“Tôi xin ứng cử ủy viên Trung ương Đảng”

“Tôi xin ứng cử ủy viên Trung ương Đảng”
Giáo sư -Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Hãn, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, xin ứng cử vào ban chấp hành trung ương khóa mới.
“Tôi xin ứng cử ủy viên Trung ương Đảng” ảnh 1
Giáo sư -Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Hãn

Như vậy, lại thêm một tín hiệu vui trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần X.

Trao đổi với chúng tôi về quyết định của mình, ông Hãn nói:

Là con một gia đình nông dân, tôi may mắn được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện đào tạo ở nước ngoài: học đại học, sau đại học và bảo vệ luận văn tiến sĩ khoa học toán lý tại Viện liên hợp hạt nhân Dupna.

Sau này, khi về công tác, tôi được Nhà nước tạo điều kiện đến làm việc tại các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới như: Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu tại Geneva, Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế Abdus Salam đặt tại Trieste (Ý) và Viện Vật lý lý thuyết thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc...

Những kết quả nghiên cứu cùng với giới học thuật quốc tế, giảng dạy ở trong và ngoài nước của tôi có được là nhờ Đảng và nhân dân.

Để đền đáp công ơn của Đảng và Nhà nước, ước mơ lớn nhất của tôi là được đóng góp những kiến thức đã tích lũy và chiêm nghiệm cho việc đào tạo cán bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thu hẹp khoảng cách về khoa học, giáo dục của Việt Nam với các nước trong quá trình hội nhập.

Ngày 24/3/2006, Ban bí thư đã ra thông báo về quyền ứng cử của đảng viên chính thức vào Ban chấp hành Teung ương khóa X. Mặc dù đây là điều đã được qui định trong điều lệ Đảng, nhưng việc Ban bí thư chính thức thông báo thể hiện việc đổi mới trong chỉ đạo tổ chức đại hội Đảng và quyết tâm của Đảng ta tạo điều kiện tìm những người có năng lực và điều kiện tham gia Ban chấp hành Trung ương. Và, để hưởng ứng kêu gọi của Ban bí thư, tôi đã viết đơn xin ứng cử.

Đơn xin ứng cử của ông đã được gửi tới tiểu ban nhân sự của Ban chấp hành Trung ương khóa IX hôm 4/4. Đến nay, ông đã nhận được hồi âm nào chưa, thưa ông?

 Chính thức thì chưa và tôi nghĩ rằng tiểu ban nhân sự sẽ trình đại hội.

Ông sẽ làm gì nếu trở thành ủy viên Trung ương Đảng?

Nếu được tín nhiệm và giao nhiệm vụ, trước mắt tôi có thể triển khai ngay một số việc:

Thứ nhất, chấn chỉnh việc thi cử, đánh giá và cấp phát, quản lý văn bằng theo các chuẩn mực quốc gia và quốc tế; ổn định chương trình giáo dục ở bậc phổ thông, bậc đại học và tổng thể cho toàn bộ nền giáo dục Việt Nam.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nhiều giải pháp đã được thực thi, nhưng việc “bội thực sách phổ thông” và “đói sách học chay” ở bậc đại học triền miên nhiều năm vẫn chưa giải quyết được.

Ở bậc phổ thông, kể từ năm 1981 đến nay đã 25 năm, mặc dù đã tiêu tốn hàng tỉ USD, hàng trăm triệu bản sách xuất bản mỗi năm, nhưng vẫn chưa có được chương trình và sách giáo khoa chuẩn.

Hiện đang có dự kiến vay tiền nước ngoài để nhập chương trình và giáo trình bên ngoài cho giáo dục đại học nước ta. Nếu thay đổi tư duy, với con người và tổ chức mới, trên cơ sở phát huy nội lực, tôi xin khẳng định chỉ cần 100 tỉ đồng, thời hạn một năm, có thể lo được chương trình và sách giáo khoa không chỉ ở phổ thông mà còn sách tài liệu ở bậc đại học.

Giải pháp này đã được bàn bạc công khai tại hội thảo do Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Hà Nội tổ chức. Các kiến nghị trên đã được gửi lên Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Thứ hai, phải có qui hoạch tổng thể về đất đai cho trường công cũng như trường tư, để trường ra trường lớp ra lớp. Nhà nước cấp đất, là người tổ chức và chủ trì, kết hợp với sự đóng góp của dân thì đầu tư của Nhà nước cũng chỉ mất 2 tỉ USD (bằng số tiền Nhà nước dự chi 2 tỉ USD cho đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở bậc phổ thông từ 2002 - 2007) trong vòng hai, ba năm vấn đề này sẽ được giải quyết một cách căn bản.

Thứ ba, giảm họp hành, lãng phí và cải cách triền miên, quản lý chặt chẽ nguồn ngân sách của Nhà nước và của dân, có thể giảm học phí trong toàn bộ hệ thống giáo dục.

Các cấp học phổ cập học sinh không phải đóng góp bất cứ một khoản nào, học sinh của các gia đình nghèo được cấp học bổng (đây là nội dung của điều 15 hiến pháp năm 1946, khi đất nước còn vô vàn khó khăn, nghèo đói, thù trong và giặc ngoài).

Giảm biên chế hành chính, đồng thời tăng lương gấp hai lần mức lương hiện nay. Liệu giải pháp này có khả thi? Tôi xin thưa: kể từ 2003 kinh phí nhà nước và dân góp cho giáo dục là 4 tỉ USD, trong khi đó lương cho cán bộ giáo viên trong toàn bộ hệ thống chưa đến 1 tỉ USD/năm, vậy 3 tỉ USD còn lại đi đâu?

Thứ tư, tiêu chí và chuẩn mực khoa học quốc tế cần sớm được vận dụng vào Việt Nam, tăng lương cho những người có sản phẩm khoa học đích thực, để làm thay đổi tỉ lệ 70% người có bằng TS trở lên sang làm quản lý.

Xin cảm ơn ông!

Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Hãn được cử đi học đại học ở Liên Xô. Trong hai năm tự học, ông đã thi hết chương trình đại học năm năm của Đại học Tổng hợp Minsk và ông đã được trường chuyển về phòng lý thuyết Viện liên hợp hạt nhân Dupna, tiếp tục nghiên cứu để làm luận án Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ.

Ông có 65 công bố khoa học, trong đó gần 50 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, được thưởng Huy chương Vì sự nghiệp khoa học - công nghệ, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp khuyến học. Năm 1998, ông được Thủ tướng bổ nhiệm là ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia.

Hiện là ủy viên thường vụ Hội Vật lý Việt Nam, thư ký hội đồng biên tập tài liệu chuyên khảo để đào tạo cán bộ vật lý, vật lý toán cho bậc đại học, trên đại học; quyền tổng biên tập tạp chí Vật Lý Ngày Nay; giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Đà Trang
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG