Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến Bình Nhưỡng

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến Bình Nhưỡng
TP - Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức CHDCND Triều Tiên theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il.

Chiều 16/10 (theo giờ Hà Nội), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam đã tới sân bay Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên.

Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể với nghi thức cao nhất ngay tại sân bay Bình Nhưỡng. Hàng vạn người dân Thủ đô cầm cờ hoa, khẩu hiệu và biểu ngữ đứng tại sân bay, dọc đường đoàn xe qua và trước cửa nhà văn hóa ở Bình Nhưỡng chào đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Từ sân bay, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các thành viên trong đoàn đã tới cung kỷ niệm Kumsusan nằm ở khu Đông Bắc trung tâm Thủ đô - Nơi đặt thi hài của Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đặt hoa trước tượng Chủ tịch Kim Nhật Thành và vào viếng Chủ tịch. Ghi sổ lưu niệm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh viết: Chủ tịch Kim Nhật Thành - lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Triều Tiên, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam đặt nền móng vững chắc cho tình hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên. Chủ tịch Kim Nhật Thành sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Triều Tiên và trong tình hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên.

Chuyến thăm diễn ra từ 16 - 18/10 trong bối cảnh tiến trình hòa bình ở bán đảo Triều Tiên vừa đạt được bước tiến quan trọng qua kết quả tích cực tại vòng đàm phán 6 bên và hội đàm cấp cao liên Triều lần thứ hai vừa diễn ra.

Với quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Triều Tiên đang phát triển tốt đẹp, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào việc cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên và tiến trình hòa bình ở bán đảo này.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến Triều Tiên lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, trong đó có quan hệ về kinh tế - thương mại.

Chuyến thăm cũng góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tích cực tham gia và giải quyết các vấn đề quốc tế, góp phần thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên.

Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 31/1/1950. Hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi các chuyến thăm hữu nghị, trong đó có chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Kim Nhật Thành (thăm Việt Nam hai lần) Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yêng Nam.

Dự kiến, Thủ tướng Triều Tiên Kim Yêng In sẽ thăm chính thức Việt Nam  cuối tháng 10/2007.

Trong quá trình hợp tác, hai nước đã ký nhiều hiệp ước, hiệp định quan trọng như: Hiệp định hợp tác văn hóa (11/1957); Hiệp định hợp tác khoa học, kỹ thuật (10/1958); Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (1961); Hiệp định thương mại và hàng hải (12/1962); Hiệp định hỗ tương về Y tế (12/1966); Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (9/1969); Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng (1/1977); Hiệp định vận tải biển (5/2002); Hiệp định thương mại (5/2002); Hiệp định tương trợ tư pháp (5/2002); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (5/2002); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (5/2002).

Hai nước đã lập Ủy ban liên Chính phủ hợp tác kinh tế - khoa học, kỹ thuật Việt Nam - Triều Tiên. 

Đ.P
Theo TTXVN, VOV

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.