TP. Hồ Chí Minh: Báo động vấn nạn gian lận trong quản lý, sử dụng nước sạch

TP. Hồ Chí Minh: Báo động vấn nạn gian lận trong quản lý, sử dụng nước sạch
“Có hay không sự tiếp tay của một số cán bộ cấp nước biến chất trong vấn nạn gian lận trong quản lý, sử dụng nước sạch?” là câu hỏi PV báo Tiền Phong đặt ra với lãnh đạo ngành cấp nước TPHCM.

Ông Huỳnh Trung Lâm, Phó giám đốc Cty Cấp nước TPHCM (CTCN) trả lời :

TP. Hồ Chí Minh: Báo động vấn nạn gian lận trong quản lý, sử dụng nước sạch ảnh 1
Ông Huỳnh Trung Lâm

Thông qua một số vụ việc lớn, mình vẫn đánh giá khả năng dứt khoát phải có sự tiếp tay. Vật liệu, vật tư thiết bị không phải của Cty nhưng kỹ thuật cắt ống và nhiều thứ khác cần phải có những dụng cụ chuyên ngành.

Nhưng do các vụ gian lận phát hiện được đều đã diễn ra quá lâu (ít nhất là 7 năm) nên người vi phạm hầu hết không nhớ cụ thể ai đã tiếp tay giúp cắt, lắp ráp ống nước trái phép. Việc xác định cán bộ nào trong ngành dính líu đến những vụ việc trên là rất khó.

Trong mỗi vụ việc, mình đều chỉ đạo cán bộ dưới quyền phối hợp để người vi phạm tự khai báo tên, họ cán bộ nhân viên sai phạm cũng như chú ý truy tìm nguồn gốc các tang vật thu được ... nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện được các trường hợp cán bộ nhân viên cấp nước cắt ống, gây thất thoát nước, làm sai lệch nhằm có lợi cho khách hàng.

Không lẽ ngành cấp nước TPHCM bất lực  ?

Không. Trong thời gian qua Cty đã phát hiện nhiều trường hợp “ém số” (khách hàng sử dụng chỉ số cao nhưng nhân viên cấp nước ghi chỉ số thấp) và đã xử lý kỷ luật.

Năm 2004, các chi nhánh và Cty đã buộc thôi việc 10 cán bộ, nhân viên sai phạm. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục điều tra và sẽ xử lý nghiêm nếu xác định rõ cán bộ nhân viên nào đã tiếp tay cho các đối tượng ăn cắp nước sạch quy mô lớn.

Thưa ông, những vụ việc gian lận được phát hiện gần đây đều đã diễn ra trong một thời gian dài. Phải chăng vấn đề quản lý nước sạch tại TPHCM đang “có vấn đề” ? Ngành cấp nước TPHCM đã và sẽ làm gì để hạn chế tình trạng gian lận ?

Trước đây, do hoạt động theo cơ chế cũ, công tác quản lý tài nguyên của CTCN thiếu chặt chẽ. Biết được con số thất thoát nước toàn Cty nhưng thất thoát cụ thể ở chi nhánh nào, thất thoát bao nhiêu thì lại không nắm được.

Cơ chế cũ không có chế độ khoán lương gắn với hiệu quả công việc nên chưa khuyến khích các chi nhánh và mỗi cán bộ nhân viên chống thất thoát nước.

Hai năm nay, Cty đã hoạt động theo cơ chế mới, phân luồng, tách mạng cấp nước đồng thời gắn các thiết bị đồng hồ tổng nên đã xác định chính xác con số thất thoát nước cụ thể của từng đơn vị.

Hiện nay, Cty có các chính sách mới, cụ thể khuyến khích và nâng cao trách nhiệm quản lý ở mỗi chi nhánh trực thuộc. Lương của CBCNV các chi nhánh không giống nhau, lệ thuộc rất nhiều vào tỉ lệ thất thoát nước của đơn vị.

Thất thoát càng thấp thì lương càng cao (và ngược lại) nên cán bộ nhân viên chi nhánh tích cực hơn trong công tác phòng chống gian lận. Bên cạnh đó, CTCN thi hành chính sách kỷ luật lao động mới. Những sai phạm có chủ ý của các cán bộ, nhân viên trong ngành đều được xử lý nghiêm khắc như buộc thôi việc, …

Một biện pháp khác đang làm là thưởng xứng đáng cho những người có công báo tin dẫn đến phát hiện gian lận : 200 nghìn đồng/địa chỉ và 20% tổng số tiền truy thu (nếu là cán bộ trong ngành, mức thưởng là 100 nghìn đồng/địa chỉ và 10%). Ngoài ra, để chống thất thoát, gian lận, sắp tới Cty sẽ nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật như đổi loại đồng hồ có tính năng tốt hơn ...

Xin cám ơn ông.

MỚI - NÓNG