Tốn nghìn tỷ nạo vét, tàu vẫn mắc cạn

Cảng Hiệp Phước đón tàu biển ra vào theo luồng hàng hải Soài Rạp.
Cảng Hiệp Phước đón tàu biển ra vào theo luồng hàng hải Soài Rạp.
TP - TPHCM chi gần 2.800 tỷ đồng nạo vét luồng Soài Rạp nhưng tàu vẫn bị mắc cạn. Đó là thông tin đại tá Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết tại hội nghị nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TPHCM đến các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ diễn ra tại TPHCM ngày 29/9.

Đại tá Ngô Minh Thuấn cho biết theo thiết kế, luồng Soài Rạp được nạo vét đến độ sâu 9,5m nhưng hiện nay luồng hàng hải này có những đoạn, vị trí rất cạn, tàu bè qua lại khá khó khăn. “Vừa qua đã có một tàu hàng mắc cạn không vào cảng được”, ông Thuấn thông tin.

Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Công ty cổ phần tư vấn thiết kế biển cho biết qua khảo sát, luồng Soài Rạp hiện nay nhiều đoạn chỉ đạt độ sâu 6,5m đến 8m.

Trước đó, dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 1 và 2 đã được TPHCM thực hiện trên tổng chiều dài 54 km với tổng diện tích 1.308 ha mặt nước sông ở TPHCM, Long An và Tiền Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Bỉ và vốn đối ứng của TPHCM (624 tỷ đồng).

Với độ sâu 9,5m, luồng hàng hải này cho phép tàu có trọng tải đến 50.000 tấn ra vào, giúp nhiều tàu lớn có thể cập vào khu vực cảng Hiệp Phước. Theo UBND TPHCM, luồng hàng hải Soài Rạp là yếu tố quan trọng hàng đầu cho việc phát triển kinh tế biển của địa phương và các tỉnh lân cận, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách (nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu của thành phố năm 2014 đạt hơn 89.100 tỷ đồng, chiếm 35% tổng thu ngân sách thành phố).

Năm 2015, UBND TPHCM đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, vận động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đầu tư khác để thực hiện dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) với tổng kinh phí 7.900 tỷ đồng (khoảng 380 triệu USD) nhằm nâng cấp mở rộng luồng tàu và hệ thống phao tiêu báo hiệu cho nhu cầu tiếp nhận tàu có trọng tải trên 50.000 tấn ra vào các khu cảng dọc sông Soài Rạp.

Tại hội nghị, giải thích lý do luồng Soài Rạp nông bất thường, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết khi nạo vét lần đầu vẫn tồn tại hoạt động của cảng; một số đoạn chưa đạt đến độ sâu 9,5m. Luồng Soài Rạp không thuộc quy định theo Quyết định 13/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trình tự thủ tục kéo dài hơn 1 năm. Từ khi khảo sát đến lúc khởi công vị trí cần nạo vét đã bị bồi đắp. Nếu căn cứ vào khảo sát lúc vừa khởi công thì phải làm lại dự án từ đầu. Chính vì thế, luồng có một vài điểm không đạt độ sâu 9,5 m ngay sau khi thông luồng.

Theo tính toán một số chuyên gia, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 khoảng 120-150 triệu tấn. Vì vậy, nguồn thu do luồng Soài Rạp đem lại trong 10 năm đầu (2015-2025) ước chừng 580.000-720.400 tỷ đồng.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc khơi thông hệ thống sông rạch, một trong những lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để giảm áp lực lên hạ tầng giao thông đường bộ nhằm giảm kẹt xe cho một số thành phố lớn như TPHCM. Chi phí vận tải đường thủy thấp hơn nhiều so với đường bộ còn góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa.

Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa (Khu vực 3) nêu ví dụ: Dọc sông Sài Gòn có nhiều Khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương phát triển rất mạnh nhưng hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu đều được vận chuyển bằng đường bộ do vướng cầu Bình Lợi.

“Chi phí làm cầu Bình Lợi mới tối đa chỉ mất 2.000 tỷ đồng; thay vì tập trung làm nhanh dự án này, chúng ta lại dồn sức đầu tư các công trình chống kẹt xe. Ùn tắc không giảm, trong khi nếu điểm nghẽn cầu Bình Lợi được giải quyết, không chỉ giảm tắc đường, mà còn giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ cảng về các khu công nghiệp, hiệu quả đem lại lớn hơn nhiều.

Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, hiện cảng Cát Lái đang ngày càng quá tải từ trong cầu cảng ra ngoài đường bộ. Do đó, phương án đang được Cục tập trung thực hiện là điều tiết, phân luồng hàng hóa qua cảng này và phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.