Toà soạn thời công nghệ

Chúng ta cần những nhà báo có thể trả lời câu hỏi: tại sao tôi làm báo?
Chúng ta cần những nhà báo có thể trả lời câu hỏi: tại sao tôi làm báo?
TP - Trong thời đại “đồng phục thông tin” các cơ quan báo chí cần phải làm gì để thu hút độc giả, thậm chí có thể thu được tiền từ độc giả để phát triển mà không bị phụ thuộc vào nguồn doanh thu quảng cáo đang ngày càng thu hẹp. Dưới đây là một số gợi ý:

1. Thuốc chữa ngộ độc thông tin

Có một khái niệm mới trong tiếng Anh là “infoxication” – tình trạng ngộ độc về thông tin. Cũng không sai nếu nói rằng chúng ta đang sống trong một xã hội bị ngộ độc về thông tin. Sự dư thừa thông tin khiến mỗi người chúng ta bị ngợp, bị ong đầu, bị chói mắt. Mỗi người dùng đều muốn nắm mọi thông tin còn mỗi cơ quan báo chí đều chạy đua quyết liệt với nhau, và với mạng xã hội, để không chỉ cung cấp tin tức nhanh nhất mà cả những thông tin kiếm được nhiều lượt truy cập nhất.

Nỗi ám ảnh về lượng pageview, về SEO ( Search Engine Optimization) là tập hợp những phương pháp tối ưu hóa để website trở nên thân thiện với máy chủ tìm kiếm (Search Engine), từ đó nâng cao thứ hạng website khi người dùng tìm kiếm với các từ khóa liên quan, về thang bậc trên Internet thực sự đang hủy hoại chất lượng của báo chí cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí với độc giả. 

Chúng ta cần thuốc giải độc cho tình trạng ngộ độc thông tin này.

2. Rừng tin đòi hỏi một hệ thống định vị GPS

Có rất nhiều nội dung thú vị được đăng tải trên Internet mỗi ngày, những phóng sự đầy sức mạnh hoặc những bài bình luận sắc sảo giúp chúng ta hiểu những điều đang xảy ra xung quanh và lý do tại sao. Vấn đề là những bài viết như thế thường bị “chôn vùi” dưới hàng đống tin bài mang tính thời sự hoặc đủ loại bê bối trong chính giới, thể thao hay showbiz.
Chúng ta cần một hệ thống định vị giúp đưa con tàu chở các độc giả luồn lách qua cả đại dương tin tức tràn ngập mà không bị đắm.

3. Quá nhiều thông tin tiêu cực khiến chúng ta bị ngắt kết nối


Tính chỉ trích trong báo chí đã đi quá xa. Tất nhiên, nhà báo cần đảm đương vai trò giám sát, nhưng việc có quá nhiều thông tin tiêu cực đang làm nản chí độc giả. Những người khoan dung thì sẽ có thái độ chờ xem, còn những người khác sẽ “ngắt kết nối” – cả với các cơ quan báo chí lẫn với thực tế. Không hiếm người thậm chí thốt lên rằng họ không muốn đọc báo nữa vì quá sợ hãi.

Vì vậy, báo chí cần có một quan điểm cân bằng hơn để tái kết nối với độc giả, để giành lại niềm tin và quan trọng hơn cả là khích lệ sự tham gia của độc giả.

4. Nội dung digital vẫn còn ở thời sơ khai

Báo chí kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ thời gian qua nhưng thực sự các cơ quan báo chí vẫn đang phải mày mò học hỏi cách sản xuất nội dung chất lượng cao phù hợp với màn hình điện thoại– thiết bị gắn chặt với người dùng hơn là màn hình máy tính. Chúng ta cần có nhiều thử nghiệm hơn và tiếp tục học hỏi để thực sự chiếm lĩnh nền tảng chính yếu của hiện tại lẫn tương lai này.

5. Báo chí phải chịu trách nhiệm về tác động của mình

Báo chí sinh ra là có mục đích, mang ý nghĩa về chính trị, tư tưởng, xã hội. Nó cũng được sinh ra với ý thức trách nhiệm. Chúng ta cần phải chịu trách nhiệm về ảnh hưởng của báo chí đối với xã hội và đối với người dân. Hiện tại nội dung báo chí digital quá dư thừa nhưng lại thiếu sự phản ánh một cách cân bằng, thiếu chiều sâu cũng như sự gần gũi. Cần phải có những nội dung báo chí đa dạng và độc đáo, những nội dung có thể tạo sự khác biệt.

Chúng ta cần một nền báo chí mang tính đồng cảm hơn, biết đặt mình vào vị trí của người khác và chịu trách nhiệm về nội dung mình tạo ra.

6. Cần phá bỏ ranh giới của tòa soạn

Những tòa soạn khép kín không còn phù hợp với môi trường xã hội mở và chính nó đang cản trở báo chí tiến về phía trước trong sự chuyển mình cần thiết, thậm chí nó khiến báo chí không thể duy trì sự bền vững. Cần phải phá bỏ những ranh giới và xây dựng một cách thức để sáng tạo ra những sản phẩm vừa duy trì những giá trị của báo chí, vừa có sự tham gia của độc giả cũng như những thành phần khác trong xã hội. Mục tiêu là phải từ bỏ cái logic đi theo một hướng duy nhất và tiếp nhận logic mang tính đa chiều.

7. Báo in chưa chết

Báo in sẽ còn tồn tại nhiều năm nữa. Và nó sẽ không khác nhiều so với những tờ báo đã thành công ngày hôm nay ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng những tờ báo mang tính tổng hợp (dành cho mọi đối tượng) sẽ thực thi vai trò đó trên môi trường kỹ thuật số.
Chúng ta cần những sản phẩm báo in mới với sự khác biệt về căn bản, cung cấp những nội dung không thể thay thế được và khiến độc giả thoải mái với việc đọc báo in. Báo in sẽ đi theo hướng thị trường ngách và chuyên biệt.

8. Quảng cáo đã chết

Trong nhiều năm tới, quảng cáo sẽ tiếp tục là nguồn hỗ trợ cho một số cơ quan báo chí. Nhưng thời vàng son đã qua rồi. Trong thời đại hiện nay, quảng cáo cũng đã trở thành một nguồn “thông tin gây ngộ độc,” nhất là trên môi trường kỹ thuật số. Chúng ta cần những cơ quan báo chí mới có đủ dũng cảm để tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới và những cách thức sáng tạo nhằm lôi kéo các nhãn hàng. Đương nhiên, các nhãn hàng và các doanh nghiệp cũng phải có dũng cảm để kết nối với độc giả theo cách thức mới mẻ.

9. Báo chí có mục đích, báo chí nhân văn

Chúng ta cần những nhà báo có thể trả lời câu hỏi: tại sao tôi làm báo? Tôi làm báo vì muốn học và hiểu biết và vì có những câu chuyện (tối tăm hoặc tươi sáng) cần được nói tới. Những câu chuyện này dạy cho chúng ta và nói cho chúng ta biết về xã hội, về những cá nhân, giúp chúng ta hiểu thế giới và hiểu bản thân mình, khơi dậy niềm hạnh phúc và lột tả nỗi buồn, đánh thức sự căm phẫn hoặc lòng trắc ẩn của chúng ta. Những câu chuyện đó như những tấm gương phản ánh tiếng nói tập thể hoặc cá nhân về những giấc mơ của chúng ta, và xã hội cần những câu chuyện đó vì nó khiến chúng ta nhân văn hơn.

Chúng ta là nhà báo vì chúng ta tin tưởng rằng báo chí không chỉ là công cụ để đưa tin về thế giới xung quanh, mà còn góp phần làm thay đổi nó.

10. Cơ quan báo chí là cộng đồng của các cộng đồng

Một cơ quan báo chí trong thế kỷ 21 này trước hết phải là một cộng đồng của các cộng đồng. Họ vừa là tiếng nói và là người phiên dịch của độc giả, vừa là luật sư biện hộ và công tố viên, vừa là công cụ tạo nên sự cố kết với khả năng chất vấn những điều rất đỗi bình thường. Một cơ quan báo chí của thế kỷ 21 phải chuyển tải được cuộc trao đổi của cộng đồng, lắng nghe mối quan tâm của cộng đồng, xác định những thách thức và cung cấp các công cụ tri thức hoặc vật chất để đối phó với những thách thức đó. Cơ quan báo chí phải là nền tảng để độc giả khám phá, tranh luận, tham gia và cảm thấy họ là một phần trong đó.

Toà soạn thời công nghệ ảnh 1

Nỗi ám ảnh về lượng pageview, về SEO (Search Engine Optimization là tập hợp những phương pháp tối ưu hóa để website trở nên thân thiện với máy chủ tìm kiếm (Search Engine), từ đó nâng cao thứ hạng website khi người dùng tìm kiếm với các từ khóa liên quan, về thang bậc trên Internet thực sự đang hủy hoại chất lượng của báo chí.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.