Tối nay, siêu bão vào biển Quảng Trị -Hà Tĩnh

Tối nay, siêu bão vào biển Quảng Trị -Hà Tĩnh
TP - Khoảng tối nay, siêu bão Haiyan nằm trên vùng biển Quảng Trị- Hà Tĩnh với sức gió mạnh cấp 12- 13 giật tới cấp 14 - 15, sau đó đổi hướng đi theo hướng bắc tây bắc và bắc.

> Đà Nẵng sơ tán xong gần 133.000 dân tránh siêu bão
> Siêu bão giật cấp 17 mở rộng ảnh hưởng ra phía Bắc

7 giờ sáng mai 11/11, tâm bão nằm trên khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ và nam đồng bằng Bắc bộ, với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12. Sau đó tan thành áp thấp nhiệt đới. 19 giờ ngày 11/11, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên các tỉnh đông bắc bộ.

Khu vực bắc Vịnh Bắc bộ từ hôm nay có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Các tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa, từ chiều tối và đêm 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8- 9.

Ngày 9/11, Chính phủ tổ chức 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống siêu bão Haiyan tại các tỉnh miền Trung, do 2 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu. Lực lượng quân đội huy động trên 454.000 người, hơn 5.500 phương tiện, trong đó 2.750 ô tô, trên 340 tàu, gần 2.400 xuồng các loại và đặc biệt có 17 máy bay sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ cứu nạn trong bão.

Quân khu 5 cũng chỉ đạo mở các hầm quân sự trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho dân trú tránh bão, phối hợp với nhà máy lọc dầu Dung Quất tiếp trên 1.000 người tránh bão.

Thủ tướng có công điện, yêu cầu tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, các tỉnh miền Bắc, theo dõi chặt chẽ để chủ động cấm biển, kiểm soát chặt chẽ tàu vận tải, du lịch; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè thủy, hải sản; chủ động cho học sinh nghỉ học, hoãn các cuộc họp không cần thiết để chống bão.

Trường Sa: không thiệt hại

Sau vài giờ chịu gió cấp 10, giật cấp 11, cấp 12, đến 17 giờ ngày 9/11 ở đảo Song Tử Tây (Trường Sa, Khánh Hòa) chỉ còn gió cấp 4, cấp 5, không mưa - Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 – Vùng 4 Hải quân, Phó Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa, công tác phòng, tránh cơn bão Haiyan đã được hoàn thành ở tất cả các đảo trong ngày 8/11.

Khoảng 8 giờ sáng 9/11, tại đảo Song Tử Tây có gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 cấp 12. Gió với cường độ gió mạnh như vậy quần tại khu vực đảo Song Tử Tây, đảo Đá Nam cho đến khoảng 14 giờ chiều. Kèm theo gió là mưa to và sóng lớn, có lúc sóng cao đến 4m – 5m. Đến chiều 9/11, gió giảm dần cường độ. Tại đảo Trường Sa ở cách đảo Song Tử Tây 222 hải lý, Trung tá Lương Xuân Giáp, Phó Chính trị viên trưởng đảo Trường Sa cho biết, trời đã quang, mây đã tạnh từ lúc 15 giờ ngày 9/11. Các đảo không có thiệt hại đáng kể.

Di dân quy mô lớn

Suốt ngày 9/11, các địa phương tại TT-Huế cật lực di dời hơn 29 vạn hộ dân (trên 113.000 nhân khẩu) đến nơi an toàn. Đây là cuộc sơ tán dân ứng phó thiên tai lớn chưa từng thấy từ trước tới nay tại tỉnh này. Cùng ngày, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã đến TT-Huế để chỉ đạo công tác ứng phó bão.

UBND tỉnh TT-Huế cũng lưu ý các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn có phương án bảo đảm an toàn cho 7.894 khách du lịch đến Huế tham quan bị kẹt bão.

Tại Nghệ An, ngày 9/11, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã về các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành kiểm tra, đôn đốc phòng chống bão. Khắp các phường xã, loa phóng thanh liên tục phát đi bản tin dự báo về cơn bão số 14, hối hả thúc giục mọi người dân khẩn trương đối phó bão đang áp sát đất liền.

Tại âu tránh bão xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hàng trăm tàu thuyền của Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi tập kết. “Ngoài việc sơ tán dân ở vùng ven biển, tỉnh đang tiếp tục phát thêm lệnh khẩn cấp sơ tán 12.000 hộ dân với hơn 40.000 nhân khẩu ở các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, có nguy cơ bị lũ quét nguy hiểm trong và sau bão đến nơi an toàn”, Phó Chu tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn nói.

Nhà mạng chống bão

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, từ sáng sớm 9/11, Đại tá Hoàng Công Vĩnh – Phó Trưởng ban Phòng chống lụt bão Bộ TT-TT, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Tập đoàn Viettel đã có mặt và trực tiếp kiểm tra, chỉ huy công tác chuẩn bị của các đơn vị thuộc Tập đoàn từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.

Tổng cộng 10 đội chỉ huy tiền phương, 272 đội ứng cứu thông tin cơ động với hơn 1 ngàn cán bộ kỹ thuật được trang bị đầy đủ vật tư thiết bị, đã hành quân trong đêm 8/11 đến ứng trực tại vị trí trọng yếu thuộc các tỉnh có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. 5 xe phát sóng cơ động, 225 máy phát điện, 30 ca-nô, … cũng đã được điều chuyển bổ sung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. 5 máy thông tin quân sự sóng ngắn đã được bố trí ở khu vực này. 100% lực lượng kỹ thuật các chi nhánh Viettel tại miền Trung đã trực tại vị trí.

Cty MobiFone cũng huy động 100% nguồn lực tại các đài Viễn thông ứng trực 24/24h.

Hủy các chuyến bay đi/đến miền Trung, Tây Nguyên

Bộ GTVT vừa yêu cầu các đơn vị cử lãnh đạo trực tiếp chỉ huy tại hiện trường, tăng cường thời lượng phát sóng cảnh báo hàng hải, bảo vệ công trường, chuẩn bị phương án cứu hộ, điều hành giao thông sau bão…Về hàng không, Bộ GTVT chỉ đạo các biện pháp phòng tránh bão, lũ tại các sân bay, nhà ga; đưa các máy bay đến nơi tránh, trú an toàn, điều chỉnh lịch bay phù hợp.

Ngày 9/11, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã điều chỉnh và bổ sung 18 chuyến bay. Tối 9/11, VNA tiếp tục thông báo: Ngày 10/11, hủy tổng cộng 62 chuyến bay đến/đi từ các sân bay Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Quy Nhơn, Tuy Hòa. Đối với sân bay Đà Nẵng và Huế, dự kiến, các chuyến bay sẽ được nối lại từ sau 18 giờ ngày 10/11.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.