''Tôi không nhận tiền chạy án của Bùi Tiến Dũng''

''Tôi không nhận tiền chạy án của Bùi Tiến Dũng''
Vụ trưởng Vụ 1A VKSND Tối cao Nguyễn Duy Hồng xác nhận trong bữa cơm tại nhà hàng với Nguyễn Mậu Thôn và một số quan chức không bàn việc chạy tội cho Bùi Tiến Dũng.

Ông cũng không nhận bất cứ khoản nào từ số tiền 100.000 USD mà Dũng định đem "rải" tại Vụ 1A.

''Tôi không nhận tiền chạy án của Bùi Tiến Dũng'' ảnh 1

Vụ Bùi Tiến Dũng dùng 500.000 USD chạy án đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận cả nước.

Được biết, trong số tiền nửa triệu đô la này, Dũng dành 200.000 USD "nhắm" vào cơ quan hành pháp trung ương, 100.000 USD "nhắm" vào Cơ quan điều tra (Bộ Công an), 100.000 USD "nhắm" vào Vụ 1A Viện KSND tối cao, còn 100.000 USD "nhắm" vào một số nhân vật khác.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A) Viện KSND tối cao là người trực tiếp chỉ đạo các phê chuẩn tố tụng liên quan đến vụ án "con bạc triệu đô" Bùi Tiến Dũng và vụ án đường dây tham nhũng ở PMU 18.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Hồng nói :

- Ngày 13/12/2005, Cơ quan điều tra (CQĐT), Bộ Công an bắt quả tang vụ đánh bạc tại đảo tròn, Công viên Bách Thảo và qua khám xét nhà Bùi Quang Hưng đã thu giữ được chiếc máy vi tính lưu giữ danh tính, địa chỉ nhiều đối tượng liên quan đến vụ án Bùi Tiến Dũng. Cho đến nay, Vụ 1A theo đúng chức năng của mình đã phê chuẩn nhiều quyết định tố tụng, khởi tố của CQĐT.

Từ vụ án cờ bạc của đường dây cá độ Bùi Quang Hưng, CQĐT đã phát hiện vụ cố ý làm trái, đưa và nhận hối lộ liên quan đến Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến và PMU 18. Sau khi nhận được hồ sơ liên quan đếán từng bị can của vụ án này, Vụ 1A đã xem xét, nghiên cứu và khi thấy có đủ căn cứ đã phê chuẩn, đáp ứng đúng các yêu cầu của CQĐT.

Tuy nhiên với chức năng kiểm sát, cũng có trường hợp chúng tôi phải xem xét thận trọng, chưa thể quyết định ngay, nhưng rồi sau đó cũng đã phê chuẩn theo đề nghị của CQĐT.

Như trường hợp bị can Lương Mạnh Hoa (lái xe của Bùi Tiến Dũng) là người chuyển tiền đánh bạc của Dũng cho Bùi Quang Hưng, mới đầu chúng tôi phê chuẩn khởi tố về tội đánh bạc, cho tại ngoại, nhưng rồi khi CQĐT phát hiện ra việc Lương Mạnh Hoa liên quan đến vụ hối lộ chạy án thì chúng tôi đã phê chuẩn lệnh tạm giam đối với bị can Hoa.

* Thưa ông, trong vụ án Bùi Tiến Dũng, trong khi các bị can Bùi Tiến Dũng, Vũ Mạnh Tiên, Phạm Tiến Dũng... bị bắt tạm giam, riêng bị can Nguyễn Việt Bắc - Phó Tổng Giám đốc Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN lại được cho tại ngoại. Có nguồn tin cho rằng ông Bắc là người thân của một cán bộ cao cấp mà vị cán bộ ấy lại có quan hệ họ hàng với ông, vậy sự thật như thế nào?

- Đúng là tôi có họ hàng với anh Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và anh Nguyễn Văn Tùng, cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Đảng (em ruột ông Lâm - PV), là người mà CQĐT vừa triệu tập để làm rõ một số vấn đề liên quan.

Các anh ấy ít tuổi hơn tôi nhưng về mặt gia đình lại là anh họ, tôi ở chi dưới, các anh ấy thuộc chi trên, ngày xưa cùng chăn trâu cắt cỏ với nhau mãi. Còn Nguyễn Việt Bắc lại có quan hệ ruột thịt với vợ của anh Nguyễn Văn Lâm.

Nhưng xin khẳng định, trong vụ án đánh bạc, lúc đó, CQĐT đề nghị khởi tố 3 bị can về tội đánh bạc là: Bùi Tiến Dũng, Vũ Mạnh Tiên và Nguyễn Việt Bắc nhưng chỉ xin phê giam đối với 2 bị can Dũng và Tiên, còn bị can Bắc đề nghị cho tại ngoại và Vụ 1A đã phê chuẩn đúng theo đề nghị ấy. Không hề có việc CQĐT đề nghị tạm giam đối với bị can Bắc mà tôi không phê chuẩn. CQĐT cho rằng để bị can Bắc ở ngoài sẽ khai thác được nhiều hơn.

Tôi khẳng định tôi và anh Lâm, anh Tùng chỉ là quan hệ tình cảm họ hàng gia đình, không hề có chuyện gì khác, không tham gia can thiệp vào công việc của nhau.

* Thưa ông, trong vụ án Bùi Tiến Dũng, ông nhận xét gì về việc các đối tượng phạm tội nhắm tới các cơ quan pháp luật để chạy án ?

- Về việc này, tôi rất tán thành quan điểm của thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời phỏng vấn báo chí và thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát trả lời một số tờ báo.

Đó là việc các đối tượng khi phạm tội thường xảy ra việc họ nhắm vào các cơ quan bảo vệ pháp luật để chạy tội, chạy án. Còn việc họ có chạy án được chưa và đã "chạy" được tới người nào lại là một vấn đề khác.

''Tôi không nhận tiền chạy án của Bùi Tiến Dũng'' ảnh 2
Ông Nguyễn Duy Hồng, Vụ trưởng Vụ 1A, Viện KSND tối cao. (Thanh niên)

Trong vụ PMU 18 thì bị can Phạm Tiến Dũng cũng đã đưa 50.000 USD giúp Bùi Tiến Dũng chạy án, bị can Tôn Anh Dũng khai đã nhận 30.000 USD chạy án của Bùi Tiến Dũng, bị can Nguyễn Mậu Thôn thì đã nộp lại CQĐT 500 triệu đồng tiền chạy án cầm của Bùi Tiến Dũng.

Có thể nói vui rằng, việc chạy án là "quyền" của họ, còn việc ngăn chặn chạy án là quyền của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

* Cụ thể, trong vụ án này, từ trước tới nay có đối tượng chạy án nào quan hệ, tiếp xúc với ông không? Được biết, ông đã có mặt trong bữa cơm thân mật tại một nhà hàng sang trọng trên đường Nguyễn Chí Thanh với nhiều nhân vật, trong đó có Nguyễn Mậu Thôn, Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Việt, sau này đã bị bắt giữ vì liên quan đến chạy án ?

- Sự thật về việc này như sau: Tôi có một đứa con gái út học Đại học Luật mới ra trường chưa có việc làm nên có nhờ anh Lâm để ý giúp. Chiều 4/1/2006, anh Tùng có gọi điện thoại hẹn tôi ra quán Núi Đồi hay Núi Phố gì đấy ở đường Nguyễn Chí Thanh ăn cơm với bạn bè của anh Tùng và anh Lâm.

Tôi cũng muốn gặp các anh để trao đổi về hồ sơ xin việc cho con gái của tôi. Khoảng 18 giờ chiều, tôi đến nhà hàng này và 2 người đầu tiên mà tôi gặp là anh Nguyễn Văn Tùng và anh Nguyễn Mậu Thôn.

Trước đó, tôi chưa biết anh Thôn, anh này tự giới thiệu đang làm giám đốc một công ty tư nhân và có nhà riêng, trụ sở ở khu Hoàng Cầu, hẹn tôi hôm nào tới chơi.

Một lúc sau, có thêm một số người khác cùng đến ăn. Anh Tùng giới thiệu một ông là Tổng Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN, và hai ông là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước 2 tỉnh phía Nam, vừa từ trong đó bay ra Hà Nội, xuống sân bay là tới ngay.

Trong bữa cơm thân mật này, mọi người không hề nói gì, trao đổi gì về việc liên quan tới vụ án Bùi Tiến Dũng. Vì tới thời điểm ngày 4/1, trong vụ án đánh bạc mới chỉ có bị can Bùi Quang Hưng bị bắt giữ, chưa có thông tin gì về việc đánh bạc của Bùi Tiến Dũng và tới ngày 20/1 thì Bùi Tiến Dũng mới bị CQĐT bắt khẩn cấp.

Nên có thể khẳng định trong bữa cơm ngày 4/1, không thể có việc chạy án cho Bùi Tiến Dũng. Trong bữa cơm này, tôi cũng có hỏi anh Tùng về chuyện xin việc cho con gái tôi nhưng thấy các anh tỏ ra khó khăn nên sau đó tôi cũng thôi luôn.

* Ông có cho rằng buổi gặp gỡ ấy là cái cớ để bị can Nguyễn Mậu Thôn (người tổ chức việc chạy án cho Bùi Tiến Dũng) đến làm quen với ông không và sau bữa cơm thân mật đó, ông có gặp lại Nguyễn Mậu Thôn không?

- Tôi chỉ dự bữa cơm đó trong khoảng 1 giờ đồng hồ rồi xin phép về trước. Rất may cho tôi là sau đó, tôi và Thôn chẳng ai đến nhà nhau và cũng chẳng hề liên lạc với nhau, chẳng ai nhờ vả, chẳng ai cho nhau cái gì.

Sau này, khi xảy ra vụ Bùi Tiến Dũng chơi cá độ hàng triệu đô la và việc Nguyễn Mậu Thôn dính líu tới việc chạy án thì tôi cũng nghĩ rằng, có thể lúc ấy Thôn cũng có ý định làm quen với tôi. Sau buổi gặp gỡ đó, anh em ông Tùng - Lâm chẳng có ai liên lạc nhờ vả tôi chuyện gì  cả.

* Thưa ông, có nguồn tin cho rằng trong số 500.000 USD chi cho việc chạy án, Bùi Tiến Dũng đã đưa cho đàn em mang 100.000 USD "nhắm" vào Vụ 1A, Viện KSND tối cao để chạy tội, xin ông cho biết suy nghĩ của mình ?

- Không chỉ riêng vụ án này, trong rất nhiều vụ án khác, các đối tượng phạm tội đều muốn nhờ vả người khác để chạy tội. Tôi cho rằng trong vụ án nghiêm trọng này, có việc các đối tượng phạm tội "nhắm" tới các cơ quan bảo vệ pháp luật để chạy tội. Nhưng việc chúng đã chạy tới người nào, đã hối lộ ai để nhờ chạy án lại là một chuyện khác. Riêng bản thân tôi thì xin khẳng định, không hề có việc tôi nhận số tiền này.

* Đến nay, khi có thông tin về vụ chạy án của Bùi Tiến Dũng, ông đã báo cáo với lãnh đạo Viện KSND tối cao về cuộc gặp gỡ tại quán ăn ở đường Nguyễn Chí Thanh chưa?

- Khi có thông tin về vụ chạy án nói trên, Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng đã yêu cầu tôi trình bày về sự việc này để xem xét, với quan điểm nếu không có gì sai phạm thì phải bảo vệ cán bộ của Viện. Tôi đã báo cáo toàn bộ sự thật như đã nói ở trên.

* Thưa ông, với trọng trách là Vụ trưởng Vụ 1A - cơ quan trực tiếp kiểm sát việc điều tra vụ án Bùi Tiến Dũng, ông có bao giờ phải chịu một sức ép nào đó từ bên ngoài tác động vào hay không?

- Trong vụ án này, Vụ 1A và tôi không hề chịu một sức ép nào cả. Hiện nay Viện KSND tối cao vẫn giao cho chúng tôi kiểm sát điều tra vụ án nghiêm trọng trên.

Nhiều khả năng sẽ triệu tập nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn

Từ khi thành lập (năm 1994) đến nay, PMU 18 đã và đang quản lý 15 dự án ODA với tổng số vốn 29.646 tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Việt Tiến đã ký 3 dự án với mức đầu tư tổng cộng là 5.230 tỉ, cụ thể: dự án 45 cầu miền Trung có vốn 545 tỉ đồng, thời gian thi công 2000-2007; dự án giao thông nông thôn 2, số vốn 2.628 tỉ, thời gian 2000-2006; dự án cầu QL I giai đoạn II có số vốn 2.057 tỉ dư 937 tỉ, thời gian 1999-2006; dự án QL I, giai đoạn III có số vốn 1.563 tỉ, thời gian thi công 2004-2009.

Đáng chú ý là trong số 15 dự án thì nguyên Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký tới 8 dự án với tổng số vốn đầu tư là 13.089 tỉ đồng. Ông Đào Đình Bình ký 1 dự án (tách ra từ dự án cũ do nguyên Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký). Nhiều khả năng ông Lê Ngọc Hoàn cũng sẽ bị CQĐT triệu tập để giải trình về những dự án do ông quản lý hồi còn đương chức.

Theo Thanh niên

MỚI - NÓNG