‘Tòa tháp EVN không đảm bảo phòng cháy chữa cháy’

‘Tòa tháp EVN không đảm bảo phòng cháy chữa cháy’
Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định, công tác phòng cháy trong quá trình thi công ở tháp đôi EVN không đảm bảo. Trong khi, xe thang cứu hỏa chỉ tới tầng 17.

‘Tòa tháp EVN không đảm bảo phòng cháy chữa cháy’

Đề xuất phương án dùng trực thăng chữa cháy
> Người trong tòa nhà chọc trời kể chuyện cháy

Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định, công tác phòng cháy trong quá trình thi công ở tháp đôi EVN không đảm bảo. Trong khi, xe thang cứu hỏa chỉ tới tầng 17.

Tòa tháp EVN phủ đầy khói đen lúc 17h30 chiều 15/12, một giờ rưỡi sau khi phát cháy
Tòa tháp EVN phủ đầy khói đen lúc 17h30 chiều 15/12, một giờ rưỡi
sau khi phát cháy. Ảnh: Nguyễn Hưng (Vnexpress)

Là người trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, ông đánh giá thế nào về hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa tháp EVN - đang trong giai đoạn hoàn thiện?

Có hai công tác phòng cháy khác nhau là trong quá trình thi công và khi đã hoàn thiện. Theo nguyên tắc, từ khi bắt đầu xây dựng các công trình đã phải đảm bảo an toàn PCCC. Tuy nhiên, công tác phòng cháy của Tòa nhà EVN không đảm bảo quy định (không có hệ thống bình bột, cát, nội quy phòng cháy..).

Lối cầu thang bộ của tòa nhà đáng lẽ phải đảm bảo kín, điều áp để khi cháy người ở tầng trên có thể đi xuống. Tuy nhiên, hôm qua các cửa đều được chèn, không kín. Cầu thang thoát hiểm, hệ thống hộp kỹ thuật không khác gì bếp lò, hút khói lên. Khói vì thế phủ khắp tòa nhà, công nhân không xuống được.

Nguyên nhân ban đầu vụ cháy được nhận định ra sao?

Các cơ quan điều tra đang khám nghiệm. Viện Khoa học hình sự - C21 - Bộ Công an đã vào cuộc. Tuy nhiên, theo như quan sát thì lửa đã bắt vào hệ thống bảo ôn, mút xốp ở dưới tầng hầm, sau đó bắt vào các vỏ dây điện 3 pha nên gây ra khí rất độc, đậm đặc đến mức độ lính cứu hỏa dù trang bị mặt nạ phòng độc vào dập khói 15 phút là phải lộn ra. Những người ở cửa hầm mà mặt mũi cũng đã đen kịt. Rất may là công nhân ở tầng thấp thoát ra hết rồi, chỉ còn một số ở tầng cao.

Trong vụ cháy hôm qua, thành phố đã huy động lực lượng cứu hỏa, cứu nạn như thế nào?

Chúng tôi đã huy động 300 lính PCCC ngoài ra còn thêm 300 người nữa thuộc các, quận, phường và quân đội. Sở có 10 phòng thì tới 7 phòng tham gia, trừ 3 đội ở xa là Sơn Tây, Bắc Thăng Long, Đông Anh. Sở đã huy động tất cả bình thở ra sử dụng hết, sau đó còn yêu cầu Bộ Công an hỗ trợ. Hiện, Hà Nội gần như không còn bình thở, mặt nạ phòng độc nữa.

Gần như toàn bộ lực lượng, phương tiện PCCC của Hà Nội đã được huy động trong vụ cháy
Gần như toàn bộ lực lượng, phương tiện PCCC của Hà Nội đã được
huy động trong vụ cháy. Ảnh: Nguyễn Hưng (Vnexpress)

Tại sao trong phương án cứu hộ trong vụ cháy này, Sở không đề xuất sử dụng trực thăng giải thoát những công nhân mắc kẹt ở nóc tòa nhà?

Giải cứu người bị nạn bằng trực thăng là phương án hay song không đơn giản. Không phải chỗ nào trực thăng cũng đỗ được. Còn nếu cứu người bằng thả thang dây thì rất khó. Hôm qua, chúng tôi dùng thang ở phía bên ngoài nhà để đưa công nhân xuống mà nhiều người sợ, không dám lên thang.

Có người bảo sao không trang bị xe thang cao 100 mét để chữa cháy, cứu người, nhưng tôi khẳng định, thế giới cũng như Việt Nam, không thể sử dụng xe thang cao như vậy. Lên đến độ cao đó thì thang rất lắc. Hệ thống an toàn của xe nếu thấy không đảm bảo xe sẽ tự thu lại.

Trong TP HCM có 2 xe thang cao 72 mét nhưng không bao giờ sử dụng, vì mỗi xe nặng hơn 80 tấn, nếu vận hành thì toàn bộ hạ tầng đường sá, cầu cống trên đường xe đi sập hết, chưa kể hệ thống dây điện phía trên. Hiện, xe thang PCCC chủ yếu dùng loại 32, 52, 54 mét - tức là cao nhất tương đương với nhà 17 tầng.

Theo Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, công tác phòng cháy trong quá trình thi công của tòa tháp điện lực không đảm bảo
Theo Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, công tác phòng cháy
trong quá trình thi công của tòa tháp điện lực không đảm bảo.
Ảnh: Nguyễn Hưng (Vnexpress)

Theo ông, lúc xảy ra cháy ở nhà cao tầng, người bị nạn cần làm gì để thoát hiểm?

Về cơ bản, khi xảy ra sự cố cháy ở nhà cao tầng thì mọi người cần cố gắng thoát ra ở các lối thoát hiểm vì cầu thang hoát hiểm ở các nhà cao tầng kín, có điều áp. Nếu không thoát qua đó được thì qua các hành lang, ban công của tòa nhà. Cuối cùng mới là tìm cách thoát lên cao, nơi có độ thoáng vì khi lên cao thì khói cũng bốc lên.

Khi xảy ra sự cố thì người bị nạn phải bình tĩnh, dùng khăn ướt bịt mồm, miệng tránh ngạt, sau đó tìm cửa thoát nạn và bằng mọi cách báo người ở dưới để biết mình đang ở vị trí nào.

Công tác phòng cháy ở các công trình cao tầng theo ông có những bất cập gì?

Từ năm 2000, những tòa nhà trên 10 tầng đều phải được thẩm duyệt về an toàn PCCC. Trong quá trình vận hành, đáng lý ra các nhà thầu phải dành kinh phí để duy tu, bảo dưỡng nhưng họ gần như không quan tâm.

Đối với các cầu thang thoát hiểm, nhiều người dân nghĩ là thừa, coi như cái kho để đồ thừa, chỗ vứt rác. Tôi mong ngoài lực lượng PCCC thì các ban quản lý tòa nhà thường xuyên làm kiểm tra thiết bị, dụng cụ phòng cháy, lối thoát hiểm…

Ngoài ra, công tác kiểm tra an toàn của cơ quan chức năng hiện quy định rất bất cập. Mỗi khi kiểm tra công trình nào là phải thông báo trước về thời gian, nội dung kiểm tra nên nếu có thiếu sót người ta khắc phục được ngay. Còn nếu không, mức phạt cũng rất thấp, phạt hành chính, nhắc nhở là chủ yếu. Tâm lý người dân của chúng ta nói chung vẫn coi thường việc phòng cháy.

Theo đại tá Tô Xuân Thiều, có tới 500 tòa nhà cao trên 10 tầng ở Hà Nội và con số này đang tăng nhanh. Tuy nhiên, hạ tầng và công tác phòng cháy của thủ đô không đáp ứng nổi. Với quy chuẩn 150 mét dọc các trục đường phải có một trụ cứu hỏa, Hà Nội cần 6.000 trụ nhưng hiện chỉ có hơn 1.000, 1/3 trong số đó không có nước hoặc không vận hành được.

Cả thành phố hiện có 52 xe cứu hỏa song chỉ khoảng 30 xe còn hoạt động, có xe từ những năm 1960. Lực lượng cũng còn quá mỏng, theo quy chuẩn mỗi đơn vị phụ trách 3-5 km2 song hiện có đơn vị đang phải phụ trách địa bàn tới 60 km2...

“Để khắc phục thì chính các tòa nhà cao tầng phải thiết kế hệ thống PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn VN. Khi có sự cố, tòa nhà đó phải tự chữa cháy, tự làm nhiệm vụ thoát nạn cho người ở trong”, đại tá Thiều nói.

Theo Nguyễn Hưng
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.