Tố tụng không phát hiện oan sai giống lỗi hệ thống báo cháy

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đặt vấn đề phải chăng án oan phát hiện ra mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Ảnh: Như Ý
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đặt vấn đề phải chăng án oan phát hiện ra mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Ảnh: Như Ý
TPO - Theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), hệ thống tố tụng không phát hiện oan sai giống như hệ thống báo cháy bị lỗi, không tự báo cháy.

Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 5/6 về Báo cáo kết quả giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đánh giá tình hình oan sai hiện nay nghiêm trọng. Vấn đề nổi lên là hệ thống tố tụng không phát hiện oan sai giống như lỗi hệ thống báo cháy không tự báo cháy.

“Phải chăng những vụ việc oan sai đã phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng”? Ông Nghĩa nêu câu hỏi và cho rằng, đó còn là chưa kể việc người bị bức cung, nhục hình khi được tha rất e sợ tiết lộ, thậm chí phải cam kết là không khiếu nại.

Cũng theo ông Nghĩa, hệ thống kiểm tra chéo giữa cơ quan điều tra, kiểm sát có hiệu lực không cao. Có tình trạng nể nang, người không động đến ta, ta không động đến người. Có tình trạng 3 bộ cùng đồng tình với việc thống nhất án trước khi truy tố, xét xử khiến cho việc kiểm tra, tranh tụng đôi lúc vô hiệu.

Bên cạnh đó còn tồn tại quan điểm và thói quen suy đoán có tội, trong cung hơn trọng chứng khi. Lấy cung thay chứng. Bị cáo đã nhận tội rồi thì không cần thu thập chứng cứ. “Cán bộ tư pháp có biểu hiện suy thoái đạo đức công vụ, vô cảm với dân, định kiến, ác cảm với tội phạm đến mức bất chấp các quyền hợp pháp của họ. Việc lạm dụng và thích sử dụng nhục hình và cho rằng nhục hình là cần thiết, từ đó làm ngơ, thậm chí là bao che khi xảy ra vi phạm”, ông Nghĩa nhận định.

Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Đại biểu QH tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, so với các nước trên thế giới tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều. Không đồng tình với nhận định trên, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương), oan sai trên thế giới thì đâu cũng có chỉ có điều ta nhiều họ ít mà thôi.

Đề cập đến hậu quả của oan sai, bà Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng: “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, thế nhưng vẫn có những vụ oan sai kéo dài hơn 10 năm giờ mới được phát hiện. Đó là chưa kể không biết còn có bao nhiêu vụ oan sai nữa chưa được phát hiện ra?

“Oan sai chỉ bồi thường bằng tiền nhưng mất mát tinh thần, đau thương, tình cảm, gia đình ly tán thì không bao giờ bồi đắp được”, bà Khá nói và đề nghị làm rõ khi xảy ra các vụ oan sai, ngoài trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì những người gây ra oan sai có đền bù gì không. Thủ trưởng có điều tra viên làm oan sai thì có trách nhiệm gì không?

 “Tôi cũng đề nghị VKSND Tối cao cho biết có bao nhiêu vụ oan sai là do trình độ yếu kém của kiểm sát viên. Trách nhiệm của TAND Tối cao ra sao. Bởi nguyên nhân oan sai của tòa án là do trình độ năng lực của một số thẩm phán hạn chế, còn tiêu cực, đạo đức thấp thậm chí còn cố ý ra bản án sai lệch”, bà Khá đề nghị. 

MỚI - NÓNG