Tổng Bí thư Lê Duẩn như tôi biết- Kỳ II

Tổng Bí thư Lê Duẩn như tôi biết- Kỳ II
TP - Nói rõ thêm về điểm này, tôi được biết, trong thiên hồi ức của mình, anh Phan Hàm, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến đã ghi lại những ý kiến của đồng chí Lê Duẩn ngày 21 và 22/7/1974 tại Đồ Sơn.
Tổng Bí thư Lê Duẩn như tôi biết- Kỳ II ảnh 1

Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm Hội nghị BCH TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tháng 9/1978

..>> Kỳ I

Khi ấy, anh Hàm được cùng với các anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn là hai Phó Tổng tham mưu trưởng và anh Võ Quang Hồ, Phó cục trưởng Tác chiến lên báo cáo tình hình với đồng chí Lê Duẩn và nhận chỉ thị chuẩn bị kế hoạch quân sự cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Những lời anh Lê Duẩn nói ngoài văn bản mà anh Phan Hàm đã ghi lại một cách trung thực vì anh cho rằng “Nó có sức nặng hơn cả mấy binh đoàn” vì đó là tư duy sáng giá của một bộ óc lỗi lạc tại thời điểm quyết định của cách mạng.

Sau khi phân tích sâu sắc tình hình mọi mặt: Mỹ, các nước lớn, tình hình ta, chiến trường…, đồng chí Lê Duẩn nói: “Hiện nay các nước muốn làm chủ Đông Nam Á chưa ai sẵn sàng cả. Mỹ thì đang rút ra, chưa phải là lúc vào lại.

Cho nên, mặc dù bọn Mỹ ở bên này có kêu gào đến mấy chăng nữa, thì viện trợ cũng chỉ có chiều hướng giảm, không tăng. Các nước khác(...) thì chưa ai mạnh; nguỵ thì đang xuống dốc, còn ta thì đang ở thế thắng và đang tiến lên nhanh.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nay thời cơ thuận lợi nhất để kết thúc cuộc chiến tranh, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Nếu để chậm năm bảy năm nữa, họ mạnh lên thì sẽ phức tạp vô cùng cho ta. Từ tình hình trong nước và tình hình thế giới mà rút ra kết luận đó.

Nhưng còn một vấn đề nữa là thắng như thế nào cho tốt? Để chậm thì không tốt đã đành; còn làm mà làm không tốt, trầy trật, cũng sẽ thêm phức tạp. Làm tốt là làm nhẹ nhàng, làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, làm trong một vài tháng, thì có lợi hơn là làm dây dưa, kéo dài ngày.

Có như thế mới đạt được bất ngờ để không ai kịp trở tay; chứ nếu kéo dài ra thì các nước lớn sẽ tìm cách này, cách nọ để tăng thêm lực lượng, tiền của, để họ đối phó được với ta. Có làm được như thế không? Tôi nghĩ rằng cần thiết và nhất định sẽ làm được…”.

Tôi cho rằng, ở vào thời khắc đó, chỉ có một con người “hơn hẳn người khác một cái đầu” thì mới có được những tư duy lỗi lạc như vậy!

Khi Cục Tác chiến và Bộ tổng Tham mưu dự kiến kế hoạch tiến công giải phóng trong 4 năm, đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Ta quyết tâm trong hai năm 1975-1976, động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền Nam-Bắc, đưa cuộc cách mạng của ta lên bước phát triển mới, cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân..”.

Thế rồi, đồng chí Bí thư Thứ nhất đã chỉ rõ: “Do tính chất của cuộc chiến tranh, đô thị là nơi quyết định. Nó thua ở đâu, chứ nếu không dứt điểm được Sài Gòn thì chiến tranh sẽ còn tiếp tục. Cho nên nhất định Sài Gòn phải chuyển mạnh, nếu không thì mất thời cơ.

Phải chủ động gây phong trào, chứ không phải ngồi chờ phong trào nổi lên. Khi ta đánh mạnh thì phong trào đô thị sẽ khác ngay.

Phải có người dám làm, vào hẳn trong thành phố. Không xông vào thì xa rời quần chúng, xa phong trào.

Phải xông vào mà nắm lấy chỗ yếu nhất của địch, để kịp thời và có biện pháp cụ thể lợi dụng, khoét sâu thêm.

Đánh vào Sài Gòn như thế nào? Tất nhiên là phải chuẩn bị cho kỹ về quân sự. Các anh phải làm cho thật tốt. Tôi chỉ nói đến một khía cạnh thôi. Đây là một thành phố có gần 4 triệu dân, có 10 vạn cảnh sát, ghê gớm lắm.

Nhưng không phải chỉ đem lực lượng quân sự giữa hai bên ra mà so sánh, mà phải thấy lực lượng của quần chúng. Lực lượng này thì tiềm tàng, bây giờ ta phải ra sức phát triển, nhưng sức mạnh của nó thì không ai có thể lường hết được.

Nó còn mạnh gấp năm gấp mười lần sức mạnh quân sự. Đến một lúc nào đó, tình thế xoay chuyển, thì chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng này có thể làm tê liệt tất cả: Nhà máy sẽ không còn là pháo đài hay lô cốt của địch, mà sẽ trở thành những ổ đề kháng, nơi tập trung lực lượng của giai cấp công nhân; đường phố sẽ không còn là phòng tuyến của địch, mà trở thành những chiến luỹ gang thép, thiên la địa võng của ta để bao vây quân địch, tiêu diệt quân thù.

Mà chẳng phải chỉ có Sài Gòn mới làm được như thế đâu. Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ…nơi nào cũng làm được như thế cả…”.

Thế rồi sự thật lịch sử cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Đại thắng mùa Xuân 1975 đã diễn ra đúng như những ý kiến tiên liệu của anh. 

Ngay như việc chọn mục tiêu đột phá mở màn chiến dịch, lúc đầu, sau khi đã phân tích tình hình mọi mặt, Cục Tác chiến và Bộ tổng Tham mưu đã chọn Đức Lập; cán bộ của Mặt trận Tây Nguyên cũng nhất trí như vậy vì nó “vừa sức của ta”.

Nhưng ý tưởng của anh Lê Duẩn là phải chọn một mục tiêu sao cho khi ta đánh sẽ làm rung chuyển cả chiến trường. Và, anh đã chỉ đạo đánh Buôn Ma Thuột. Đòn đánh Buôn Ma Thuột đã thôi động vô cùng.

Thay vì quân nguỵ thực hiện lệnh của Nguyễn Văn Thiệu rút bỏ Tây Nguyên về phòng thủ miền duyên hải đã biến thành một cuộc tháo chạy trong hoảng loạn và vỡ trận.

Thời cơ lớn đã thật sự oà đến. Quân và dân ta trên thế thượng phong, hoàn thành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 55 ngày, đúng như ý tưởng chỉ đạo của anh và Bộ Chính trị.

Trong bài viết “Kỷ niệm khó quên về anh Ba Duẩn trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975” của anh Lê Hữu Đức, Cục trưởng Cục Tác chiến có cho bạn đọc biết: “…11 giờ đêm (29/4). Anh Văn (Võ Nguyên Giáp) nhắc tôi đọc bức điện của anh Lê Trọng Tấn cho Anh Ba nghe. Sau khi Anh Ba nghe xong bức điện, Anh Văn nói với Anh Ba: “Theo điện báo cáo của anh Tấn, đề nghị Anh Ba cho đánh”.

Anh Ba nói ngay: “Đánh! Đánh! Cứ đánh ngay anh ạ! Bây giờ không chờ nhau nữa. Lúc này, cánh quân nào thuận lợi thì cứ phát triển, càng thuận lợi cho toàn chiến dịch”.

Anh Văn hỏi thêm Anh Ba: “Điện trả lời ký tên anh chứ?”. Anh Ba nói: “Không, anh là chỉ huy quân đội, cứ ký tên anh thôi”. Sau một thoáng, Anh Ba nói thêm: “Nếu cần thì để cả tên tôi cũng được, hoặc nói rõ đã trao đổi với Anh Ba và Anh Ba hoàn toàn nhất trí”…”.

Và tôi được biết, bức điện ngày 7/4/1975 đã đi vào lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa!..” cũng ra đời trong một bối cảnh tương tự - Đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng đã thực hiện theo sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thể hiện ý chí của Đảng và Nhà nước ta ở thời khắc lịch sử có một không hai đó.

Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, anh là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất chèo lái còn thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác gềnh, cập bến vinh quang.

Đại tướng Lê Đức Anh
Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG