"Tôi tha thiết muốn được gặp Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin"

"Tôi tha thiết muốn được gặp Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin"
Anh Trần Trung Dũng, người phanh phui việc ông Hiệu trưởng trường xiếc sửa văn bằng, chứng chỉ trốn hưu, đã bày tỏ mong muốn được gặp để cảm ơn Bộ trưởng Phạm Quang Nghị.
"Tôi tha thiết muốn được gặp Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin" ảnh 1

Trần Trung Dũng 

Đã 8 tháng nay, kể từ khi việc ông Nguyễn Văn Đức - Hiệu trưởng Trường trung học Xiếc Việt Nam sửa chữa văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ, lý lịch Đảng viên bị phanh phui (phản ánh tại Tiền phong ra ngày 4/7 và 5/7/2005), anh Trần Trung Dũng - chuyên viên Phòng Hành chính Tổng hợp - Trường trung học Xiếc Việt Nam cũng bị sa sút sức khoẻ, tinh thần nhiều lúc rơi vào khủng hoảng.

Bị rơi vào trạng thái ấy, không phải Dũng sợ bị đe dọa, trù dập, sợ bị mất việc mà chỉ lo sau vụ việc này, ông Đức, bà Lý vẫn “khoẻ mạnh” hoặc chỉ bị “sứt mẻ” đôi chút, không hề hấn gì thì chẳng khác nào người ta buộc anh phải sống chung với tiêu cực để học cách biết im lặng!

Ở tuổi 34 nhưng nhìn vẻ mặt lúc nào cũng thường trực nét khắc khổ, lam lũ. Sinh ra tại Thái Bình, nhà nghèo khó nên Dũng phải vừa học vừa kiếm sống từ khi đủ sức khoẻ vác cày, vác cuốc ra đồng. Tốt nghiệp PTTH, năm 1992, anh theo học Trung cấp điện tại Nam Định, mong thực hiện ước mơ làm ông chủ cửa hàng sửa chữa đồ điện.

Nhưng rồi, “sự nghiệp” bỗng chuyển hướng, năm 1994, anh cùng em trai nhập ngũ. Thế nhưng, vào quân ngũ được 1 năm, anh lại bị tai nạn nặng và trở về địa phương. Về quê, anh quyết theo đuổi con đường đại học. Năm 1996, anh dự thi và đỗ Đại học Luật Hà Nội.

Năm 2002, anh tốt nghiệp và được nhận về công tác tại Trường Xiếc Việt Nam, lương 500.000 đồng/tháng. Có việc làm, Dũng cưới vợ ngay! Để đủ tiền thuê nhà và chăm sóc con nhỏ, ngoài công việc tại trường, Dũng phải đi làm thêm nghề sửa chữa đồ điện. Kinh tế gia đình chưa thoát khỏi khó khăn, anh lại vướng chuyện “chống tiêu cực”. Từ đó, việc làm thêm bấp bênh, tính mạng bị đe dọa…

Sau khi gửi báo cáo và chứng cứ lên Ban giám hiệu và một số Vụ liên quan của Bộ VH-TT (ký tên Trần Trung Dũng), lập tức anh bị ông Nguyễn Văn Đức ra quyết định đình chỉ công tác, niêm phong phòng làm việc. Khi bình xét thi đua, anh cũng bị cho là “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Tệ hơn, anh còn bị người ta đe dọa hành hung, nhắn tin khủng bố tinh thần. Vợ anh hằng đêm ôm con khóc vì ông chồng “gàn dở”. Dũng nói: “Một số người cho rằng, tôi đụng đến ông Đức, bà Lý là chẳng khác nào “châu chấu đá xe”. Tôi lại nghĩ khác, mình đã từng nghèo, từng từ tay trắng đi lên, từng lặn lộn dưới đáy xã hội để có miếng cơm, manh áo; nay đấu tranh vì lẽ phải mà lại trở về tay trắng cũng cam lòng. Mình có tâm sáng, yêu lao động, tận tâm với công việc lo gì không làm lại được từ đầu. Tôi đã xác định như thế nên chẳng có gì khiến tôi nao núng…”.

Có một điều khác nữa khiến Dũng vững tâm, tin vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực mà anh đang đối mặt. “Tôi tin vào sự công minh, chính trực của những người có chức trách ở Bộ VH-TT. Tôi đã rất cảm kích trước sự thẳng thắn, tinh thần vì công lý của Tổ công tác của Bộ VH-TT khi về trường làm việc.

Cũng vì họ chính trực, công minh nên đã có lần bị kẻ xấu tìm cách bôi nhọ. Đặc biệt, tôi rất cảm động khi được Bộ trưởng VH-TT Phạm Quang Nghị quan tâm. Khi ông Đức vội vã ra quyết định đình chỉ công tác, niêm phong phòng làm việc của tôi, Bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo là phải làm rõ vấn đề tại Trường Xiếc Việt Nam.

Thế nên, ông Đức không dám làm bừa, buộc phải hủy quyết định đình chỉ công tác và trả lại phòng làm việc cho tôi. Tôi rất muốn một ngày nào đó xin được gặp Bộ trưởng Phạm Quang Nghị để cảm ơn và cũng được trực tiếp trình bày những việc tôi đang làm vì sự công bằng, trong sạch của môi trường sư phạm” – Dũng bộc bạch.

Tại bữa cơm trưa cạnh Trường Xiếc Việt Nam, bạn bè cứ liên tục nhắc Dũng phải “thư giãn” đi không lại bị “điên” đấy. Anh cười rồi lại buồn ngay, nghĩ ngợi điều gì đó như không thể dứt ra được. Một người bạn nói: “Vẻ ngoài khắc khổ thế này thì có được “ngồi trên đống vàng” Dũng cũng chẳng thảnh thơi được…”.

Dũng cười rồi pha thêm: “Vợ tôi cũng từng than phiền, suốt đời này chắc em phải khổ vì tính anh. Cô ấy cho rằng, tôi chỉ thích rước vạ vào thân. Còn một vài đồng nghiệp lại bình luận: “Chưa ai dại như Trung Dũng”. Tôi chặc lưỡi, dại - khôn ai biết mà lần…”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.