đại học cộng đồng Đài Loan, sau đó là tại Đại học Chính trị và Trung tâm Giáo dục Quản lý Xí nghiệp và Hành chính Công cộng…

Tình người nơi viễn xứ ảnh 1 Trần Thị Hoàng Phượng (trái) nhận quyết định bổ nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban chuyên trách vấn đề nhập cư do bà Thái Anh Văn - người đứng đầu chính quyền Đài Loan trực tiếp trao.

Hiểu người qua ngôn ngữ

Phượng nói khi chị bắt tay vào mở các lớp dạy tiếng Trung, tiếng Việt thì ở Đài Loan cũng có nhiều tổ chức trợ giúp cô dâu Việt, giải cứu cô dâu Việt gặp khó khăn. Nhưng Phượng không muốn xây dựng tổ chức của mình như thế. “Tôi không thể thay đổi người khác, trừ phi họ tự thay đổi cách nghĩ, tôi hy vọng thông qua dạy học, qua ngôn ngữ, họ hiểu biết Việt Nam cũng như cô dâu Việt hiểu về Đài Loan”, Hoàng Phượng nói.  

Mong muốn phát triển mô hình dạy tiếng Việt, Hoàng Phượng đã chọn hình thức thông qua truyền thông. Chị tìm đến các đài truyền hình và cuối cùng Đài Giáo dục văn hóa của Công ty truyền hình Trung Hoa CTS đồng ý cung cấp kênh cho chị, nhưng vốn và nhân lực thì chị phải tự gánh lấy. Thế là Phượng lại tiếp tục hành trình đi tìm kinh phí. Chị còn kiêm cả công việc dựng nội dung. Chị lấy thu nhập qua việc dạy học đầu tư thực hiện tiết mục, tự biên soạn chương trình “Tiếng Việt càng nói càng hay”, “Mỗi ngày một câu tiếng Việt”. Phượng cố công suy nghĩ làm sao để mọi người có thể học tiếng Việt dễ dàng và thoải mái. Chương trình của Hoàng Phượng đã trở thành một trong những chương trình được yêu thích tại Đài Loan.

Năm 2013, Hoàng Phượng kêu gọi học sinh và các cô dâu nhập cư thành lập Hiệp hội Xúc tiến Kế thừa Văn hóa Di dân mới. Lời kêu gọi của Phượng đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều chị em người Việt khắp Đài Loan. Từ những phụ nữ nội trợ, những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cho tới cả những du học sinh, hàng trăm lá thư, hàng ngàn comment được gửi tới Hoàng Phượng. “Khi xây dựng ý tưởng, tôi hoàn toàn không nghĩ sẽ có nhiều người tham gia. Nhưng nhiều lá thư gửi tới cho tôi chia sẻ, họ muốn có một nơi sinh hoạt cộng đồng để được nói tiếng Việt với nhau, được trao đổi kinh nghiệm cũng như được sống trong không khí Việt Nam.

Trong lời kêu gọi được gửi đi khắp Đài Loan, Hoàng Phượng đã nói rõ tôn chỉ của Hiệp hội : “Người Việt chúng tôi có tuổi thanh xuân, trí tuệ và lòng dũng cảm, chúng tôi cũng tin rằng Đài Loan là một nơi có thể thực hiện lý tưởng, vì vậy chúng tôi đồng ý dùng thời gian và sự nỗ lực không ngừng để chứng minh chúng tôi có thể xây dựng hạnh phúc cho riêng mình và cho cả gia đình, đồng thời chúng tôi cũng sẽ đem đến ảnh hưởng tích cực và chính diện cho xã hội, để cho Đài Loan càng trở nên tốt đẹp”.

Tháng 2/2014, Hiệp hội Xúc tiến Kế thừa Văn hóa Di dân mới được thành lập tại Thư viện Đài Loan. Hoàng Phượng kể: “Đây là lần đầu tiên người Việt chúng tôi có được sân khấu của riêng mình, bất kể là người biểu diễn hay khán giả đều rất phấn khởi”.

Sau hơn 3 năm thành lập, Hiệp hội đã trở thành nơi đến của những cô dâu Việt tại Đài Loan, thu hút rất nhiều người Đài Loan cùng tham gia. Theo Hoàng Phượng, hoạt động của Hiệp hội đã khiến nhiều người Đài Loan hiểu rõ hơn và có cái nhìn bao dung hơn đối với nền văn hóa Việt Nam, tạo môi trường sống tốt hơn cho người nhập cư”.

Trần Ngọc Thủy - thành viên Hiệp hội kể cô đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động. Bức thư của một nữ tù nhân người Việt tại Đài Loan nói chị đã khóc trong tù vì lần đầu tiên được xem một chương trình truyền hình bằng tiếng Việt, chị cảm thấy vẫn còn có sự đồng hành của đồng hương trong những ngày ở tù. Như một ông chồng người Đài Loan từng tới Hiệp hội than phiền vì cô vợ người Việt của anh ta rất thích thêm nước mắm khi nấu các món ăn. Nhưng sau một thời gian được sự tư vấn của Hiệp hội, anh cũng thừa nhận nước mắm ăn ngon. “Nhưng vui nhất là thông qua Hiệp hội, nhiều chị em đã được học tiếng Trung, có được việc làm ổn định. Nhiều cô dâu đã được gia đình chồng quý mến, tin cậy. Và nhiều gia đình cũng đồng ý cho cháu mình đi học tiếng Việt để chúng không quên cội nguồn quê mẹ”, Thủy cho biết.

Đến nay, Hiệp hội đã có 12 chi hội khắp Đài Loan. Chính quyền Đài Loan cũng chấp nhận đề nghị của Hiệp hội, đưa tiếng Việt trở thành ngoại ngữ được giảng dạy tại các trường phổ thông từ năm 2018. Riêng Hoàng Phượng được trao giải Kim Chung dành cho những nỗ lực trong các hoạt động văn hóa giáo dục tại Đài Loan. Đầu năm 2017, Hoàng Phượng đã được bà Thái Anh Văn, người đứng đầu chính quyền Đài Loan bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban chuyên trách vấn đề nhập cư. Ủy ban chuyên trách bao gồm 12 thành viên đại diện cho nhiều quốc gia có cư dân mới tại Đài Loan.

Phượng thừa nhận thời gian ban đầu tới Đài Loan, chị cũng đã gặp khủng hoảng khi thấy những câu chuyện, hình ảnh về cuộc sống của chị em đồng hương. “Họ bị kỳ thị, bị khinh rẻ. Một xã hội Đài Loan vốn rất văn minh sao lại có chuyện đó xảy ra? Tại ai? Những cô gái Việt vốn chăm chỉ đảm đang là thế, rất nhiều cô có học hành tử tế mà sao khi làm dâu ở xứ này lại bị như thế này?”- Phượng đã tự vấn như thế và chị bắt đầu tìm hiểu.

Theo số liệu tại Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TPHCM, tính tới đầu năm 2017, tại Đài Loan có khoảng 360 ngàn người gốc Việt đang sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 180 ngàn cô dâu, đứng đầu về tỷ lệ cô dâu nước ngoài (40,7%).

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.