TP HCM có nhiều quy hoạch "treo" nhất

TP HCM có nhiều quy hoạch "treo" nhất
Vừa kết thúc chuyến khảo sát tình trạng quy hoạch treo tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực kết luận, địa phương này có nhiều dự án nằm trong danh sách "đen" nhất. 
TP HCM có nhiều quy hoạch "treo" nhất ảnh 1
Bộ trưởng Mai Ái Trực.

Thưa Bộ trường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy hoạch "treo" hiện nay là gì?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi lên hàng đầu là sự thiếu cân nhắc khi xây dựng và xét duyệt quy hoạch, đồng thời thiếu cụ thể trong tổ chức thực hiện.

Các quy hoạch của chúng ta nói chung đều xuất phát từ lòng tốt của người làm quy hoạch và những người có trách nhiệm trong việc chỉ đạo lập và phê duyệt. Ai cũng muốn địa phương mình có định hướng phát triển “xứng tầm”, có đô thị thật hoành tráng, hiện đại.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đã có sự nóng vội, chủ quan, thậm chí duy ý chí, rốt cuộc là quy hoạch không hợp lý và không chú ý đến tính khả thi.

Điều đáng nói nhất là những cấm đoán không đúng pháp luật đối với quyền của người sử dụng đất trong khu quy hoạch. Có những quy hoạch chỉ nêu chung chung là sẽ mở rộng tuyến đường này, hẻm phố nọ hoặc sẽ xây dựng công trình, dự án, nhưng lúc nào mở rộng, lúc nào xây dựng thì không nói rõ.

Trong khi đó, tại các khu quy hoạch, người dân bị cấm cải tạo, xây dựng nhà ở, thậm chí không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Có những khu bị “treo” luôn cả việc xây dựng hạ tầng phục vụ đời sống nên đường sá xuống cấp không được sửa chữa, điện nước ít được quan tâm.

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng quy hoạch “treo” tại TP HCM?

Để phục vụ đợt kiểm tra việc sử dụng đất của các quy hoạch và dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mở diễn đàn trên trang thông tin điện tử của bộ và tổ chức buổi giao lưu trực tuyến chuyên đề về việc này.

Có đến gần một nửa số ý kiến phản ảnh về quy hoạch “treo” là từ TP HCM. Qua kiểm tra thực tế và làm việc với UBND thành phố, có thể khẳng định địa phương này đang có nhiều quy hoạch “treo” nhất.

Có hai vấn đề về quy hoạch mà người dân thành phố “kêu” nhiều nhất, đó là quy hoạch mở đường, mở hẻm và quy hoạch công viên cây xanh. Trước khi có cuộc làm việc với UBND TP HCM, tôi có làm việc với UBND quận 6 và đi kiểm tra một số khu vực được người dân phản ảnh là “treo” hoặc quy hoạch không hợp lý tại quận 2, Tân Bình và Tân Phú. Tôi cho rằng ý kiến của người dân là có cơ sở, cần được xử lý sớm.

Thưa bộ trưởng, mở đường, mở hẻm, tăng diện tích cây xanh cũng rất cần cho một đô thị, đặc biệt là đối với TP HCM?

Theo Bộ trưởng Mai Ái Trực, việc tổ chức thực hiện qui hoạch cũng đang là khâu yếu kém. Có những qui hoạch được phê duyệt rồi nhưng tổ chức thực hiện ra sao, nguồn vốn thực hiện lấy từ đâu và bố trí trong kế hoạch như thế nào lại không được đề ra cụ thể.

Qui hoạch mà không thể hiện trong từng thời kỳ kế hoạch năm năm và hằng năm thì bản thân qui hoạch đó đã bị “treo” rồi.

Mở rộng lộ giới đường để bảo đảm giao thông thông suốt đối với TP HCM là cần thiết và phải làm nhưng mở đến mức nào, mở đường gắn với xây dựng hệ thống xe điện ngầm, xây dựng hệ thống đường trên cao ra sao để giảm thiểu việc giải tỏa nhà dân thì cần phải cân nhắc toàn diện.

Mở rộng hẻm cũng rất cần nhưng có nhất thiết phải mở rộng những hẻm đang đủ độ rộng để xe cứu hỏa, cứu thương vào được? Tất nhiên, hẻm càng rộng thì lợi ích lâu dài của người dân sống trong hẻm càng cao nhưng cần có bước thực hiện hợp lý và nhất là phải hỏi ý kiến người dân tại chỗ khi quy hoạch mở rộng hẻm.

Đối với quy hoạch công viên cây xanh cũng vậy. Cần thiết phải bảo đảm diện tích cây xanh tính theo đầu người trong đô thị, nhưng không nhất thiết quận nào cũng phải đạt tỷ lệ đó.

Các vị lãnh đạo quận 6, TP HCM nói với tôi rằng quy hoạch của quận không được cơ quan chuyên môn của thành phố chấp thuận phê duyệt vì không đạt tỷ lệ cây xanh, nhưng quận không biết làm thế nào để đạt tỷ lệ này.

Không lẽ giải tỏa khu dân cư đang sống ổn định để làm công viên cây xanh? Trong khi đó một số quận, huyện có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, không những đủ diện tích để làm công viên mà có thể làm được những khu đại công viên, những khu rừng nhỏ cho đô thị.

Ý kiến của TP HCM về những vấn đề đó như thế nào, thưa bộ trưởng?

Lãnh đạo TP HCM đã thấy rõ những nhược điểm trong xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, hiện cũng đã và đang chỉ đạo khắc phục.

Tôi đọc nhiều văn bản chỉ đạo của UBND TP HCM, trong đó có cách đặt vấn đề rất đúng, chẳng hạn như quy định từ nay việc quy hoạch phải chú ý hạn chế giải tỏa nhà ở của dân.

Quyền của người dân về sử dụng đất, xây dựng nhà ở, công trình cũng được quy định rất cụ thể và phù hợp với pháp luật. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện.

Theo Phúc Huy
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm chạp?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.