Tổng kiểm toán hiến kế chặn thất thoát định giá, cổ phần hóa

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
TPO - Sáng 29/3, tại buổi tọa đàm kỹ năng kiểm toán kết quả xử lý các vấn đề tài chính và tư vấn định giá trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu ra các giải pháp ngăn chặn dòng chảy thất thoát tài sản nhà nước.

Theo ông Hồ Đức Phớc, việc xác định giá trị của doanh nghiệp là một vấn đề hết sức quan trọng, là tiền đề then chốt cho việc thực hiện cổ phần hóa sau này. Những năm gần đây, việc xác định giá trị DN vẫn còn lúng túng, có lúc, có nơi còn tùy tiện, sơ hở, gây thất thoát tài sản và vốn nhà nước. Ngoài ra, hệ thống văn bản cũng chưa được hoàn thiện, điển hình như việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, xác định giá thị thương hiệu rồi quy định về định giá tài sản theo giá thị trường…

Chính phủ đã có hai nghị định xử lý vướng mắc, tuy nhiên quy định vẫn chưa đầy đủ để hoàn thiện, chống thất thoát trong cổ phần hóa, đặc biệt trong vấn đề xác định giá trị DN. Cho dù đây là khâu tiền đề, then chốt nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng, nhiều kẽ hở và nhiều quan điểm khác nhau trong xác định giá trị DN.

Theo ông Phớc, năm 2016, lần đầu tiên KTNN tiến hành xác định giá trị DN. Nếu việc này được triển khai sớm hơn khoảng chục năm, chắc sẽ chặn đứng được dòng chảy thất thoát về tài sản của nhà nước. Năm 2001, cả nước có khoảng 6 nghìn DN, đến nay chỉ còn khoảng gần 600 DN, đáng lưu ý, tình trạng DN cổ phần hóa gây thất thoát rất lớn. Một số tập đoàn kinh tế, DN, nhà máy lớn, nhiều khu đất vàng rơi vào tay tư nhân, địa tô chênh lệch từ khu đất vàng ấy chạy vào túi tư nhân. Đây cũng là một sơ hở trong quá trình cổ phần hóa nói chung và trong việc xác định giá trị DN nói riêng.

Tổng kiểm toán ví dụ, năm 2016, KTNN xác định giá trị của 7 doanh nghiệp, đã làm tăng vốn nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng. Con số này được xác định bằng hai cách. Trong đó xác định bằng phương pháp tài sản tăng 4,5 nghìn tỷ và phương pháp dòng tiền chiết khấu tăng trên 15,6 nghìn tỷ. Rồi sang năm 2017, KTNN tiếp tục làm tại 6 DN và cũng làm tăng vốn nhà nước lên trên 8.900 tỷ đồng. Như vậy có nghĩa là tính bình quân mỗi DN như vậy làm thất thoát trên 1 nghìn tỷ đồng, nếu không kiểm toán lại.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, trước đây Chính phủ giao cho KTNN, với những DN trên 5 nghìn tỷ đồng thì sẽ kiểm toán lại vấn đề xác định giá trị DN. Nhưng đến bây giờ đang bàn, đưa con số này xuống mức trên 1 nghìn tỷ thì KTNN sẽ kiểm toán. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà Chính phủ giao cho KTNN.

Về giải pháp, theo ông Hồ Đức Phớc, việc lựa chọn phương pháp định giá trước khi cổ phần hóa cũng là một vấn đề quan trọng. Nếu định giá theo phương pháp tài sản, có nghĩa là không tính đến vấn đề tài sản vô hình trong tương lai, chẳng hạn như giá trị thương hiệu. Về xác định các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, quy định nộp tiền hàng năm…cũng không tính vào giá trị DN. Kể cả nộp tiền sử dụng đất tính vào giá trị DN thì vẫn là một lỗ hổng gây thất thoát.

“Bây giờ xác định giá trị DN để chuyển sang cổ phần hóa, tính tiền giao đất lâu dài hay cho thuê đất nộp tiền một lần, hay nộp hàng năm, chúng ta có chặn đứng được dòng chảy thất thoát không? Chắc là không, vì hôm nay định giá 1 tỷ, nhưng ngày mai chuyển mục đích sử dụng thì có thể lên 1 nghìn tỷ. Vậy việc này là thế nào, có lọt vào tay tư nhân không?”, ông Phớc nêu vấn đề.

Để chặn được dòng chảy thất thoát đất đai trong cổ phần hóa, theo Tổng kiểm toán, thuê đất hay giao đất, nộp tiền một lần hay hàng năm không cần định giá. Có thể điều này hơi trái ngược, nhưng vì hôm nay định giá 1, thì ngày mai giá trượt lên 10, mà cái này lại lọt vào tay tư nhân. Vậy phải làm thế nào?

“Theo tôi phải kiến nghị để bổ sung quy định pháp luật. DNNN thuê đất, sử dụng đất thì khi chuyển qua công ty cổ phần, thậm chí tư nhân, ông vẫn thuê đất và giữ nguyên mục đích sử dụng đất. Đất làm trụ sở thì sau đó vẫn làm trụ sở. Đất kinh doanh, sang bên kia mô hình vẫn là kinh doanh. Bên này nộp tiền hàng năm, sang kia cũng nộp tiền hàng năm…

Nhưng khi chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất trụ sở, đất kinh doanh sang đất ở, đất đô thị thì nhà nước phải thu hồi và tổ chức đấu giá, đấu thầu công khai. Ai trúng thầu người đó trả lại tiền tài sản cho nhà nước, tiền địa tô chênh lệch, tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách.

Nếu áp dụng biện pháp này sẽ không còn thất thoát, tuy nhiên phải hạn chế tình trạng đấu thầu giả, hay nói cách khác là đấu thầu kiểu xã hội đen, xã hội đỏ can thiệp vào để làm sai lệch quá trình đấu thầu”, Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc hiến kế.

MỚI - NÓNG