Tỉnh quyết, xã ngơ ngác

Tỉnh quyết, xã ngơ ngác
TP - UBND tỉnh TT- Huế vừa quyết định cho tận thu hàng chục héc ta rừng trồng bằng vốn khắc phục lũ lụt và các nguồn đầu tư khác từ ngân sách. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều xã đã ngơ ngác lắc đầu trước quyết định của tỉnh, vì địa phương chưa hề triển khai trồng loại rừng có ý nghĩa phục hồi sinh kế sau thiên tai như vậy.

Từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh TT- Huế, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh liên tục ban hành các văn bản liên quan tận thu rừng trồng (từ 8-10 năm về trước) tại huyện Phú Lộc, với tổng diện tích 62,9 ha. Đây là rừng trồng khắc phục hậu quả lũ lụt bằng vốn ngân sách của tỉnh từ năm 1999 đến 2002, do Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Qua quá trình rà soát hồ sơ của cơ quan chuyên môn, số diện tích rừng có sản phẩm để khai thác là 35,2 ha, thuộc ba xã Lộc Bình, Lộc Sơn, Lộc Trì. Hơn 27 ha còn lại (trong tổng số 62,9ha) do có ít hoặc không còn sản phẩm nên tỉnh chỉ đạo cho phép dân tận thu và nhận lại đất để cải thiện sinh kế mà không phải nộp tỷ lệ phần trăm ăn chia theo quy định.

Các quyết định của tỉnh đã xác định rất chi tiết số diện tích rừng được tận thu và chỉ đạo giao lại đất cho dân trồng mới sau khi hoàn thành khai thác. Cụ thể, xã Lộc Sơn có 8,7ha, Lộc Trì 21,4ha, Lộc Bình 5,1ha.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ xã Lộc Bình là có dân địa phương tham gia trồng rừng khắc phục hậu quả lũ lụt nên được nhận lại đất để trồng mới. Hồ sơ lưu trữ tại UBND xã thể hiện đầy đủ, cụ thể số hộ tham gia và nhận tiền hỗ trợ trồng rừng cách đây 10 năm.

Còn tại Lộc Trì và Lộc Sơn, đại diện lãnh đạo địa phương khẳng định, xã chưa từng triển khai trồng rừng theo chương trình vốn ngân sách hỗ trợ khắc phục lũ lụt trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2002.

Khi phóng viên trưng ra các hồ sơ, văn bản liên quan chủ trương tận thu rừng trồng và giao lại đất cho dân của tỉnh, ông Võ Công Nhơn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn, lắc đầu: "Xã tôi không triển khai chương trình trồng rừng này. Tôi làm việc tại địa phương đã hơn 10 năm nên biết rõ".

MỚI - NÓNG