Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh để đòi lại Hoàng Sa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đấu tranh để đòi lại Hoàng Sa
TPO - Sáng 1/7, trong hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ, Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định từ lâu Trung Quốc có ý đồ muốn hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông. Vì vậy chúng ta sẽ đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa và phải xác định đây là cuộc đấu tranh kiên trì, kiên quyết, bình tĩnh, tỉnh táo và phải phát huy sức mạnh tổng hợp. 

Trước đó cử tri Phạm Văn Tá (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng hiện nhân dân đang hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng các lực lượng đấu tranh trên biển Đông. 

Trước hành động bất chấp đạo lý, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, cử tri đề nghị tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để nhân dân Việt Nam và thế giới thấy được hành động xâm lăng của Trung Quốc. 

Hơn nữa cần huy động sức dân, phát huy tinh thần đoàn kết cũng như tăng cường tiết kiệm, bớt chi tiêu lãng phí để dành nguồn lực vật chất, tinh thần hỗ trợ lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, ngư dân.

Trả lời câu hỏi của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vấn đề biển Đông là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng và nhạy cảm, được toàn Đảng, toàn dân quan tâm. Tổng Bí thư nhấn mạnh việc Trung Quốc có ý đồ xâm lăng Việt Nam không phải bây giờ mới xảy ra vì trong lịch sử đã xảy ra nhiều lần và cho tới thời gian gần đây cũng vậy.

Tổng Bí thư cho biết, trong thời buổi bây giờ nước nào cũng nghĩ tới lợi ích quốc gia dân tộc. Tuy nhiên cũng phải cũng phải phân biệt nhân dân Trung Quốc và nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hơn 1,3 tỷ nhân dân Trung Quốc khác với những lãnh đạo Trung Quốc muốn gây hấn, xâm chiếm biển Đông.

Hòa bình, ổn định tại Biển Đông liên quan tới sự ổn định và phát triển của đất nước. Đặc biệt trong mối quan hệ “ăn đời, ở kiếp” với láng giềng Trung Quốc, chúng ta phải xử lý thật bình tĩnh, kiên quyết bởi “sai một ly là đi một dặm”.  “Cái khó trong cuộc đấu tranh này là phải duy trì hợp tác, phát triển nhưng đồng thời phải giữ được độc lập, chủ quyền.”, Tổng Bí thư nói.

Ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 lên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, trên nhiều diễn đàn khác nhau các lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ đã bày tỏ thái độ kiên quyết và dứt khoát đối với độc lập chủ quyền dân tộc. Chúng ta đã kịch liệt lên án, phản đối và đòi Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển, và báo chí đăng tải công khai, người dân trong nước và dư luận quốc tế đều biết. Người dân đã diễu hành, biểu tình phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc.

Xác định đây là cuộc đấu tranh phức tạp và lâu dài, Tổng Bí thư lưu ý “Chúng ta phải tạo sự đồng thuận cao một cách thực chất, thực lòng để huy động sức mạnh tổng hợp. Trong nội bộ phải giữ được ổn định bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước và nhân dân”.

Tổng Bí thư cho hay với chủ trương đấu tranh hòa bình, chúng ta đấu tranh bằng cả ngoại giao, tuyên truyền, đối ngoại… và với tinh thần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo kiềm chế để không xảy ra xung đột và chiến tranh. Vì nếu xảy ra chiến tranh là trái với mục tiêu phát triển ổn định, hòa bình.

Cuối cùng, Tổng Bí thư “hoan nghênh và cảm ơn ý kiến của các cử tri khi nói rằng hoàn toàn tin tưởng và các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trước những phức tạp tại biển Đông. Vì vậy cần tiếp tục phát huy tinh thần trên dưới một lòng, đoàn kết nhất trí trong cuộc đấu tranh lâu dài và phức tạp này”. 

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.