Xóa sổ xe 3, 4 bánh ở Hà Nội

Tổ chức đối thoại với chủ phương tiện trước khi tịch thu

Xe ba bánh trên đường phố Thủ đô.
Xe ba bánh trên đường phố Thủ đô.
TP - Ngày 31/5, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành thống nhất đề xuất UBND TP Hà Nội lộ trình, biện pháp để hạn chế, tiến tới cấm sử dụng xe 3, 4 bánh vận chuyển hàng hóa. Theo đó, đến 30/6/2018 sẽ thu hồi toàn bộ xe 3, 4 bánh không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định đăng ký, đăng kiểm phương tiện.

Xe ba bánh tràn lan trước ngày xóa sổ

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 30 xe 3 bánh đã đăng ký, được phép lưu hành để phục vụ nhu cầu đi lại của thương bệnh binh, người khuyết tật. Hà Nội có 4.367 trường hợp sử dụng xe 3, 4 bánh tự dóng, trong đó phần lớn là xe giả danh thương binh, xe từ các tỉnh khác đưa về lưu thông ở Hà Nội.

Tới thời điểm hiện tại ở Hà Nội không còn cơ sở sản xuất và kinh doanh loại xe 3, 4 bánh hoạt động công khai. Tuy nhiên, còn một số cơ sở lợi dụng họat động sửa chữa lén lút tự dóng phương tiện xe 3 bánh khi có người đặt hàng. Bên cạnh đó, tình trạng xe 3, 4 bánh tự dóng được chuyển từ các địa phương khác về TP Hà Nội để hoạt động gây ảnh hưởng, phức tạp.

Ghi nhận của phóng viên cùng ngày, dù chỉ còn một tháng nữa Hà Nội sẽ xóa sổ xe 3, 4 bánh nhưng loại phương tiện này vẫn tấp nập lưu thông, chở hàng hóa, vật liệu xây dựng tràn lan trên nhiều tuyến phố ở thủ đô, nhất là trên các phố Đê La Thành, Trường Trinh, Giải Phóng, quanh khu vực chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da, khu vực bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát…

Chị Minh Huyền (trú quận Hoàn Kiếm) cho biết, quanh chợ Đồng Xuân, các tuyến phố cổ hàng ngày vẫn tấp nập xe 3, 4 bánh giả danh thương binh vận chuyển hàng hóa qua lại. Các phương tiện này khi chở hàng hóa, vật liệu lưu thông chiếm nhiều diện tích, gây ùn ứ giao thông.

“Bảo kê” xe 3, 4 bánh giả thương binh

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng quản lý vận tải - Sở GTVT Hà Nội cho biết, nhu cầu vận tải hàng hóa của người dân cao, đặc biệt là nhu cầu chở vật liệu xây dựng, đồ đạc trong các tuyến đường nhỏ, ngõ ngách. Do đó, một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa thương bệnh binh, người khuyết tật để bảo kê cho các trường hợp sử dụng xe 3, 4 bánh tự dóng để vận chuyển hàng hóa trên địa bàn. Các phương tiện này chủ yếu vi phạm chở hàng cồng kềnh, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Theo ông Long, hiện Sở GTVT đang phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Tài chính xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ (một lần) cho thương bệnh binh, người khuyết tật có hộ khẩu ở Hà Nội có điều kiện đảm bảo cuộc sống, thay cho việc sử dụng xe ba bánh làm công cụ vận chuyển kinh doanh vận tải; Đảm bảo mỗi thương bệnh binh, người khuyết tật chỉ sử dụng 1 xe ba bánh, rõ nguồn gốc nơi sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo sức khỏe để lái xe và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Đối với xe thương bệnh binh, người khuyết tật đủ điều kiện vẫn được phép hoạt động bình thường. Trong tháng 6, Sở GTVT cùng các sở, ngành phối hợp xây dựng chính sách ưu đãi và tổ chức cuộc đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chủ các phương tiện xe 3, 4 bánh không đủ điều kiện hoạt động. Dự kiến, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề; mua xe mới thay thế cho xe thuộc diện bị đình chỉ; hỗ trợ về đào tạo nghề để chuyển đổi nghề mới; hỗ trợ vay vốn ưu đãi với chủ phương tiện có nhu cầu vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh”, ông Đào Việt Long nói.

Trưởng phòng quản lý vận tải Hà Nội cũng cho biết, để chuẩn bị lộ trình xóa sổ xe 3, 4 bánh, Sở cũng kiến nghị Bộ Công an hướng dẫn thực hiện quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký và biển số cho xe cơ giới 3 bánh dùng cho thương bệnh binh và người khuyết tật; Chỉ đạo lực lượng CSGT và công an các địa phương tuần tra kiểm soát và xử lý thu hồi xe 3, 4 bánh tự sản xuất, lắp ráp, giả danh thương binh.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.