Tính tiền nước: 1 tháng = 50 ngày

Tính tiền nước: 1 tháng = 50 ngày
Nhiều người dân ở đường Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò Vấp, TPHCM sau khi nhận được giấy báo và đi nộp tiền nước kỳ 1/2006, đã rất ngạc nhiên khi xem hóa đơn thu tiền: kỳ 1/2006 dài tới... 50 ngày!
Tính tiền nước: 1 tháng = 50 ngày ảnh 1

Theo quy định về cung cấp sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn TPHCM ban hành theo Quyết định 146/2003/QĐ-UB ngày 13/8/2003 của UBND TP, thì việc ghi chỉ số đồng hồ nước của mỗi kỳ thanh toán phải được thực hiện mỗi tháng một lần, khoảng cách giữa mỗi kỳ hóa đơn là 30 ngày.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì tại kỳ 1/2006, giấy báo tiền nước và hóa đơn tiền nước của các hộ dân trên đường Nguyễn Oanh, phường 7, có khoảng cách giữa kỳ hóa đơn trước (liền kề) kéo dài đến 50 ngày (29/11/2005 đến 18/1/2006)!

Ông Nguyễn Khánh Linh, người thuê nhà số 124 Nguyễn Oanh để kinh doanh mặt hàng đồ gỗ, cho biết: “Thời gian của các kỳ hóa đơn trước, đều có khoảng cách là 30 ngày. Vì vậy số nước tiêu thụ ngoài định mức (NĐM) của gia đình tôi chỉ từ 10-13 m3/tháng.

Nhưng kỳ 1/2006, thời gian giữa kỳ trước và kỳ sau quá dài nên mức tiêu thụ NĐM của nhà tôi (4 người) tăng đến 36 m3”.

Không riêng gì hộ ông Linh có mức tiêu thụ NĐM khá cao, mà nhà số 112, lượng nước NĐM trong kỳ 1/2006 cũng lên tới... 51 m3! Hay nhà số 116 Nguyễn Oanh, trong giấy báo tiền nước của kỳ 11-2005, lượng nước tiêu thụ NĐM không có, đến kỳ 12/2005, tiêu thụ NĐM chỉ 4 m3.

Nhưng vì sự kéo dài thời gian trên hóa đơn tính tiền nước nên kỳ 1/2006, lượng nước tiêu thụ NĐM của gia đình này lên tới 19 m3!

Tiền nước “ngoài định mức” là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Khánh Linh nói: “Với cách ghi chỉ số nước của Chi nhánh Cấp nước Gia Định, thì trong 3 tháng người dân phải trả 2 kỳ hóa đơn tiền nước (trong khi nếu theo quy định thì 3 tháng trả 3 lần), khiến lượng nước tiêu thụ NĐM bị tăng lên và số tiền phải nộp cũng tăng theo một cách vô lý”.

Chỉ cần làm một phép tính đơn giản: Dùng phương pháp giả định (tính trung bình cộng lượng nước mà khách hàng sử dụng trong 3 kỳ hóa đơn liền trước đó) để tính thì mỗi tháng lượng nước tiêu thụ NĐM của gia đình ông Linh chỉ đến 11 m3.

Nhưng với cách kéo dãn thời gian ra xa đến 50 ngày, lượng nước sử dụng “NĐM”mà ông Linh “bị” tăng đến 25 m3 (từ 11 m3 lên tới 36 m3)!

Như vậy, cứ mỗi 1 m3 nước tiêu thụ NĐM, người dân phải trả giá cao là 8.000 đồng (so với 2.700 đồng/m3 hoặc 5.400 đồng/m3). Với “kiểu” kéo dài thời gian kỳ hóa đơn 1/2006, chỉ riêng các hộ dân sống trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, phải nộp số tiền do tiêu thụ nước “NĐM” đã lên tới con số hàng triệu đồng!

Và như vậy, tổng số tiền nước “NĐM” mà người dân sống trên địa bàn do Chi nhánh Cấp nước Gia Định quản lý, phải nộp trong kỳ 1-2006 nếu cũng bị tính theo cách nói trên thì sẽ là bao nhiêu triệu đồng? Số tiền này đi về đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm về sai sót này?

Theo Tân Tiến
NLĐ

MỚI - NÓNG