Tôi là phóng viên Tiền Phong ngoài biên chế

TP - Tôi thân thiết với báo Tiền Phong qua một cuộc gặp bất ngờ. Ấy là buổi họp mặt cộng tác viên tạp chí Văn nghệ Quân đội cuối năm 1979.

Đang không khí đánh quân bành trướng, phóng viên, cộng tác viên toàn áo lính, nhiều anh như vừa từ các chiến trường Bình Liêu, Cao Lộc, Trùng Khánh, Vị Xuyên, Cam Đường về…, áo còn vương mùi khói súng, chỉ nhận ra thứ bậc ở các sao gạch trên ve áo. Ồn ào và hăm hở là các học viên trường viết văn Nguyễn Du, phần lớn là các chàng trai từ binh nhì đến thiếu úy. Chu Lai mới ba mươi đã để râu như tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ. Hữu Thỉnh cao gầy, nhỏ nhẹ. Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu rụt rè khiêm tốn, Xuân Đức cổ kính khắc khổ, Trung Trung Đỉnh ồn ã, hóm hỉnh… Bên cạnh lớp đàn anh Vũ Cao, Chính Hữu, Hồ Phương, Hữu Mai, Xuân Thiều, Lê Lựu, Triệu Bôn… thê đội kế cận Văn nghệ Quân đội này tỏ ra khiêm nhường nhưng bản lĩnh ngầm, đáng tin cậy.

Tôi là phóng viên Tiền Phong ngoài biên chế ảnh 1

Nhà văn Hoàng Minh Tường. Ảnh: Nguyễn Ðình Toán

Lạc lõng và vô danh trong đám cộng tác viên hùng hậu ấy là mấy anh nhà báo quốc doanh chúng tôi mà tên tuổi còn lạ hoắc và thậm chí chẳng ai biết ai là ai. Tôi được mời dự chẳng phải vì cái truyện ngắn đầu tay “Chuyện riêng ông chủ nhiệm” đăng trên VNQĐ năm 1974, hay vì bài phóng sự mới nhất “Thầy trò cùng ra trận” viết về ngành giáo dục tham gia lập phòng tuyến Sông Cầu, rồi xung phong lên chốt Cao Bằng…, mà vì tôi là phóng viên báo Người giáo viên Nhân Dân (báo Giáo dục và Thời đại ngày nay).

Một anh thấp nhỏ, dáng thư sinh, rụt rè đến bên tôi, chìa tay ra:

- Tưởng ông già khú đế, ai ngờ trẻ măng thế này, chắc ba mươi, bằng tuổi tôi, mà vừa cho in tiểu thuyết Đồng chiêm như một cục gạch ném vào văn đàn…

- Sao ông biết tôi?

- Hồi ở Hòa Bình tôi thường đọc Văn nghệ Việt Bắc. Từ năm 1974 ông đã cho trích đăng tiểu thuyết Đầu sông, đọc khá ấn tượng… (NXB Lao Động in năm 1981).

Tôi nhìn như thôi miên ông bạn mới ở báo Tiền Phong, có tên là Nguyễn Hoàng Sơn. Thì ra tay này đã theo dõi tôi từ ngày ấy. Chúng tôi lập tức trở thành hai thằng bạn thân thiết. Trước khi về báo Tiền Phong, Sơn là cử nhân kinh tế, công tác ở Sở Xây dựng Hòa Bình. Cái thị xã nhỏ nằm ép bên đường số sáu, dọc con sông Đà cuồng nộ có tên nghĩa đen là hắc giang, sông đen, nào ngờ vào thơ hắn (trong bài Đi trong đêm thị xã) và đã giành giải trong cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1975 - 1976.

Ngay trưa ấy, trong lúc liên hoan, Sơn đã ghé tai tôi: “Tớ mới mất cái xe đạp chiều tối qua ở vườn hoa. Nghe nói cậu mới lĩnh nhuận bút tiểu thuyết Đồng chiêm ở NXB Thanh Niên, cho tớ vay nóng vài trăm. Phải mua cái xe đạp khác kẻo vợ nó cằn nhằn…”. Tôi thích sự hồn nhiên bộc trực của Sơn và gật đầu liền. Quả là khi đó tôi rất giàu. Đồng chiêm in 12.000 cuốn, nhuận bút 5.500 đồng, có thể mua liền hai ngôi nhà ở Hà Nội (tuần trước đấy, anh Cung, sửa morat ở NXB Thanh Niên đã dẫn tôi xuống xem một ngôi nhà ngói năm gian trong ngõ lớn đường Trương Định, có sân gạch, hòn non bộ trước nhà, giá có 2.500 đồng). Kết quả là Sơn ung dung cưỡi chiếc xe đạp hiệu Sterling đã cũ nhưng còn tốt, không như mấy xe trước mà Sơn từng bị mất, pedan nhọn hoắt như ngọn bút chì, về khu tập thể Chùa Ngòi, Hà Đông trong tiếng cười phe phé của vợ. Nhờ chiếc xe đạp ấy, từ đó tôi trở thành khách đặc biệt của gia đình Sơn, mỗi lần về quê Ứng Hòa tôi đều ghé qua Chùa Ngòi chén chú chén anh và bù khú chuyện văn chương.

Chiếc xe đạp Sterling ấy đã thực hiện chiến công đầu tiên khi tôi và Sơn rong ruổi trên hai con ngựa sắt về Bình Đà làm phóng sự về nông thôn. Ông chủ nhiệm hợp tác xã Bình Minh, nhờ phong trào khoán hộ đã được cất lên chức bí thư huyện ủy Thanh Oai. Ông đón tiếp chúng tôi thật trọng thị quá sức tưởng tượng tại nhiệm sở quan đầu huyện. Và nhà báo Nguyễn Hoàng Sơn, ngoài chuyến du hí về quê tôi, thăm u tôi, đã có một bài viết dài gần hai trang chất lượng cao trên báo nhà về phong trào nông nghiệp đi lên sản xuất lớn ở quê pháo Bình Đà.

Tôi thuộc danh sách những cộng tác viên ruột, được mời đi nghỉ mát những kỳ hè, những dịp kỷ niệm. Những năm 1990, khi báo viết còn địa vị độc tôn, chưa bị tivi và phương tiện truyền thông lấn lướt, chưa bị thị trường tha hóa, là thời kỳ Tiền Phong lên đỉnh về số lượng phát hành, phóng viên thường ký lương theo tuần.

Qua Nguyễn Hoàng Sơn, tôi trở thành cộng tác viên ruột của Tiền Phong. Từ Tổng biên tập Đinh Văn Nam, nhiếp ảnh gia Mai Nam, các nhà báo kỳ cựu Đăng Trung, Hữu Thanh, Tâm Tâm, Bích Hậu, Phan Cung Việt, đến các nhà báo cùng trang lứa Dương Kỳ Anh, Ngọc Bộ, Xuân Ba, Phạm Yên, Nguyễn Văn Minh, Mạnh Việt, Trung Hiền; rồi đến lớp Lê Xuân Sơn Hữu Việt, Lê Anh Hoài,… và mỹ nhân Dương Phương Vinh… đều thân thiết, quý mến như người cùng báo. Tôi thuộc danh sách những cộng tác viên ruột, được mời đi nghỉ mát những kỳ hè, những dịp kỷ niệm. Những năm 1990, khi báo viết còn địa vị độc tôn, chưa bị tivi và phương tiện truyền thông lấn lướt, chưa bị thị trường tha hóa, là thời kỳ Tiền Phong lên đỉnh về số lượng phát hành, phóng viên thường ký lương theo tuần. Và lần nào ký xong, chúng tôi thường khao nhau ở quán bia hơi 30 Nguyễn Du, hoặc quán rượu bà Chi, quán cô giáo Hương, quán cháo lòng cô giáo Hà. Có thể có thêm những cộng tác viên gạo cội khác, nhà thơ Trúc Cương, các nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, Quang Khải, Nguyễn Huy Dung, nhà văn Hòa Vang… Bia hơi Hà Nội và rượu quốc lủi thôi, nhưng vui như tết, và thường nảy sinh những ý tưởng mới cho bài viết những tuần sau. Thời gian ấy, tôi viết khỏe, tháng nào cũng xuất hiện ở các tờ báo trên sạp, thỉnh thoảng lại ra tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập phóng sự. Nguyễn Hoàng Sơn vốn tính uymua, một hôm bỗng thấy xuất hiện trên Tiền Phong bài viết ký tên anh: “Hoàng Minh Tường, cây bút có hiệu suất cao”. Không biết tay bạn rượu này khen hay giễu mình (!?).

Mười năm ở báo Người giáo viên Nhân Dân (1977 - 1987), rồi mười năm tiếp ở báo Văn Nghệ (1988 -1998), những lần đi thực tế cơ sở, ngoài việc dành tư liệu chính yếu cho báo nhà, tôi đều lọc ra những sự kiện, chi tiết thích hợp, phần lớn có liên quan đến văn hóa văn nghệ để viết cho Tiền Phong (cố nhiên có cả các báo Phụ Nữ, Đại Đoàn Kết, Lao Động, Thiếu niên Tiền Phong… mà tôi thường cộng tác. Ví như hồi 1993, tôi trong đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm Trung Quốc khai thông băng giá sau ba mươi năm hai Hội nhà văn tuyệt giao. Ưu tiên đăng bài ở báo Tiền Phong tôi chuyển cho Nguyễn Hoàng Sơn cả seri bài các nhà văn ta gặp nhà văn Ngụy Nguy ở Bắc Kinh thế nào, đến thăm nhà văn Ba Kim ở Thượng Hải và được văn hào tặng bộ Tùy Tưởng Lục ra sao.

Khi tờ Tiền Phong Chủ nhật ra đời bán chạy thì tôi trở thành cây bút thân thiết của chuyên trang văn nghệ. Đi thăm Mông Cổ về (2007), kể chuyện Đế chế Nguyên Mông cho bạn bè Tiền Phong ở quán bia 30 Nguyễn Du, các bạn xúi tôi viết phóng sự nhiều kỳ. Rồi chuyện tôi đi Huế, uống rượu với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cùng bạn bè văn chương Huế tại căn nhà tổ phụ của ông dưới Vĩ Dạ, soi rọi một phần tâm trạng ông “quan” văn nghệ đầu triều về ở ẩn, cũng được bạn đọc đón nhận với niềm thương cảm, ngậm ngùi

Nhưng ấn tượng, nhiều kỷ niệm nhất với Tiền Phong, vẫn là những chuyến đi và những bài viết về những người làm thủy điện Sông Đà. Ngay từ những năm công trình thủy điện Hòa Bình khởi dựng, báo Tiền Phong đã trở thành người bạn kết nghĩa của công trình thanh niên cộng sản này. Báo đã đăng không ít bài viết của tôi về những người anh hùng Sông Đà: Ngô Xuân Lộc, Bagachelco, Nguyễn Khắc Kiên, Trần Thọ Chữ, Nguyễn Thị Ngừng… Ngày ấy, họ thực sự là những người dâng hiến công sức trí tuệ cho nền móng công nghiệp điện lực. Nhớ mãi một ngày được nhận giải nhất (mười triệu đồng kia đấy) cuộc thi viết về những người thợ Sông Đà trong loạt bài “Mấy khúc sông Đà” và “Người anh hùng đường ngầm Trần Thọ Chữ” in trên Tiền Phong do Tổng công ty Sông Đà trao tặng.

Hình như ngoài truyện ngắn, bút ký, phóng sự, chân dung văn học, sổ tay người yêu thơ, tản văn… tôi đã từng được đăng trên báo Tiền Phong, còn có cả thơ nữa. Có một chùm thơ về những người thợ Sông Đà. Tôi muốn chép ra đây, để tri ân những người làm thủy điện Sông Đà, và cả người anh em kết nghĩa - báo Tiền Phong, nhân ngày kỷ niệm tờ báo 65 tuổi:

Thủy điện Hòa Bình tóc còn xanh

Thủy điện Sơn La đầu đã bạc

Hai mươi năm vợ xuôi chồng ngược

Sông Đà ơi, đã đủ nói lời yêu?

Và bây giờ tôi muốn thêm: Tiền Phong ơi, đã đủ nói lời thương?

SG, 30/10/2018

            H.M.T

Vẫn cứ hiệu suất cao

Đúng như lời khen thực thà (chứ không có cái ý giễu như Hoàng Minh Tường nghi ngại?) trong một bài viết của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn “Hoàng Minh Tường, cây bút có hiệu suất cao”- nhà văn Hoàng Minh Tường tuổi Tý (sinh năm 1948) này có khối lượng sáng tác hơi bị khủng. Gần 20 tiểu thuyết, hơn chục tập truyện ngắn và cũng ngần đó các tập bút ký phóng sự. Hơi bị khác với những anh chữ nghĩa chuyên nghiệp thường bắt đầu bằng truyện ngắn hay ký nhưng lão vào nghề văn bập ngay vào việc viết tiểu thuyết. Trời thương cho cái trường sức tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh. Lão thường không giấu hài lòng xoa tay thốt ra như thế mỗi khi có ai đó khen lão khỏe. Không khỏe sao được bảy mươi mà cứ phăm phăm hết xuôi Nam lại ngược Bắc đăm đắm với việc viết. Trong cái email gửi bài viết trên đây từ Sài Gòn, lão nhắn thêm tôi là nói với Tiền Phong chủ nhật dành chỗ cho lão tãi cái phóng sự dài kỳ về chuyến đi Irak mà lão sắp… lên đường!

Nhớ năm xa ngồi với đám viết, nghe bạn khen tiểu thuyết Đồng chiêm, lão nạt ngay cũng thường thôi… Tưởng lão nhũn, khiêm. Nhưng đùng cái mấy năm sau, lão nối liền, tung ra mấy cục gạch nặng chịch về đề tài nông thôn Gia phả của đất, Thủy hỏa đạo tặc… đoạt Giải Hội Nhà văn. Và kinh nhất là Thời của thánh thần được dịch sang tiếng Nhật tiếng Pháp. Trong đó có cuốn được xuất bản ở Ba Lê.  

Xuân Ba

MỚI - NÓNG