Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp”

Các vị khách mời tham dự cuộc tọa đàm.
Các vị khách mời tham dự cuộc tọa đàm.
TPO - Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành đề xuất biện pháp thúc đẩy nền kinh tế nền nông nghiệp, xem xét “cởi trói” hạn điền thu hút doanh nghiệp. Để bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề trên, Báo Tiền Phong sẽ tổ chức Toạ đàm trực tuyến có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp.

TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP

Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

30/03/2017 14:13

Cuộc tọa đàm chính thức bắt đầu.

30/03/2017 14:14

Tham dự cuộc tọa đàm có các khách mời:

1.    Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - Bộ NN&PTNT

2.    Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý Đất đai- Bộ TN&MT

3.    Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

4.    Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp

5.    Ông Phạm Ngọc Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty giống cây trồng T.Ư

6.    Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam

7.   Ông Phạm Ngọc Hưng, nông dân xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

30/03/2017 14:19

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 1 Buổi tọa đàm tại báo Tiền Phong

30/03/2017 14:29

Mở đầu cuộc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Phùng Công Sưởng, cho biết:

"Thưa quý vị đại biểu, nông nghiệp Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm, mới đây nhất là cách mạng khoán 10. Tuy nhiên, 30 năm đã qua, và hiện tại động lực phát triển nông nghiệp đang gặp nhiều thách thức. Với 30 triệu nông dân mà có hơn 70 triệu thửa ruộng nên gặp rất nhiều vấn đề trong tăng năng suất và hiệu quả. Với lý do trên nên thực tiễn ở nhiều nơi xảy ra tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng đồng, ly nông, ly hương. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư, làm ăn bài bản, sản phẩm nông nghiệp làm hàng hóa có sức cạnh tranh thì không có điều kiện thuận lợi để phát triển đầu tư.

Trước thực tế trên, thời gian qua báo Tiền Phong đã thực hiện chuyên đề: “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” có sự tham gia của nhiều chuyên gia.

Trong cuộc tọa đàm hôm nay, Báo Tiền Phong hy vọng nhận được nhiều ý kiến quý giá của các vị đại biểu để sáng tỏ hơn về lý luận, thực tiễn để những thông tin đến được với cơ quan có thẩm quyền và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong việc hoạch định chính sách, cơ cấu lại nông nghiệp".

30/03/2017 14:33

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 2 Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Phùng Công Sưởng

30/03/2017 14:41

Tại cuộc tọa đàm, Tổng thư ký tòa soạn báo Tiền Phong, ông Lê Minh Toản nêu vấn đề:

"Khi chúng tôi triển khai loạt bài về nông thôn mới bất cập và hệ lụy, phản ánh sự va chạm giữa tích tụ ruộng đất và hạn điền. Tiền Phong đã mạnh dạn đề xuất vấn đề vỹ mô nhưng gần gũi với nông dân.

Chúng ta từ khi lập quốc đến bây giờ đều nói đến người nông dân có thửa ruộng của mình. Làm sao để vừa tích tụ ruộng đất mà vẫn không xung đột với việc người cày có ruộng. Cần ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giúp các cơ quan hoạch định chiến lược nhìn nhận cởi mở hơn, hướng tới sự tiến bộ, văn minh.

Khi ông Kim Ngọc thực hiện khoán 10 cũng chịu rất nhiều áp lực. Nhưng cái gì cũng có thời kỳ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo nghiên cứu về vấn đề hạn điền, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành nghiên cứu vấn đề trên. Xin mời các vị khách mời chia sẻ về vấn đề trên.

30/03/2017 14:43

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 3 Tổng thư ký tòa soạn báo Tiền Phong, ông Lê Minh Toản. Ảnh: Như Ý

30/03/2017 14:47

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ:

"Vấn đề tích tụ ruộng đất để nâng cao hiệu quả sản xuất đã có chủ trương từ lâu. Tuy nhiên trên thực tế, bước đi và hành động của chúng ta chưa đủ quyết liệt, còn những vướng mắc nhất định. Chủ trương của ta rất rõ, vấn đề bây giờ là cách làm và bước đi ra sao? Nhu cầu tăng quy mô sản xuất xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Chúng ta có giai đoạn chưa đủ lương thực để ăn. Khi đóng góp của nông nghiệp vào nền kinh tế dưới 30%, lao động nông nghiệp dưới 50%, chúng ta bước vào giai đoạn chuyển đổi, phải đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Chúng ta phải cạnh tranh toàn cầu nên cần quy mô lớn hơn, tăng hiệu quả hơn. Muốn vậy phải có cơ giới hóa, có trí thức, có sự tham gia của doanh nghiệp… để chuyển đổi sang kinh doanh nông nghiệp. Vậy vấn đề đặt ra hành động như thế nào? Một trong những nút thắt mà mọi người nói là hạn điền. Ở đây có hai loại hình, là giao đất cho hộ nông dân và thứ hai là hạn mức giới hạn quyền sử dụng đất. Người dân vẫn lấn cấn về câu chuyện 'sổ đỏ", khiến người muốn làm nông nghiệp bài bản có chút băn khoăn".

30/03/2017 14:50

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 4 Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Như Ý

30/03/2017 14:58

+ Ông Lê Minh Toản đặt vấn đề: Hà Nam khi quyết định thực hiện việc tích tụ đất đai được coi là rất mạo hiểm. Nhưng Hà Nam vẫn mạnh dạn thực hiện. Vậy xin hỏi ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam, là trong quá trình thực hiện Hà Nam có gặp những khó khăn gì?

- Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Phải nói rằng, luật đất đai 2013 cũng đã tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát triển nhỏ lẻ, không gắn với tiêu thụ, thị trường sẽ diễn ra cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Trong quá trình định hướng của Hà Nam luôn đặt ra là làm thế nào để phát triển nông nghiệp bền vững và có giá trị cao.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng hiện đại, quy mô lớn, gắn chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Để sản xuất lớn thì phải có quỹ đất và kêu gọi được các doanh nghiệp cũng như các hộ dân có điều kiện để tập trung vào đầu tư, phát triển sản xuất nâng cao hiệu quả. Hà Nam phải có các giải pháp tích tụ ruộng đất và có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vì các doanh nghiệp ở Hà Nam rất nhiều nhưng đầu tư vào nông nghiệp rất ít bởi đầu tư lớn mà tính chắc chắn, hiệu quả không cao. Nên doanh nghiệp không có cơ chế đặc thù thì rất khó thu hút.

Để làm được việc đó, Hà Nam đã triển khai tích tụ ruộng đất theo phương thức chính quyền cấp xã, huyện ký kết thuê đất của người dân trong 20 năm. Sau đó cho doanh nghiệp thuê lại để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù rằng điều này chưa có quy định trong luật đất đai năm 2013, nhưng Hà Nam vẫn làm để phát triển nông nghiệp.

Thứ hai là mục tiêu của việc làm đó là đem lại lợi ích cho người dân chứ không phải vì mục đích cá nhân. Lợi ích cho người dân bởi vì quyền sở hữu đất vẫn của người dân, vẫn giữ sổ đỏ. Người dân cho thuê đất thì không sử dụng, canh tác đất nhưng vẫn có nguồn thu cao hơn chính khi sản xuất trên mảnh đất đó. Người dân có đất cho thuê có cơ hội được làm thuê trên mảnh đất của mình và có thu nhập cao hơn.

Việc làm này cũng xuất phát từ yêu cầu của người nông dân. Khi cho thuê đất thì người nông dân chỉ biết rằng cho chính quyền thuê đất, thì sau này hết hạn thì chính quyền phải trả lại đất cho dân để người dân sau này có thể sử dụng đất. Bây giờ nói doanh nghiệp thuê đất của người dân thì rào cản rất lớn, khó thực hiện được.

Trong quá trình triển khai Hà Nam luôn chỉ đạo các cơ quan chức năng báo cáo T.Ư xin ý kiến chỉ đạo. Khi triển khai với dân thì các chính sách với dân đều công khai minh bạch, người dân được bàn bạc, đề giải pháp triển khai...Đơn giá thuê, thời hạn thuê, phương thức thanh toán tiền thuê thế nào cũng do người dân đề xuất.

Trên cơ sở cách làm của Hà Nam và sự đồng thuận của người dân thì tạo niềm tin cho doanh nghiệp thì có động lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nam.

30/03/2017 15:02

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 5 Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Ảnh: Như Ý

30/03/2017 15:09

“Khi Hà Nam thực hiện việc tích tụ ruộng đất, có Bộ trưởng nói với tôi là, sao ông liều thế, ông muốn làm ông Kim Ngọc thứ 2 hay sao. Nhưng tôi nói rằng, quy định chưa có nên chúng ta phải chứng minh bằng thực tiễn. Nếu làm mà đem lại lợi ích cho người dân thì phải mạnh dạn thực hiện, chứ e dè, không dám thì phát triển sao được”, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP được xem là người chủ trì việc xé rào hạn điền chia sẻ về quyết định tích tụ ruộng đất thời còn là Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. (XEM CHI TIẾT)

30/03/2017 15:13

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 6

30/03/2017 15:27

+ Nhà báo Lê Minh Toản: Xin hỏi anh Phạm Ngọc Hưng là người trực tiếp thuê đất của nông dân sản xuất, anh có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc?

- Anh Phạm Ngọc Hưng, nông dân xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình: Chúng tôi xuất phát từ người làm ruộng, nhu cầu của gia đình là cần ruộng, được thuê ruộng. Ý định thuê ruộng bắt đầu từ lâu nhưng đến năm 2015, tôi mới có đủ điều kiện để thuê. Lúc đi thuê mới thấy phát sinh nhiều vấn đề. Góc độ cá nhân là đơn vị nhỏ lẻ, khi đi thuê, trao đổi với cán bộ xã, họ đồng ý nhưng với người trẻ tuổi như tôi thì không ai tin. Chính gia đình cũng chưa có niềm tin vào mình. Lúc đi thuê mọi thứ cản bước mà nếu không kiên trì cũng không làm được.

Xứ của tôi là xứ cỏ hoang, nhiều cánh đồng để hoang, cỏ mọc ngút ngàn nên khi thuê, tôi phải đầu tư, phải thuê máy xúc để làm lại đất. Cái khó nữa là khi chúng tôi thuê lại ruộng của bao nhiêu người dân thì phải ký ngần ấy hợp đồng. Và chỉ một người phá thì tôi cũng không làm được. Một thôn cho thuê 3 năm, 1 thôn 5 năm nên việc đầu tư gặp khó khăn. Mảnh tôi thuê 3 năm tôi không dám đầu tư nhiều. Mảnh thuê 5 năm, tôi dám đầu tư thêm kênh mương. Bây giờ thì dễ thở hơn chút nhưng những ngày đầu thì khó khăn trăm bề, Ví dụ cơn bão số 1 năm ngoái, nhà tôi mất trắng 5ha, mất khoảng 120 triệu.

Xin nói thẳng với quý vị, làm lúa, nông nghiệp vẫn có lãi, chẳng qua biết tính toán hay không và chỉ mong nhà nước tháo gỡ nhiều khó khăn cho chúng tôi.  47 mẫu, bình quân thu 100 tấn thóc, diện tích đất đâu để phơi? Còn sấy thì sao? Chúng tôi vẫn thiếu đất để làm. Mong các vị hiểu theo nhiều hướng ví như nông sản làm ra phải theo nhu cầu thị trường.

Nếu có cơ hội tích tụ thêm nhiều ruộng hơn nữa thì tương lai chúng tôi sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa.

30/03/2017 15:29

+ Nhà báo Lê Minh Toản: Khả năng anh có thể thêm được bao nhiêu mẫu ruộng nữa? Anh chỉ có trồng lúa để xuất ra thị trường hay các loại cây khác?

- Anh Phạm Ngọc Hưng: Nếu hộ nông dân gia đình thuần túy phải 10ha mới có lãi. Khi đưa máy móc vào đồng ruộng thì mới thấy 40ha vẫn nhàn. Có hàng trăm ha thì gia đình tôi vẫn làm được nhưng không có đất mà làm. Và thực sự phải thuê được lâu dài tôi mới dám làm. Ví như chỉ thuê 3 năm thì tôi không bao giờ dám đầu tư nhiều như hệ thống kênh mương, bơm nước. Điều kiện là cho tôi thuê ít nhất 10 năm thì tôi mới dám đầu tư.

30/03/2017 15:29

+ Nhà báo Lê Minh Toản: Ở huyện Kiến Xương có bao nhiêu thanh niên đầy khát vọng và có mô hình tương tự như anh?

- Anh Phạm Ngọc Hưng: Ở huyện Kiến Xương của tôi có 4 hộ, ai cũng muốn có nhiều ruộng hơn và được thuê lâu dài hơn để sản xuất.

30/03/2017 15:31

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 7 Anh Phạm Ngọc Hưng: "Ở huyện Kiến Xương của tôi có 4 hộ, ai cũng muốn có nhiều ruộng hơn". Ảnh: Như Ý

30/03/2017 15:35

Tại cuộc tọa đàm, tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định:

"Vấn đề "cởi trói" hạn điền đã chín muồi, không có gì nhạy cảm về hạn điền nữa. Thực tế cho thấy nhiều người nông dân làm ăn giỏi.

Lẽ ra vấn đề này chúng ta phải đặt ra cách đây hàng chục năm trước. Giao đất cho nông dân, theo tôi phải là vĩnh viễn. Chúng ta đã lỡ mất một nhịp, giờ cơ hội chỉ còn ở Đồng bằng Sông Hồng, còn các nơi khác hầu như không còn. Vì thế câu chuyện lúc này là quá cấp bách.

Nhưng vấn đề ở đây là về thủ tục, lại quá nhiều hộ nông dân nhỏ, nên một đơn vị giao dịch có nhiều cản trở về mặt thủ tục. Thứ hai là vấn đề công bằng. Nông dân giao đất lại, giờ họ đi đâu, làm gì? Phần lớn họ lao động phi chính thức, lao động không hợp đồng, và họ có thể quay về lấy lại đất bất kỳ lúc nào. Với họ đất đai trở thành vật bảo hiểm nên họ giữ khư khư.

Đây chính là điểm mà chúng ta chưa đánh giá đầy đủ. Công nghiệp phát triển, kinh tế đô thị phát triển nhưng nông dân không có công việc ổn định, rủi ro rất lớn, vốn không có, bảo hiểm không có... Vì thế, câu chuyện đặt ra là khi tích tụ đất lớn, nông dân có trụ được không? Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng, để người nông dân có tương lai, người lao động có thể chuyển sang thị trường lao động khác được".

30/03/2017 15:39

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 8  Tiến sĩ Đặng Kim Sơn. Ảnh: Như Ý

30/03/2017 15:57

+ Nhà báo Lê Minh Toản: Xin được hỏi ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - Bộ NN&PTNT, vì sao vấn đề hạn điền đã được chúng ta đề cập từ hàng chục năm trước rồi mà vẫn chưa thực hiện được?

- Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Tôi nghĩ vướng mắc nằm ở hai khía cạnh, một là bài toán nếu quy mô ruộng đất tăng lên, thì nông dân đi đâu. Chuyện thứ hai là có những cái câu chuyện trên thực tiễn không hề đơn giản. Bởi vì có chủ trương, có cố gắng, nhưng tất cả đồng thuận, đồng lòng. Còn nếu các cấp không đồng lòng, có một đồng chí bảo có vấn đề thì cũng rất khó.

Chúng tôi nghĩ rằng từ chủ trương đến thực tiễn triển khai phải có quyết tâm, mạnh dạn, đồng bộ để người sử dụng đất hiệu quả nhất, muốn làm nghề nông hiệu quả, không lo về rủi ro.

Đấy là những cái mà chúng ta đang quy định giới hạn không theo quy chế thị trường thì phải nới nỏng. Chuyện hạn mức giao đất, hạn mức sử dụng đất, đối tượng nào được thuê đất, thời hạn thuê đất của người khác và mục đích sử dụng đất. Hiện nay quy định quá chặt chẽ làm nản lòng các nhà đầu tư. Nếu không có những nhà đầu tư bài bản thì mất nguồn lực, hoặc nảy sinh các vấn đề xã hội như nông dân mất đất, không có việc làm...

Tôi nghĩ đó là những điểm trong thời gian tới, có chủ trương rồi thì phải quyết tâm, quyết liệt triển khai.

30/03/2017 15:59

Tại cuộc tọa đàm, ông Phạm Ngọc Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty giống cây trồng T.Ư chia sẻ: Chúng tôi là đơn vị trực tiếp đi thuê đất nên tôi hiểu những khó khăn. Chúng tôi là đơn vị sản xuất nông nghiệp, sản xuất giống nên có những giống phải sản xuất ở cánh đồng liền khoảnh. Nếu tôi thuê cả hợp tác xã, cả cánh đồng nhưng chỉ 1, 2 người không trồng theo cơ cấu của mình thì không đảm bảo kĩ thuật.

Đến khi thuê ở Hà Nam, chúng tôi nghĩ là có thể làm thành công. Và thành công ở Hà Nam có được là nhờ chính quyền tỉnh, huyện, xã, cả bộ máy đồng bộ về chủ trương.

Diện tích của chúng tôi rất nhỏ thôi, 2ha nhưng là 400 hộ. Để mà kí được bằng ấy chữ kí thì nhiều lắm, dễ đầu hàng ngay. Vì diện tích đất của mỗi người dân nhỏ nên việc tích tụ đất là việc doanh nghiệp rất khó làm được vì mất nhiều thời gian. Người dân không tin doanh nghiệp bằng tin chính quyền. Bản thân nông dân gắn với chính quyền xã, huyện nhiều hơn doanh nghiệp.

Thứ hai, nếu để doanh nghiệp tự thuê đất thì rủi ro rất cao. Năm nay người dân không làm được thì cho thuê. Năm sau thấy doanh nghiệp ăn nên làm ra, người ta ra đòi ruộng. Nếu như chúng tôi kí hợp đồng trực tiếp với người dân thì gặp sự cố sẽ phải khóc dở mếu dở. Do vậy để cho chính quyền đứng ra tích tụ ruộng đất và doanh nghiệp thuê lại. Như vậy mới thành công được.

Khi doanh nghiệp đã thuê diện tích đất thì phải làm theo nhu cầu đầu tư của người ta, phải đầu tư có hiệu quả, không chỉ là sản xuất bình thường mà là đầu tư cao: công nghệ cao, giá trị cao, hiệu quả cao. Không có hiệu quả thì tích tụ ruộng đất chả để làm gì. Muốn hiệu quả thì phải gắn với cơ chế thị trường.

Chính vì mục đích đầu tư như vậy nên doanh nghiệp cần diện tích lớn. Doanh nghiệp phải có công nghệ cao. Thời hạn thu hồi đất phải dài, còn ngắn quá thì không thu đủ vốn. 10 năm mới chỉ thu đủ vốn chứ chưa thể lãi. Thời gian mà doanh nghiệp thuê đất phải ít nhất 15, 20 năm.

Thời gian cho thuê kéo dài thì người dân phải đắn đo, cân nhắc. Chưa có chính sách gì nên người dân chủ yếu tự nguyện cho thuê. Diện tích cho thuê nhỏ, số tiền mà người ta thu được vẫn ít. Như vậy phải cho thuê 20 năm mới thích. Có người còn mang tổng tiền cho thuê đất đi gửi ngân hàng lấy lãi.

Ngoài ra, để khuyến khích doanh nghiệp thuê đất thì chính sách cũng phải phù hợp. Khi chúng tôi đã bỏ tiền thuê đất, cũng chỉ sản xuất nông nghiệp nhưng các anh bảo tôi lập dự án. Người ta làm nông, tôi cũng làm nông nhưng các anh lại bắt lập dự án. Cơ chế hành chính phải phù hợp, doanh nghiệp kinh doanh tính bằng ngày, không thể mất quá nhiều thời gian làm các thủ tục giấy tờ".

30/03/2017 16:02

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 9 Ông Phạm Ngọc Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty giống cây trồng T.Ư. Ảnh: Như Ý

30/03/2017 16:13

Tại cuộc tọa đàm, G.S Đặng Hùng Võ cho biết: Ai cũng thấy phải có việc tập trung diện tích đất lớn mới có thể tạo nên thay đổi, tạo quy mô lớn. Đưa ra tiêu chí cởi trói hạn điền, nhưng chúng ta quan điểm thế nào là hạn điền.

Chúng ta cần tập trung diện tích đất lớn, tập trung đất đai, tạo nên cánh đồng lớn, diện tích lớn nhưng không động đến quyền sử dụng đất nông dân. Doanh nghiệp thuê đất của nông dân, đất vẫn thuộc về nông dân, không thay đổi quyền sử dụng đất của họ. Còn quá trình tích tụ thì có chuyển quyền.

Trước đây, các chính sách về đất đai đều tập trung câu chuyện an sinh xã hội cho nông dân là chính, chưa tập trung vào các chính sách thị trường đối với khu vực nông nghiệp. Chính sách nông nghiệp của chúng ta khác lạ so với nhiều nước khác. Đất nông nghiệp thời hạn sử dụng là có nhưng khi bồi thường lại theo cách sử dụng vô hạn. Hoặc chính sách của ta không cho phép thu hồi đất nông nghiêp, để giao cho doanh nghiệp khác làm nông nghiệp. Đó là chính sách tiến bộ, nhưng nếu thế chắc thị trường sẽ yếu đi, tạo sức ì cho người nông dân.

Hạn điền giờ truy nguyên ra chỉ đảm bảo sự công bằng, không ai được quá nhiều đất hơn người khác và không cho hình thành địa chủ mới. Câu chuyện cởi trói hạn điền, Quốc hội sẽ quyết định sau. Vấn đề là chúng ta đã theo nếp tư duy quen thuộc, ai cũng thấy dở, nhưng bỏ đi lại thấy sợ. Chúng ta đang sợ một cái vô hình mà chúng ta biết thừa nó chẳng có gì đáng sợ cả. Bởi chúng ta có nhiều chính sách khác để chống lại chuyện tích tụ đất đai mà không đưa vào sản xuất.

Nhưng ở đây có câu chuyện phức tạp phát sinh, khi phát triển công nghệ cao sẽ phát sinh nhiều thứ, ví dụ câu chuyện thuê đất của người dân, sẽ hình thành nhà kho, cơ sở chế biến, xây dựng tạm nhưng thực tế lại không được.

Ở Lâm Đồng đã có chuyện sau khi thuê đất cho người dân, lại xảy ra chuyện yêu cầu phải trả thêm tiền. Rồi thấy doanh nghiệp xây nhà to, xưởng to lại ra đòi lại đất. Hay chuyện doanh nghiệp thuê đất rồi thì có được cấp giấy chứng nhận không? Hay có được cấp một loại giấy khác khi có các tài sản hình thành trên đất sau này?

Câu chuyện đổi mới nông nghiệp chúng ta cần một hệ thống chính sách đồng bộ chứ không thể khơi khơi được và điều quan trọng là phải đảm bảo lợi ích cho nông dân và cho doanh nghiệp.

30/03/2017 16:14

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 10 G.S Đặng Hùng Võ

30/03/2017 16:23

"Quan điểm đối với đất nông nghiệp là phải đẩy được cho cơ chế thị trường vận hành. Làm sao quyền sử dụng đất nông nghiệp biến thành tài sản, thì để người dân và nhà đầu tư yên tâm đầu tư thì mới bứt phá lên được", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn.

30/03/2017 16:31

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý Đất đai: Luật đất đai chỉ quy định hạn mức nhận chuyển quyền với hộ gia đình chứ không quy định với doanh nghiệp. Nên các hộ gia đình có thể thành lập doanh nghiệp.

Trong bối cảnh luật chưa sửa hạn mức chuyển nhượng trong hộ gia đình thì tỉnh, huyện, xã phải thành lập một cầu nối.

30/03/2017 16:34

Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” ảnh 11 Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý Đất đai. Ảnh: Như Ý

30/03/2017 16:36

"Bên cạnh cởi trói về hạn điền thì cần một  số chính sách khác để cởi trói cho nông nghiệp. Người làm nông nghiệp không chỉ cần đất, mà còn cần thị trường, vốn đầu tư..", ông Ngô Mạnh Ngọc:

30/03/2017 16:43

Cuộc tọa đàm kết thúc. Tổng thư ký tòa soạn báo Tiền Phong, nhà báo Lê Minh Toản gửi lời cảm ơn tới các vị khách mời về những trao đổi bổ ích tại cuộc tọa đàm.

Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, sản xuất nông nghiệp của nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những động lực của “khoán 10” trong nông nghiệp giờ đây đã cạn dần.

Ở nhiều nơi, nhiều địa phương do ruộng đồng mạnh mún, nhỏ lẻ, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, nên tình trạng nông dân bỏ ruộng, đất đai bị bỏ hoang diễn ra phổ biến, gây lãng phí tài nguyên.

Từ thực tế trên, vừa qua, Báo Tiền Phong đã triển khai loạt bài viết chuyên đề về đổi mới nông nghiệp, trong đó đề cập sâu những bất cập về quy định tích tụ ruộng đất và hạn điền.

Báo cũng đã phản ánh việc một số địa phương “xé rào” tích tụ ruộng đất để kêu gọi doanh nghiệp và HTX đầu tư; những trăn trở của doanh nghiệp, người dân đang đầu tư vào nông nghiệp về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, vốn là lợi thế của Việt Nam.

Để có cái nhìn đa chiều hơn về những vướng mắc đang tồn tại cản trở sự phát triển kinh tế nông nghiệp, Báo Tiền Phong tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến “Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp” với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia.

Thời gian tổ chức: 14 giờ ngày 30 tháng 3 năm 2017

Địa điểm: Tầng 9, trụ sở Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội

Bạn đọc quan tâm có câu hỏi về chủ đề này, xin gửi về địa chỉ: online@baotienphong.com.vn

Dự kiến danh sách khách mời, gồm có:

Đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

Đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường

Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường

 Lãnh đạo Viện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đại diện UBND tỉnh Hà Nam

Lãnh đạo Tổng Công ty Giống cây trồng Trung ương

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.