Chính phủ họp bàn giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2008:

Tình trạng tham nhũng còn rất nghiêm trọng

Tình trạng tham nhũng còn rất nghiêm trọng
Kết luận Hội nghị của Chính phủ bàn về giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đưa ra một số giải pháp quan trọng cho các cấp để đẩy lùi tình trạng tham nhũng, được đánh giá còn nghiêm trọng.
Tình trạng tham nhũng còn rất nghiêm trọng ảnh 1
Bộ ba nguyên bí thư, chủ tịch và phó phòng quản lý đô thị quận Gò Vấp (TPHCM) tại phiên tòa phúc thẩm vụ tham nhũng đất đai  Ảnh: vnn

20 ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương bày tỏ sự đồng tình với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội năm 2008. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã chỉ ra, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính đang cản trở sự tăng trưởng.

Thiếu hạ tầng, nhân lực trầm trọng

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nêu tình trạng xuống cấp và quá tải cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông, ô nhiễm, khan hiếm nguồn nhân lực cao. Tình trạng này đang gây bức xúc cho người dân thành phố nhất là nạn kẹt xe, ngập nước.

“Chính phủ cần tạo điều kiện phân bổ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng để TPHCM giải quyết các vấn nạn trên”- Ông Tài kiến nghị.

Đại diện TP Đà Nẵng, đại diện tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên - Huế... đều “kêu” về nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển. Hạ tầng giao thông yếu kém thực sự đang là vật cản của sự tăng trưởng.

Đại biểu tỉnh Đồng Nai cho hay, tỉnh này thu hút được trên 2,2 tỷ USD trong năm 2007 nhưng việc triển khai sẽ khó khăn do thiếu nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cung cấp điện. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với quan điểm của các địa phương và cho biết: Năm 2008, Chính phủ sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư xây dựng cơ bản đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng giao thông. Bên cạnh các nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, Nhà nước cũng có nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng.

Phân cấp nửa vời

Minh chứng rõ nét nhất về thủ tục hành chính rườm rà là việc giải ngân các dự án chậm trễ kéo lùi tốc độ tăng trưởng. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Ngọc Thiện đặt câu hỏi: Bất cập về XDCB năm  nào cũng vậy, vì thế nên tìm giải pháp sâu xa. Cơ chế hiện nay là “nhà nhà làm chủ đầu tư, người người làm chủ đầu tư”.

Đặc biệt có người cả đời mới làm chủ đầu tư một lần, vậy thử hỏi họ sẽ nắm bắt thủ tục, quy trình đầu tư ra sao? Hay một ông hiệu trưởng trường cấp I lại đi phê duyệt dự án... Đó là nguyên nhân chậm trễ trong thực hiện  các dự án.  Vì lẽ đó, chúng ta cần nghiên cứu lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông Đặng Đức Yến thẳng thắn: “Có nhiều cái Chính phủ điều hành cũng chậm”. Đại biểu Yến đưa ra nhiều ví dụ về sự chậm trễ trong việc ban hành các nghị quyết, nghị định, chỉ đạo ban hành thông tư của Chính phủ. 

“Việc sắp xếp bộ máy cơ sở ở địa phương theo mô hình mới của các bộ, ngành T.Ư đến nay địa phương vẫn chờ nghị định. Hơn thế, trong văn bản gửi địa phương còn có câu: Cần thông qua HĐND, mà HĐND đã họp rồi. Chẳng lẽ để đến tháng 7 sang năm chúng tôi mới ổn định được tổ chức?”- Ông Yến bức xúc.

Trong khi đó có nhiều việc, bộ lại nhúng tay quá sâu xuống địa phương như việc khai thác 30.000 m3 gỗ, bộ chia cho địa phương 14.000 \m3, Cty Lâm sản 8.000 m3, và bộ giữ 8.000 m3. Và rồi lại bán tại địa phương.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề cập đến việc phân cấp nửa vời. “Nhiều vấn đề phân cấp cho địa phương rồi, nhưng mỗi khi làm lại phải chạy lên hỏi T.Ư. Đã phân cấp, cần phân cấp đến cùng”- Ông Thảo đặt vấn đề.

Bên cạnh những tham luận về phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lại đề cập đến một số “mặt trái” của bức tranh kinh tế, xã hội: Thứ nhất, hiện nay cả nước có 166.291 người nghiện ma túy. Trên thực tế còn cao hơn nhiều. 1 năm cả nước đốt khoảng 3.500 tỷ đồng vào ma tuý.  

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nêu vấn đề khiếu nại, tố cáo còn nhiều. “Chúng ta phải đặt câu hỏi: Vì sao họ đi khiếu kiện 5 năm, 10 năm, 15 năm. Liệu các cấp chính quyền đã làm hết lương tâm, trách nhiệm của mình?"

Vấn đề thứ ba là tham nhũng, theo Phó Thủ tướng tình trạng tham nhũng còn rất nghiêm trọng, chỉ đạo của Chính phủ là năm 2008 phải  tạo được đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng.

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2008 không được tăng quá 9%

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2008 và yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện.

1- Phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 9%. Kiểm soát giá cả không được tăng quá 9%. Trong đó xuất khẩu tăng 22% với các mặt hàng chủ lực: Dệt may (9,5 tỷ); dầu khí (9 tỷ USD); Giày dép (trên 4 tỷ USD); Điện tử (3,5 tỷ USD); Gỗ chế biến (3 tỷ USD)...

2- Phấn đấu chăm lo cho người làm công ăn lương, người nghèo, giảm hộ nghèo 3%.

3- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư xây dựng cơ bản và đào tạo nguồn nhân lực.

4- Cải cách hành chính, tập trung cải cách thủ tục hành chính. Tập trung vào lĩnh vực đất đai để sửa Luật Đất đai, việc lập và phá sản doanh nghiệp, chính sách thuế.

5- Tham nhũng còn nghiêm trọng. Một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải quyết liệt gương mẫu. Tăng cường lực lượng chuyên trách như  CA, tòa án, VKSND, ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng để cùng cố gắng  “từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng”.

MỚI - NÓNG