TKV và những quyết định giật lùi - Kỳ 2

TKV và những quyết định giật lùi - Kỳ 2
TP - TKV đã sáng tạo ra các văn bản quản lý mới, theo hướng chỉ tập trung vào công tác điều hành, còn công tác quản lý (đặc biệt là quản lý chiến lược, quản lý công nghệ kỹ thuật cơ bản) hầu như không còn.

>> Kỳ 1 - Công tác tổ chức: thiếu bài bản, thừa ngẫu hứng

Sau khi Bộ Năng lượng không còn thực hiện chức năng quản lý kinh doanh, nề nếp quản lý của Bộ Năng lượng trước đây đã bị xóa bỏ.

TKV và những quyết định giật lùi - Kỳ 2 ảnh 1
Tại hầm lò Cty Than Vàng Danh - TKV - Ảnh: P.V

Là một tập đoàn công nghiệp nhà nước trong lĩnh vực khai khoáng, nhưng TKV lại buông lỏng công tác quản lý tài nguyên, không tuân thủ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt (như được chỉ ra trong Báo cáo về “Tình hình quản lý khai thác, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” của Vụ I thuộc Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng).

Lỗ hổng

Kế hoạch hóa (công cụ chủ yếu của quản lý) đã bị thay đổi không phải để phù hợp với cơ chế thị trường, mà để giống như của một công ty mà các cán bộ quản lý đã quen làm trước khi về tổng công ty.

Kế hoạch dài hạn không được quan tâm, kế hoạch hằng năm thường xuyên điều chỉnh và điều chỉnh vào cuối tháng 12. Chức năng của công tác kế hoạch hóa đã biến thành chức năng chia phần. Thuộc tính cơ bản của kế hoạch là “có cơ sở”, “cân đối”, và “tiên tiến”, từ lâu bị bỏ qua.

Công tác thống kê bị thả nổi, trong đó, nguy hiểm nhất là thống kê kỹ thuật mỏ. Đây là kẽ hở lớn trong quản lý kỹ thuật, dẫn đến khả năng gian lận trong hạch toán chi phí sản xuất (hàng nghìn tỷ đồng/năm) và làm sai lệch các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật quan trọng như phẩm cấp than, khối lượng bốc đất, khối lượng đào lò, hệ số bốc đất, hệ số mét lò, tiêu hao vật tư (sắt chống lò, xăng, dầu, gỗ lò, thuốc nổ) làm cho giá thành than bị đội lên không kiểm soát nổi.

Cán bộ chủ chốt của TKV đôi khi còn tỏ ra rất bị hổng kiến thức cơ bản về kỹ thuật mỏ, nhất là về an toàn mỏ, và công nghệ khai thác mỏ hầm lò.

Đoàn thanh tra an toàn do đích thân Chủ tịch HĐQT (khóa II) và Trưởng ban An toàn của TKV dẫn đầu, trực tiếp thanh tra mỏ Khe Chàm nhưng cũng không phát hiện ra một vi phạm rất nghiêm trọng trong một lò chợ cơ giới hoá, mặc dù sự vi phạm này trắng trợn đến mức được phát hiện qua một bài báo trên chính tạp chí của TKV.

Kiến thức ấu trĩ về an toàn mỏ thể hiện ngay trên cả tạp chí - cơ quan ngôn luận của TKV đã công khai đăng cả ảnh TGĐ Tập đoàn (khóa I) vi phạm quy định về an toàn trong mỏ than hầm lò.

Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người hàng loạt do bục nước sập lò gần đây nhất (tháng 10/2009) tại mỏ than Thành Công vẫn cho thấy sự lúng túng, thiếu thông tin và kém chuyên nghiệp của lãnh đạo trong việc nhận dạng nguyên nhân và xử lý tình huống.

Việc “đi trước thời đại” của TGĐ (khóa I), cho công nhân mỏ nghỉ ngày thứ bảy, nhưng lại không am hiểu về khâu tổ chức sản xuất mỏ hầm lò (giảm giờ làm việc trong tuần của công nhân chứ không được giảm ngày làm việc của mỏ) là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn nổ khí mê tan làm chết 18 công nhân ở mỏ Mạo Khê. Lãnh đạo TKV công khai coi việc tăng mét lò chuẩn bị sản xuất là thành tích.

TKV và những quyết định giật lùi - Kỳ 2 ảnh 2
Khai thác than tại mỏ lộ thiên ở Quảng Ninh - Ảnh: Thành Duy

Gần đây, TKV có chủ trương yêu cầu các mỏ ưu tiên chỉ định thầu, mua đắt, lắp nhanh (thậm chí lắp nhiều) các hệ thống cảnh báo khí mêtan như một giải pháp quan trọng để khắc phục các vụ tai nạn nổ khí.

Đây chỉ là giải pháp do những người cơ hội đề xuất, lợi dụng tính mạng của công nhân mỏ để tiêu tiền, không quan tâm đến (hoặc không đủ trình độ để được) nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn nổ khí mêtan gây chết người là kỹ thuật về thông gió bị vi phạm.

Kiến thức cơ bản về công nghệ khai thác hầm lò rất thấp thể hiện rõ nét nhất trong dự án cơ giới hoá lò chợ bằng giàn chống VINAALTA ở mỏ Vàng Danh.

Thiết bị được mua với giá đắt nhất thế giới (hơn 11 triệu USD cho một lò chợ có chiều dài 120m), vị trí triển khai được chọn tốt nhất mỏ, nhưng năng suất chưa bằng một lò chợ thủ công.

Nguyên nhân thấy rõ là tư duy ấu trĩ về công nghệ khai thác hầm lò của những người liên quan. Nhưng cũng không loại trừ đây là kiểu vẽ dự án để tiêu tiền qua dự án đầu tư mà cơ quan chức năng cần xem xét.

Việc chạy theo thành tích và không hiểu về kỹ thuật của cán bộ quản lý dẫn đến những quyết định lợi bất cập hại khi đẩy mạnh khai thác các lộ vỉa than ở các mỏ hầm lò.

Thiệt hại về sinh mạng công nhân trong các vụ tai nạn lao động bục nước, sập lò do nguyên nhân sâu xa từ khai thác than lộ vỉa không thể tính được bằng tiền.

Gần đây, việc xây dựng 3 giếng đứng của mỏ Hà Lầm còn chứng tỏ trình độ cán bộ về công nghệ và kỹ thuật xây lắp mỏ cũng rất hổng.

Giếng đứng là công trình quan trọng số 1 của mỏ hầm lò, bao gồm thân giếng và thiết bị lắp đặt có yêu cầu cao về kỹ thuật. Dưới sự điều hành trực tiếp của Chủ tịch HĐQT (khóa III) kiêm trưởng ban chỉ đạo, việc đấu thầu xây dựng 3 giếng đứng đã biến thành đấu thầu đào 3 giếng  giống như giếng nước (không có thiết bị lắp đặt).

Việc tách riêng gói thầu lắp đặt thiết bị không chỉ làm cho chi phí đầu tư tăng mà còn kéo dài tiến độ và giảm chất lượng công trình (thiết bị phải được lắp gắn liền với thân giếng).

Hiện nay nhà thầu TQ đã đào sắp xong, nhưng thiết bị giếng chưa biết đến khi nào mới lắp đặt và lắp đặt với giá bao nhiêu. Trong xây dựng giếng mỏ, việc tận dụng thiết bị lắp đặt để thi công sẽ góp phần tiết kiệm chi phí rất đáng kể.

Cháy nhà chưa ra mặt chuột

Điển hình của việc tùy tiện trong công tác cán bộ là kế toán trưởng của tập đoàn (từ năm 1995 cho đến khi về hưu, cách đây vài năm) không có bằng đại học kế toán theo quy định.

“Về mặt công nghệ, nếu buông lỏng công tác quản lý kỹ thuật cơ bản như từ trước tới nay, hậu quả có thể tính được: trong vòng khoảng 5 năm nữa ngành than sẽ phải cải tạo, khôi phục lại năng lực cung cấp than cho điện.

Nhưng, về mặt tổ chức và cán bộ, nếu “cháy nhà chưa ra mặt chuột”, vẫn tồn tại sự mất dân chủ, cái giá phải trả không thể tính được”.

Trước khi đề bạt làm kế toán trưởng của một tập đoàn, được giao cầm cân, nẩy mực hàng chục tỷ USD, thành viên chủ chốt này trong ban điều hành của TKV chưa bao giờ quản lý một tài khoản có giá trị lớn hơn một chiếc máy xúc EKG.

Mặc dù bị Thanh tra Chính phủ phát hiện, vị kế toán trưởng của tập đoàn này vẫn yên vị cho đến khi về hưu. Năm 2005, hơn 80% số kế toán trưởng của các công ty con cũng chỉ có bằng đại học tại chức. Gần đây, kế toán trưởng của một tổng công ty mới thành lập được đề bạt vào phút 89 cũng với bằng tại chức.

Số lượng các phó tổng giám đốc tập đoàn có thời kỳ tương đương một đội bóng đá, trong đó nhiều người được đề bạt sau khi để xảy ra những vụ tai nạn lao động chết người hàng loạt, được đề bạt sau khi có thành tích tiêu tiền chùa.

TKV có đủ các quy trình, tiêu chuẩn, hướng dẫn về việc đề bạt cán bộ, nhưng trên thực tế, việc thực hiện còn tùy tiện, từ khâu lấy ý kiến bằng phiếu tín nhiệm đến khâu thi tuyển, mỗi trường hợp cụ thể lại có các tiêu chí hướng dẫn riêng và cả cách làm riêng (có người thì lấy phiếu rộng rãi, có người lấy phiếu hạn chế, có người không cần lấy phiếu, việc kiểm vài chục lá phiếu cũng từng xảy ra “nhầm”).

Có người trước khi đề bạt phải khám sức khỏe ở cơ quan y tế, có người sức khỏe lại được đánh giá bằng mắt. Người có bằng đại học thiếu chỗ làm việc, người không có bằng đại học lại được đề bạt phó tổng giám đốc một tổng công ty con của TKV .v.v.

Công tác luân chuyển cán bộ được vận dụng như một cái cớ. Có cán bộ phải luân chuyển tới vài ba chức trưởng ban, vài ba chức giám đốc và uỷ viên HĐQT của doanh nghiệp nhưng vẫn không có “nhân thân tốt”, vì không biết điều.

Có cán bộ được yên vị cho đến khi về hưu - cả đời chỉ làm mỗi việc, được sử dụng giống như chiếc ghế salon ở phòng lễ tân, ai cũng có thể ghé ngồi.

Có thể nói, thành tích của công tác luân chuyển cán bộ của TKV thời gian qua thể hiện rõ nét nhất trong việc chuyển hộ khẩu từ Quảng Ninh về Hà Nội cho rất nhiều người.

MỚI - NÓNG