Tôi với Tiền Phong - từ duyên đến nghiệp

Sỹ quan trẻ Bùi Thuận Hóa (Thu Thủy - dưới, bìa trái) cùng đồng đội trên chốt tiền tiêu Mặt trận Vị Xuyên
Sỹ quan trẻ Bùi Thuận Hóa (Thu Thủy - dưới, bìa trái) cùng đồng đội trên chốt tiền tiêu Mặt trận Vị Xuyên
TP - Thấm thoắt thế mà đã gần 30 năm, tôi trở thành “người nhà”, một trong số ít cộng tác viên lâu năm nhất của Tiền Phong. Trong suốt quãng thời gian này tôi đã viết và đăng hàng ngàn bài với đủ thể loại.

Tôi vốn là sinh viên trường Ðại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội nhập ngũ khi còn chưa kịp thi tốt nghiệp theo Lệnh Tổng động viên để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh lớn “quyết tâm tiêu diệt địch ngay trên tuyến đầu, thời điểm đầu”. Sau khi vào quân đội, qua sàng lọc, được lựa chọn vào cơ quan nghiên cứu về đối tượng tác chiến, tôi có điều kiện tiếp xúc với sách báo nước ngoài hồi đó còn hiếm hoi, nhất là sách báo Hoa ngữ của Trung Quốc, Hongkong.

Vốn là người ham đọc nên tôi trở thành khách quen của Thư viện Quân đội, luôn là người đầu tiên “bóc tem” những lô báo, tạp chí mới. Tuy nhiên báo chí đặt mua qua Xunhasaba thường về chậm cả tháng trời nên mất tính thời sự, để có nguồn báo chí nhanh chúng tôi phải “xoay” qua cách khác: đặt các cán bộ đại sứ quán ta ở Bắc Kinh mua và gửi về qua đường công văn ngoại giao, mua của những người bán lẻ trên vỉa hè phố Tràng Tiền và cuối cùng là “móc” được với một chị làm ở bộ phận dịch vụ trên sân bay Nội Bài. Nhờ nguồn “sân bay” này mà tôi có được những tờ báo xuất bản ngay trong ngày của Bắc Kinh, Hongkong… rất hữu ích cho việc nghiên cứu, tham khảo…

Có nguồn tư liệu quý hiếm trong tay (vào thời bấy giờ), tôi bắt đầu dịch, viết cho các báo, ngoài việc nâng cao khả năng viết lách, trình độ ngoại ngữ, chuyển tải những thông tin khi đó rất hiếm hoi về đất nước, xã hội, con người Trung Quốc thời hậu “Cách mạng Văn hóa” và bắt đầu Cải cách mở cửa; còn một lý do nữa là có thêm thu nhập để lo liệu cho cái gia đình nghèo “chồng bộ đội, vợ cán bộ Ðoàn” của mình…

Vào năm 1988, khi đó cuộc chiến đấu phòng thủ giữ đất biên giới, chống đối phương lấn chiếm ở Vị Xuyên đã bước vào giai đoạn cuối. Phía đối phương sau những thiệt hại nặng nề trong năm 1987 đã xuất hiện xu hướng phản chiến mạnh mẽ. Xu hướng này được phản ảnh rõ nét qua văn học. Tôi đã đọc, phát hiện ra điều này qua những truyện ngắn đăng trên tạp chí “Giải phóng quân văn nghệ” của quân đội Trung Quốc và chuyển ngữ để phục vụ nghiên cứu và chọn những tác phẩm hay, có tính nghệ thuật và nội dung phù hợp với chủ trương, chính sách của ta thử tìm cách đăng lên để giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc chiến tranh này qua góc nhìn tích cực từ phía bên kia. Tôi đem vài bản thảo ra tạp chí Văn nghệ Quân đội, rụt rè gặp nhà thơ Anh Ngọc - người phụ trách biên tập mảng văn học nước ngoài khi đó, với ý nghĩ chưa chắc đã đăng được bởi tác giả truyện là nhà văn quân đội bên kia chiến tuyến. Anh Ngọc đọc ngay, tỏ ý khen tôi biết chọn đề tài, truyện hay, dịch tốt… và nói sẽ chọn đăng một vài truyện.

Tôi vẫn đang và sẽ tiếp tục cộng tác với Tiền Phong bởi tôi và báo có “duyên” đặc biệt và cũng bởi Tiền Phong là cái nôi để tôi thể hiện và rèn luyện nghiệp vụ cùng bản lĩnh của người cầm bút!

             Nhà báo, dch gi

            Thu Thy

Mặc dù “đất” dành cho mảng văn học nước ngoài ít, phải “quay vòng”, nhưng trong thời gian khoảng 1 năm, Văn nghệ Quân đội đã ưu ái đăng tới 2 - 3 truyện ngắn Trung Quốc do tôi dịch. Rồi phần thưởng bất ngờ đến với tôi, năm 1989, tôi được Văn nghệ Quân đội trao Giải thưởng của năm dành cho văn học dịch với truyện ngắn “Hai người lính” với nội dung kể về một người lính Trung Quốc ra đánh nhau ở biên giới, suốt ngày rình rập, tìm mọi cách hạ thủ đối thủ mà không biết đánh nhau với ai, vì sao lại đánh… để rồi cuối cùng bị đối thủ hạ sát, trước khi chết vẫn không hiểu vì sao mình chết. Truyện ngắn này vốn gây xôn xao trong dư luận Trung Quốc, khi được chuyển ngữ đăng lại trên Văn nghệ Quân đội cũng gây ảnh hưởng tích cực.

Và cái “duyên” đã đưa tôi đến với báo Tiền Phong. Hôm tạp chí Văn nghệ Quân đội họp tổng kết năm 1989 và trao giải cho các tác giả được tặng thưởng, tôi tình cờ ngồi bên cạnh nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, khi đó đang là Trưởng ban Tiền Phong Chủ nhật - một tờ báo cuối tuần khổ nhỏ thuộc loại bán chạy nhất trên thị trường hồi ấy. Anh Sơn hỏi han về công việc của tôi rồi mời tôi tới tòa soạn chơi và chính thức mời tôi cộng tác với báo…

Tôi với Tiền Phong - từ duyên đến nghiệp ảnh 1

Nhà báo, dịch giả Thu Thủy 

Thấm thoắt thế mà đã gần 30 năm, tôi trở thành “người nhà”, một trong số ít cộng tác viên lâu năm nhất của Tiền Phong. Trong suốt quãng thời gian này tôi đã viết và đăng hàng ngàn bài với đủ thể loại từ thời sự quốc tế, văn hóa văn nghệ, thể thao, bình luận quốc tế… chuyển tải đến bạn đọc những vấn đề nóng hổi, cập nhật về tình hình Trung Quốc, quan hệ Việt - Trung, tình hình Biển Ðông và khu vực cũng như các vấn đề quốc tế liên quan. Trong thời gian cộng tác với Tiền Phong, tôi có thêm nhiều người anh, người bạn, quen thêm nhiều bạn viết. Ðặc biệt, nhờ có những người anh đáng kính như Nguyễn Hoàng Sơn, Dương Xuân Nam, Nguyễn Văn Minh, Lương Ngọc Bộ, Xuân Ba… mà tôi viết ngày càng “chắc tay”, nghiệp vụ báo chí cũng được nâng lên. Cũng qua Tiền Phong mà cái tên “Thu Thủy” được nhiều người biết đến, tôi được nhiều nơi mời cộng tác; nghề “tay trái”có lúc trở thành nguồn thu nhập chính giúp tôi trang trải cuộc sống gia đình.

Trong gần 30 năm liên tục cộng tác với Tiền Phong, tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ: được báo cấp máy ghi âm mini - thứ phương tiện xa xỉ hồi đầu thập niên 1990; được báo làm thủ tục để Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao & Du lịch cấp Thẻ Nhà báo năm 1994; được mời tham gia các sự kiện do báo tổ chức như thi Hoa hậu, Siêu Cúp bóng đá quốc gia đầu các mùa giải V-League… Nhớ những ngày đầu bắt đầu biết đến internet năm 2000 với cảm giác ngạc nhiên và thích thú khi vào mạng đọc các trang báo chữ vuông trên máy tính của ban TPCN; nhớ những ngày tháng căng thẳng năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan “Haiyang Shiyou 981” vào vùng đặc quyền kinh tế của ta hoạt động trái phép, tôi đã cùng Tổng biên tập Lê Xuân Sơn trao đổi, kịp thời có loạt bài tuyên truyền, đấu tranh, báo được trên biểu dương còn tôi được Tiền Phong thưởng “nóng”…

Bắt đầu cộng tác với Tiền Phong từ khi còn là một thanh niên sôi nổi, hăng hái đầy nhiệt huyết cống hiến; nay đã bước qua tuổi 60, đã là ông già về hưu nhưng tình cảm của tôi với Tiền Phong vẫn nguyên vẹn. Tôi vẫn đang và sẽ tiếp tục cộng tác với Tiền Phong bởi tôi và báo có “duyên” đặc biệt và cũng bởi Tiền Phong là cái nôi để tôi thể hiện và rèn luyện nghiệp vụ cùng bản lĩnh của người cầm bút!

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Tiền Phong ra số đầu tiên, xin chúc ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên Tiền Phong mạnh khỏe, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để Tiền Phong xứng đáng là tờ báo hàng đầu của giới trẻ, tiếp tục đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực, bảo vệ thành quả cách mạng đầy gian nan hiện nay.

___

(*) Cộng tác viên thân thiết 30 năm của báo Tiền Phong, bút danh Thu Thủy

MỚI - NÓNG