Tổ quốc ghi công con, địa phương xóa quyền lợi mẹ

Tổ quốc ghi công con, địa phương xóa quyền lợi mẹ
TP - Một bà mẹ có công nuôi dưỡng liệt sỹ từ tấm bé, xã bỏ sót không đề xuất làm chế độ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho bà. Người mẹ ấy đã trực tiếp xuống gặp Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh gửi đơn.
Tổ quốc ghi công con, địa phương xóa quyền lợi mẹ ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Minh ôm bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh con... khóc

Chỉ vì thế mà cán bộ xã và huyện cho rằng bà già “lắm chuyện” nên đã bày trò xem xét lại quy trình nhận con nuôi để rồi kiến nghị lên cấp trên cắt luôn cả chế độ hưởng tiêu chuẩn liệt sỹ của bà mẹ cô đơn không còn nơi nương tựa.

Sự thật không thể phủ nhận

Ngày 30/11/1972, Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh gửi giấy báo tử mang số 192B báo tin cho mẹ Nguyễn Thị Minh và vợ là Phan Thị Huệ biết: Đồng chí Lê Ngọc Long quê quán xã Sơn Lễ- Hương Sơn- Hà Tĩnh.

Sinh năm 1941, nhập ngũ tháng 2/1964 đã hy sinh ngày 30/1/1966 tại mặt trận phía Nam; trong trường hợp: Vì sự nghiệp chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc.

Cùng ngày, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã có thư chia buồn: “Gửi mẹ Nguyễn Thị Minh cùng toàn thể gia đình...”.

Phiếu lập hồ sơ và trợ cấp tiền tuất gia đình liệt sỹ số 415 ngày 3/6/1973 ghi tên người đứng sổ là bà Nguyễn Thị Minh - Mẹ của liệt sỹ Lê Ngọc Long.

Trong hồ sơ liệt sỹ Lê Ngọc Long chỉ ghi tên mẹ là Nguyễn Thị Minh ở xã Sơn Lễ, không thể hiện một thân nhân nào khác nên bà Minh được hưởng chế độ bà mẹ liệt sỹ từ tháng 3/1973.

Tai họa sau một lá đơn

Bà Nguyễn Thị Minh kể: Năm 1998, có người thân quen làm ở trên huyện gợi ý bà nên nhờ người làm đơn gửi lên Sở đề nghị xét danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Hoàn cảnh như bà có thể được công nhận danh hiệu ấy. Lá đơn bà Minh có nội dung tóm tắt như sau: Vào năm 1947 bà nhận con nuôi lúc đó tên là Thìn mới có 6 tuổi tại bà Lý Cải ở xã Sơn Thịnh.

Lúc bấy giờ bà Nguyễn Thị Quý - Mẹ của Thìn đã đi lấy chồng khác. Thìn và một người em tên là Vị ở với bà nội. Thìn bị bệnh rất nặng. Khi đưa về, vợ chồng ông bà Minh phải bán bò chạy chữa mới khỏi. Sau đó gia đình đặt lại tên là Lê Ngọc Long.

Gia đình bà Minh đã coi Long như chính là con đẻ, cho ăn học nên người. Năm 1956 khi chồng chết, nhiều người đến dạm hỏi bà Minh nhưng bà vẫn ở vậy nuôi Lê Ngọc Long đến tuổi trưởng thành.

Năm 1963 bà xây dựng gia đình cho Lê Ngọc Long. Năm 1964 anh Long nhập ngũ, vợ là chị Phan Thị Huệ ở chung với bà Minh một nhà. Sau này khi anh Long hy sinh chị Huệ mới lấy chồng ở  Quảng Bình.

Ngày 10/10/1998, là đơn được gửi lên Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh. Ngày 5/11/1998 Sở có công văn yêu cầu địa phương làm thủ tục xem xét để phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo đơn của bà Minh.

Thế là lãnh đạo xã Sơn Lễ làm một cuộc hành trình lội ngược dòng lập văn bản vào ngày 13/11 gửi cho cấp trên cho rằng năm 1955 do mất mùa cậu bé Lê Ngọc Long đi ở với gia đình bà Minh chứ không phải con nuôi.

Ông Bí thư Đảng ủy xã nói gì?

Hai lần đến trụ sở Ủy ban Sơn Lễ. Lần đầu vì không có giấy giới thiệu của huyện mà chỉ có Thẻ Nhà báo nên ông Chủ tịch xã không bố trí cho gặp Bí thư Đảng uỷ.

Lần thứ hai chúng tôi đến gặp được ông Nguyễn Học Bỉnh, người mà bà Minh cho rằng đã chủ trương cắt bỏ quyền lợi của bà.

Ông Bỉnh nói: Anh Long là đứa ở chứ con cái gì... Hồi đó đã 10 tuổi không cần ai nuôi thì anh Long cũng vẫn cứ sống được.

Nhưng toàn bộ hồ sơ giấy tờ anh Lê Ngọc Long lại tự khai nhận bà Nguyễn Thị Minh là mẹ?

Bộ đội Cụ Hồ ở đâu dăm bảy ngày gọi nhân dân là mẹ thì có chi là lạ...

Vì sao chế độ bà Minh đáng phải bảo vệ thì các ông đề xuất cắt bỏ mà tiền của những thương binh và thân nhân liệt sỹ đã chết thì các ông cho kéo dài hàng chục tháng để hưởng lợi bất chính?

Sau những chứng cứ mà chúng tôi nêu lên, ông Bí thư Đảng ủy xã phải thừa nhận: Số tiền mà cán bộ chính sách của xã đã vi phạm khoảng trên dưới 28 triệu đồng.

Được huyện ủng hộ, ngày 11/12/1998 Phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Sơn thảo Công văn số 34 cho rằng liệt sỹ Lê Ngọc Long sinh 1939 (sai sự thật 2 năm) ở với bà Quý là mẹ đẻ.

Đến 15 tuổi mới đi ở với gia đình bà Minh rồi đi đến kết luận: Bà Minh không đủ điều kiện để được Nhà nước công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Công văn còn khẳng định thêm: Bà Minh không đủ điều kiện hưởng chế độ có công nuôi dưỡng liệt sỹ.

Ngày 25/1/1999 Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh ra Quyết định số 75 dời ngày sinh của anh Long từ 1941 lên năm 1944 và phán quyết: Cắt mọi chế độ mà bà Minh lâu nay được hưởng.

Tệ hại hơn trong điều 2 “Giao cho Phòng LĐ-TB & XH huyện Hương Sơn và xã Sơn Lễ thu hồi mọi giấy tờ giải quyết chế độ với bà Nguyễn Thị Minh và yêu cầu bà Minh trả lại số tiền mà lâu nay bà được hưởng”.

Mọi nỗi khổ ải và thăng trầm của một bà mẹ có công nuôi liệt sỹ bắt đầu diễn ra từ đây. Cụ bà trên 80 tuổi phải lần mò ôm di ảnh con nuôi, những tấm Huân chương Chiến công mà Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng, kêu hết cửa này đến cửa khác nhưng niềm hy vọng vẫn bặt vô âm tín.

Cách đây 4 năm, một lần trên đường lên huyện bà bị một thanh niên đi xe máy phóng nhanh vượt ẩu lao vào người khiến hai chân bị gãy. Người thanh niên xấu số ấy cũng bị tử nạn nên chẳng còn nguồn đền bù để bà chạy chữa vết thương.

Khi hai chân bị liệt hẳn không đi lại được, phải nằm khóc than nhiều nên đôi mắt cũng bị mù luôn. Cuối năm 2004, bà Minh được hưởng chế độ 202 mỗi tháng khoảng 60.000 đồng nhưng đã gần 2 năm, tiền vẫn nằm ở UBND xã Sơn Lễ.

Biết được tin này, gần đây ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn - đã tìm đến nhà bà tại Sơn Lễ thăm hỏi, biếu bà một số tiền rồi yêu cầu xã phải đưa tiền lên. Nhưng cán bộ xã cũng chỉ đưa lên cho bà được 6 tháng của năm 2005 mà nay đã gần hết quý 3 năm 2006.

Vừa rồi bà ôm toàn bộ hồ sơ giấy tờ xuống Sở LĐ-TB&XH tỉnh định liều mình ở đây. Lãnh đạo Sở biết chuyện có kế hoạch đưa bà xuống Trung tâm Bảo trợ xã hội để có người chăm sóc nhưng bà không chịu.

Bà Minh tâm sự: “Nếu tôi chết thì thôi, còn sống được ngày nào phải về nơi ngôi nhà mà cả đời tôi sinh sống. Ở đó còn có bàn thờ chồng tôi, con tôi. Vợ thằng Long đi lấy chồng ở Quảng Bình rồi. Hồn thiêng nó có về thì về ở nơi nhà tôi chứ về được nơi mô khác”.

Đưa bà về Sơn Lễ, ngôi nhà thấp lè tè ẩm mốc, đêm đến không có điện tối mò mò. Nơi bàn thờ đặt tấm bằng Tổ quốc Ghi công và di ảnh của liệt sỹ Lê Ngọc Long lạnh lẽo.

Bà Minh quờ quạng sờ lên di ảnh con khóc lóc: “Con ơi, khi ra đi con nói với mẹ sau 3 năm con sẽ về chăm sóc mẹ... Thế mà con đã hy sinh vì nước hơn 40 năm rồi.

Nay chế độ công mẹ nuôi con họ cũng đã cắt đi rồi. Mẹ nghèo khổ già rồi không tiền, không gạo nhưng ngày giỗ con, mẹ vẫn thắp nén hương, con nhớ về đây với mẹ... Long ơi”.

Chứng kiến cảnh bà mẹ đã 87 tuổi khóc, những người có mặt hôm đó cũng rơi nước mắt. Tổ quốc vẫn ghi công của con, nhưng quyền lợi của mẹ thì bị địa phương tước bỏ.

MỚI - NÓNG